Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:37 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã
Thứ 2, 01/04/2024 | 12:49:10 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, nhấn mạnh vai trò của thiết chế văn hóa ở cơ sở. Thời gian qua các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh có nhiều giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, trong đó có mô hình điểm nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) cấp xã.
Xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) là một trong 6 xã của tỉnh được lựa chọn thực hiện mô hình điểm nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm VHTT xã. Trung tâm được xây dựng theo hướng đạt chuẩn của Bộ VH,TT&DL, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động; đồng thời thành lập các CLB VHTT, phấn đấu thu hút ít nhất 40% dân số tham gia thường xuyên; thời gian mở cửa hoạt động khoảng 24 ngày/tháng.
Cùng với các hoạt động VHTT, Trung tâm VHTT xã Lục Hồn dự kiến tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, tang, lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa, xã hội địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và giữ gìn ANTT...
Bà Vi Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Lục Hồn, cho biết: Sau 1 tháng thí điểm, Trung tâm VHTT xã đã hình thành 8 CLB hát then, đàn tính, bóng chuyền hơi, hát soóng cọ... Các CLB thu hút đông thanh thiếu niên tham gia. Việc duy trì và nâng cấp hoạt động Trung tâm VHTT xã góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các loại hình văn nghệ dân gian của xã.
Cùng với xã Lục Hồn, trên địa bàn tỉnh còn 5 xã được lựa chọn thực hiện điểm mô hình nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm VHTT xã là: Xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà), xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô), xã Hải Đông (TP Móng Cái), xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên). Để đảm bảo hoạt động của các trung tâm, các địa phương đang tập trung thành lập bộ máy tổ chức, các CLB; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động; đẩy mạnh tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao…
Ông Bùi Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đông (TP Móng Cái), cho biết: Xã đã thành lập Ban chủ nhiệm Trung tâm VHTT xã gồm 8 thành viên, do công chức văn hóa - xã hội xã làm chủ nhiệm, các thành viên còn lại là đại diện các tổ chức chính trị - xã hội làm cán bộ chuyên môn, cộng tác viên của Trung tâm. Đây là những hạt nhân nắm bắt các cách thức, kỹ năng tổ chức hoạt động và vận động nhân dân cùng tham gia. Trung tâm đã thành lập các CLB bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, văn nghệ... với 125 thành viên.
Toàn tỉnh hiện có 104/177 xã, phường có trung tâm VHTT, trong đó 30% cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL. Khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU và chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh về phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân; từng bước khắc phục chênh lệch về mức hưởng thụ VHTT, vui chơi, giải trí của nhân dân ở các vùng miền, khu vực trong toàn tỉnh.
Tới đây tỉnh dự kiến nhân rộng mô hình này ở các xã, phường, thị trấn có trung tâm VHTT. Tỉnh đã giao Sở VH&TT cùng với tập huấn, hướng dẫn cách thức thực hiện, sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức hoạt động sau 1 năm triển khai mô hình điểm tại 6 xã. Trên cơ sở đó, rút bài học kinh nghiệm để nhân rộng ở các địa phương còn lại.
Minh Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()