Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:39 (GMT +7)
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Thứ 4, 31/07/2024 | 06:13:00 [GMT +7] A A
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tập hợp nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Năm 2019, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) còn 21 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo, đến nay xã đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc huy động, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân thực hiện các tiêu chí giảm nghèo.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Sơn Hoàng Văn Pẩu cho biết: Căn cứ đặc thù địa phương, MTTQ xã đã phối hợp, phát huy vai trò của người có uy tín, cán bộ mặt trận tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, địa phương. Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, đội ngũ cán bộ mặt trận đã tích cực vận động, tập hợp nhân dân tham gia các phong trào thi đua xây dựng NTM, thực hiện Chương trình 135, giảm nghèo bền vững; các hoạt động nhân đạo, từ thiện; hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết", gia đình chính sách, hộ nghèo, xây dựng quỹ "Vì người nghèo".
Với sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, mọi phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động đều được đông đảo quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả. Trong 5 năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Nam Sơn đã vận động nguồn lực xã hội hoá xây mới, sửa chữa nhà cho 55 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền vận động trên 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, xã có 5 hộ thoát nghèo từ việc hỗ trợ thoát nghèo có địa chỉ của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.
Tại huyện Tiên Yên, trong 5 năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh triển khai rộng khắp các phong trào thi đua thiết thực, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Đường hoa, tranh tường, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Thắp sáng đường quê”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”... Cùng với đó, MTTQ các cấp còn làm tốt công tác tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng cấp huy động, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp trên 229 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, vận động người dân hiến trên 150.000m2 đất để xây dựng đường liên thôn; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng mới 74 nhà "Đại đoàn kết"; xây dựng hơn 20.345m đường hoa và 1.232m2 tranh tường; lắp đặt điện chiếu sáng tại 76 tuyến đường với chiều dài trên 38km…
Năm 2023, Tiên Yên là một trong 2 địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước về đích NTM nâng cao, trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Toàn huyện hiện có 6/10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4/10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nhiều mô hình, phần việc cụ thể gắn với thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng, đều mang hiệu quả, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng, góp phần thực hiện các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Rõ nét nhất là mô hình, phần việc tín chấp, bảo lãnh vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo, huy động nguồn lực trong xã hội tham gia chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, MTTQ các cấp đã thành lập và xây dựng 521 mô hình điểm trong thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM. Hội LHPN các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện 1.992 mô hình phụ nữ với tổng số hơn 200.000 thành viên. Hội CCB tỉnh với mô hình “Thắp sáng đường quê” đã lắp đặt 39.431 bộ bóng đèn, tổng kinh phí thực hiện trên 20 tỷ đồng. Tỉnh Đoàn với mô hình “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”, “Thanh niên xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”...
Nhờ đó, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”, 98/98 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%); 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 57,1%); 28/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 28,57%); 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các tiêu chí NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch.
Các hoạt động chăm lo Tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí về môi trường, nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được triển khai tích cực.
Trong 5 năm, MTTQ các cấp đã huy động và trao 354.325 suất quà Tết, trị giá hơn 220,34 tỷ đồng; huy động trên 157 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.513 nhà "Đại đoàn kết"; hỗ trợ giúp đỡ huyện Bình Liêu, huyện Ba Chẽ xây dựng 827 nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt năm 2023 đã tập trung huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 441 nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền, nguyên vật liệu, hiện vật và ngày công trị giá trên 37 tỷ đồng.
Những kết quả này đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần mức chuẩn nghèo đa chiều của cả nước.
Các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư; thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng 4.131 tổ, cụm nhân dân tự quản an ninh trật tự; hằng năm có trên 2/3 xã, phường, thị trấn được công nhận mô hình "An ninh cơ sở". Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Toàn dân PCCC” được cụ thể hóa với nhiều mô hình sáng tạo, gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy còn được minh chứng rất rõ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 suốt 3 năm (2020-2022). MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình, tăng cường đoàn kết, lan toả tinh thần “Tương thân tương ái" trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận ủng hộ với số tiền trên 236 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị vật tư y tế, nhu yếu phẩm khác để phục vụ công tác phòng chống dịch và ủng hộ, hỗ trợ cho các đối tượng, hoàn cảnh yếu thế.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Nhìn lại những kết quả trong triển khai thực hiện các chương trình hành động và thực tế hiện nay trên địa bàn, có thể khẳng định công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Điều đó đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI, khẳng định hơn nữa vai trò của MTTQ trong xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()