Tất cả chuyên mục

Tôi cứ nghĩ tập thơ có tên "Lan rừng" của Phạm Minh Hà là thơ tình, vì nghe cái tựa đề rất... tình tứ, hóa ra không phải. Đó là tập thơ tác giả đã miên man với dòng sông cảm thức về Tổ quốc thiêng liêng, một dòng cảm thức bất tận của người lính trận trở về với đời thường bình dị.
![]() |
Trang bìa tập thơ. |
Phạm Minh Hà từng là người lính tham gia mặt trận Tây Nguyên với tư cách là phóng viên chiến trường. Sau chiến thắng lịch sử 1975, ông đi học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở lại vùng châu thổ sông Đồng Nai để cặm cụi với cây bút và “sống chết” cùng những miền chữ nghĩa đầy mê lực. Vài năm sau, ông làm một cuộc “Bắc tiến”, định cư tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tiếp tục cầm bút viết văn cho đến nay.
"Lan rừng" là tiếng yêu thương tha thiết về Tổ quốc với âm hưởng mạnh mẽ và linh thiêng. Đó cũng là sự trải lòng của người thơ với những dòng cảm thức chan chứa khi nghĩ, khi viết về người mẹ, đồng đội, người em, người chị trong trong chiến tranh. Ta cùng nghe dòng tâm tưởng ấy của Phạm Minh Hà: “Có những lúc ngả mình trên cỏ/ Tổ quốc tôi mặt đất ấm nồng/ Đôi khi được vẫy vùng trong nước/ Tổ quốc tôi là một dòng sông”. Đó là những dòng chan chứa yêu thương và bao bộn bề khi: “Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất/ Tổ quốc tôi là những bài ca...” (Tổ quốc).
Trong dòng thơ về Tổ quốc ấy, ông khắc họa những tháng năm chiến trường gian khó và hi sinh. Trong ông vẫn như đâu đó những ký ức tươi nguyên về mảnh đất mình đã sống và chiến đấu, về đồng đội người còn, người mất cứ hiện hữu trong cả giấc mơ, và ông lại thảng thốt trong những trang thơ về mảnh đất chiến trường ông đã gắn bó cả thời thanh xuân ấy. “... Đồng đội ơi/ Tôi biết tìm gì/ Rừng xanh hát mát.../ Trở về làng/ Mang theo thương tật/ Đồng đội ơi/ Tôi biết nói gì...” (Ngôi sao).
Một khoảnh khắc đầy thương nhớ khác, đó là: “Anh đi mãi đến ngày toàn thắng/ Về giữa Sài Gòn cờ hoa chiến thắng/ Gặp má miền Nam mau nước mắt/ Ôm anh má khóc gọi thằng Ba...” (Nước mắt). Một khoảng lặng chứa chan của niềm vui chiến thắng giữa mất và còn, giữa nụ cười và nước mắt. Người lính đã chỉ có thể thốt lên ngần ấy câu chữ, nhưng để lại cho chúng ta được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp của thời khắc lịch sử ấy. Không thể có cuộc gặp gỡ lần hai với niềm chan chứa hạnh phúc như thế. Niềm vui và nỗi buồn luôn song hành. Và cũng như viết về tình yêu đôi lứa, sự xa xót mất nhau trong chiến tranh đã khiến người mang vết lòng không thể nguôi quên mỗi khi nhắc nhớ về một thoáng cái ngày xưa chưa xa lắm: “...Tôi đã đi hết chặng đường vòng/ Quanh thị trấn nhớ lời em ngày ấy.../ Muốn hỏi cây rừng miền Đông xào xạc/ Em gái giao liên ngày ấy nay đâu...”.
Rồi cuộc gặp gỡ với người chị ở binh trạm tiền phương như định mệnh đã để lại cho nhà thơ một khoảng trống vô cùng: “Tôi gặp chị ở Trường Sơn/ Hành quân nán lại được hơn nửa giờ/ Chị em xa cách mong chờ... / Tôi đi khói lửa mịt mù/ Chị ở binh trạm bom thù vẫn rơi/ Mấy chục năm rồi chị ơi/ Tôi về với mẹ, chị tôi không về” (Chị tôi). Thật sự nghẹn lòng khi đọc những câu thơ này, đó là một khoảng lặng đớn đau mà chiến tranh đã đổ lên đầu mỗi ai khi ở thời cuộc ấy.
Và bây giờ, trước cuộc đời đầy biến động, họ trở về với những hình ảnh khác, lại đau đáu khôn nguôi: “...Đồng đội tôi tất cả đều đứng vững/ Dù bốc vác, lơ xe, hay vá xe đạp vỉa hè/ Có người không nhà, phiêu bạt xa quê/ Mặc áo rách vẫn nhận ra người lính...” (Đồng đội tôi). Hoặc với kỷ niệm riêng của người lính đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường trong bài Người đồng đội, cây đàn và khẩu súng: “Trong trận đánh khi anh ngã xuống/ Không quên cây đàn còn để phía sau/ Anh gọi người đồng đội đến trao/ Cây đàn và khẩu súng.../ Tiếng đàn vang lên lời ca chiến đấu/ Lúc bổng lúc trầm lúc dìu dặt âm thanh.../ Người chiến sĩ anh trao cây đàn/ Nay thành ca sĩ...”. Câu chuyện người đồng đội và cây đàn đã nhắc nhớ đến đồng đội để cho mai sau không ai được lãng quên những người lính đã ngã xuống vì nền hòa bình độc lập.
Phạm Minh Hà gần như không biết làm màu thêm cho thơ mình. Ông cứ miên man kể chuyện, những câu chuyện bất tận về người lính, về chiến tranh một thời. Những câu chuyện của ông về đồng đội, những người chị, người em ở đâu đó, nhưng là nỗi lòng của người thơ với một thời ông đã đi qua cuộc chiến tranh. Đó cũng chính là nỗi lòng của người lính làm thơ, dung dị chân thật nhưng là niềm tự hào vô cùng vì mình từng được là người lính. Phạm Minh Hà đã giúp chúng ta trân quý hơn những người lính của một thời trận mạc đầy hi sinh gian khổ để làm nên bản hùng ca chiến thắng.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
[links()]
Ý kiến (0)