Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:59 (GMT +7)
Nhập siêu lớn từ Hàn Quốc có đáng lo ngại?
Thứ 2, 26/06/2023 | 09:00:00 [GMT +7] A A
Việc duy trì mức nhập siêu lớn từ Hàn Quốc có ý nghĩa tích cực khi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của hai bên có tính bổ sung và việc chủ yếu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Quốc Hưng, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết Hàn Quốc là đối tác thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Xuất khẩu vì thế được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhiều hơn nữa thông qua các chương trình hợp tác giữa hai nước nhân chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc.
Duy trì nhập siêu lớn
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc 24,3 tỉ USD và duy trì nhập siêu với 37,8 tỉ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của hai bên đã có tính bổ sung rõ nét, ít có sự cạnh tranh trực tiếp.
Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sản xuất (điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng). Ngược lại với Việt Nam là các mặt hàng có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.
Hàn Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ hai sau Trung Quốc đối với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu. Đây là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, Hàn Quốc là nước mà Việt Nam có mức nhập siêu lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng nhập siêu với Hàn Quốc mang tính tích cực do nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Mặc dù vậy, ông Hưng cho rằng về lâu dài, ta vẫn cần quan tâm đến việc phát triển thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn thông qua áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo thuận lợi hóa và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc một cách đa dạng và hiệu quả.
Tuy vậy, Bộ Công Thương nhìn nhận kinh tế thế giới phục hồi chậm hậu COVID-19, lạm phát tăng cao, nhu cầu hàng hóa giảm cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các quốc gia... đang tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và với Hàn Quốc nói riêng.
Đặc biệt, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam cũng chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc không thể tăng trưởng mạnh trong năm 2023.
Thêm nữa, Hàn Quốc hiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số hàng xuất khẩu của Việt Nam. Có thể kể đến như: bật lửa gas, hợp kim Ferro-Silico-Manganese, gỗ dán và ống đồng.
Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại
Hàn Quốc cũng đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam gồm sản phẩm gỗ dán, sản phẩm hợp kim Ferro-Silico-Manganese và sản phẩm ống đồng.
Ông Hưng cũng nhận định hiện vẫn còn thiếu tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp Việt Nam và khu vực doanh nghiệp Hàn Quốc. Dẫn tới việc các doanh nghiệp trong nước khó có thể tận dụng cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, tiếp cận với các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại, hiệu quả, tham gia chuỗi cung ứng...
Do đó, việc tiếp tục tạo thuận lợi hóa thương mại là mục tiêu để nhằm mở rộng quy mô thương mại.
Trong đó ưu tiên tập trung các mặt hàng như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi cung ứng thông qua khuyến khích đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng...
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()