Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:39 (GMT +7)
Nhân lên màu xanh trên những bãi thải mỏ
Thứ 6, 22/03/2024 | 14:47:01 [GMT +7] A A
Hoàn nguyên môi trường là trách nhiệm của ngành than sau khi đã kết thúc khai thác. Hiểu rõ trách nhiệm của mình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã dành nhiều nguồn lực cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác và ngừng đổ thải. Sau nhiều năm, những "ngọn núi nhân tạo" chứa hàng trăm triệu mét khối đất đá thải mỏ nay đã được phủ xanh. Ở nhiều bãi thải, những loại cây trồng đang sinh trưởng tốt, phát triển thành những tán rừng xanh mát.
Bãi thải Nam Đèo Nai là khu vực chứa đất đá thải chính của 2 mỏ than Đèo Nai và Cọc Sáu. Sau hơn 40 năm tồn tại, lượng đất đá đổ thải ra khu vưc bãi thải này đã lên tới xấp xỉ 300 triệu m3. Sau khi có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2003 Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã dừng đổ thải đất đá ở khu vực bãi thải Nam Đèo Nai.
Ông Phạm Thế Phi, Phó trưởng phòng Đầu tư - Môi trường Công ty CP Than Đèo Nai cho biết: Trong quá trình đổ thải, đơn vị đã đảm bảo đổ thải đúng chiều cao thiết kế tầng bãi thải và thi công hệ thống đê chắn đất đá thải, thoát nước nhằm giữ ổn định bờ bãi thải, ngăn chặn hiện tượng sói mòn đất đá thải. Từ năm 2004, bãi thải Nam Đèo Nai được cải tạo san cắt tầng, tạo thành 8 tầng thải với chiều cao mỗi tầng từ 20 đến 35m. Trên mặt mỗi tầng thải đều xây dựng đê chắn nước ở mép tầng với chiều cao từ 2 đến 3m, chiều rộng mặt đê từ 8 đến 10m.
Để phủ xanh "ngọn núi" này, thời điểm đó, Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã đầu tư gần 7,3 tỷ đồng trồng cây phủ xanh sườn, mặt bãi thải, bao gồm: Trồng cây ven đường giao thông, trên mặt đê ở mép tầng, trồng cây tập trung trên mặt tầng diện tích có diện tích 30ha; trồng cây trên sườn tầng diện tích 90ha. "Cấu tạo của bãi thải mỏ cũng như tính chất vật liệu đất đá thải khiến cho khả năng giữ nước và tính liên kết của vùng trồng cây rất kém. Để cây trồng có thể sinh trưởng tốt, công ty đã lựa chọn một số loại cây bản địa phù hợp với kết cấu đất đá bãi thải mỏ, như cây keo lá tràm, cây phi lao, cây keo lai và có phương pháp chăm sóc đặc biệt trong những năm đầu" - ông Phạm Thế Phi cho biết thêm.
Sau nhiều năm, bãi thải Nam Đèo Nai với chiều cao 250m nằm án ngữ ở phía Bắc khu vực dân cư thành phố Cẩm Phả không còn trơ trụi một màu đất đá xám xịt như trước. Thay vào đó, một màu xanh biếc đã phủ dài trên 3km của bãi thải. Những dải rừng keo, rừng thông rậm rạp đã cao đến hàng chục mét, nhiều loài chim, thú cũng tìm về đây cư ngụ. Không gian xanh mát này từ lâu cũng đã trở thành khu vực rèn luyện thể dục, thể thao của người dân sinh sống lân cận.
TKV đang có hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh, trong đó có 24 đơn vị trực tiếp khai thác, chế biến, tiêu thụ than. Nhiều năm trước đây, các bãi thải mỏ than lớn trên địa bàn tỉnh có dạng cao, đổ thải từ trên đỉnh. Chiều cao một số bãi thải lên tới 250-300m, không được cắt phân tầng, có góc dốc sườn bãi thải từ 30-40 độ. Đất đá thải có độ liên kết yếu, cấu trúc bở rời, dễ sạt lở, thảm thực vật khó phát triển do nghèo dinh dưỡng. Đi cùng với bãi thải là hàng loạt vấn đề: Nước thải mỏ, bụi, khí nổ, tiếng ồn, cảnh quan, xử lý chất thải nguy hại... Đặc biệt, mô hình khai thác than lộ thiên gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường sinh thái, rõ nhất là ô nhiễm không khí và nguy cơ sạt lở từ những bãi thải đất đá khổng lồ.
Để khắc phục tình trạng đó, TKV đã yêu cầu các đơn vị chấm dứt đổ thải bằng công nghệ bãi thải cao, thay thế bằng công nghệ đổ thải phân tầng và thường xuyên nạo vét, cải tạo hệ thống kênh, mương thoát nước, xây dựng các đập chắn tại chân các bãi thải, bảo đảm an toàn cho dân cư. Đối với các bãi thải, trồng cây, phục hồi môi trường chính là phương pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu những nguy cơ.
Hàng năm, công tác trồng cây gây rừng, phủ xanh các bãi thải và các khu vực đã kết thúc khai thác được các đơn vị thuộc TKV thực hiện rất nghiêm túc. Nguồn lực dành cho hoạt động này ở các mỏ cũng tương đối lớn. Đơn cử như tại Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin, bình quân mỗi năm, đơn vị chi phí gần 9,9 tỷ đồng cho công tác trồng và chăm sóc các loại cây trên bãi thải.
Theo bà Vũ Thị Bích Phượng, Phó trưởng phòng Đầu tư - Môi trường Công ty CP Than Hà Tu, Công ty hiện đã hoàn nguyên xong 3 bãi thải gồm Nam Lộ Phong, Chính Bắc và bãi thải vỉa 7, 8, với tổng diện tích trồng cây 220ha. Năm 2023 vừa qua, diện tích đổ thải của Công ty là 105 ha, tổng trữ lượng đổ thải trên 45,8 triệu m3 đất đá, đổ tại bãi thải trong Vỉa trụ. Công ty đã tiến hành hoàn nguyên môi trường được trên 18ha với chi phí xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Chuyền, Phó trưởng ban Môi trường TKV cho biết: “Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường đổ bãi thải trong, giảm dần tỷ trọng đổ bãi thải ngoài kết hợp với xây dựng đủ đê đập ngăn đất đá chân bãi thải, trồng cây phủ xanh các khu vực đã kết thúc đổ thải, nhất là các khu vực gần dân cư, đô thị, nhìn được từ Quốc lộ 18. Ngoài các loài cây truyền thống như keo, phi lao, TKV cũng đã phát động trồng cây gỗ lớn theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2023 đến nay, các đơn vị bắt đầu trồng thử nghiệm một số loại cây như lim, lát hoa và ở nhiều nơi, cây bắt đầu phát triển”.
Quảng Ninh không chỉ là vùng than lớn nhất của đất nước mà còn là tỉnh còn nhiều tiềm năng du lịch cần khai thác. Chính vì vậy, việc các đơn vị khai thác than hoàn trả màu xanh cho các mỏ than không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm nguyện của những người thợ mỏ, của người dân Quảng Ninh.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()