Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:03 (GMT +7)
Nhân rộng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Thứ 3, 08/11/2022 | 12:27:58 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 21 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh, thị trường… việc nhân rộng các cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng với việc thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, phát triển bền vững.
Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh viêm da nổi cục và lở mồm long móng. Bệnh viêm da nổi cục và lở mồm long móng là 2 loại bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc lớn, đặc biệt là trên đàn bò do virut gây ra, có khả năng lây lan cao, chưa có thuốc điều trị. Để được cấp giấy chứng nhận, Công ty TNHH Phú Lâm phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về phòng, chống, giám sát dịch bệnh, đảm bảo hoạt động thú y, không để xảy ra dịch bệnh trong thời gian nhất định.
Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm, cho biết: Việc đảm bảo an toàn dịch bệnh là yếu tố hàng đầu đảm bảo về sản xuất ổn định, bền vững, hiệu quả đối với cơ sở chăn nuôi. Được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, đơn vị được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch, đảm bảo điều kiện cấp giấy chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAP), đáp ứng yêu cầu của việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng được giám sát dịch bệnh thường xuyên bằng NSNN. Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi của đơn vị được đảm bảo.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn phân tán, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, dịch bệnh diễn ra trong những năm gần đây đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Cụ thể, năm 2019 dịch tả lợn châu Phi xảy ra phải tiêu hủy 144.797 con lợn; năm 2020, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại, tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò phải tiêu hủy 4.891 con gia súc, gia cầm; năm 2021, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại, tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò phải tiêu hủy 56.984 con gia súc, gia cầm. Để giải quyết tồn tại này, việc nhân rộng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại kinh tế là giải pháp quan trọng.
Hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Theo dự án, mỗi năm toàn tỉnh sẽ xây dựng 35 cơ sở an toàn dịch bệnh; 20 phường, thị trấn tại TP Hạ Long và TP Uông Bí có cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại, 9 xã của huyện Tiên Yên có cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và bệnh niu-cát-xơn; hoàn thành khống chế bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn tại Tiên Yên vào năm 2025; hoàn thành khống chế bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục tại TP Móng Cái.
Dự án sẽ được triển khai tại một số hộ chăn nuôi có quy mô đàn gia cầm từ 1.000 con trở lên, chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên, chăn nuôi lợn quy mô từ 50 con trở lên trên địa bàn huyện Tiên Yên, TP Hạ Long, TP Uông Bí. Dự án sẽ tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vắc xin và công tiêm phòng, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu, thẩm định chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát lâm sàng hằng năm…
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, cho biết: Là đơn vị tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”, hiện chi cục đang lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan. Hy vọng rằng, dự án sẽ nhanh chóng được chấp thuận, đồng ý, phê duyệt để triển khai, qua đó, nhân rộng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, thúc đẩy sản xuất.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()