Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết mới đây, 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Theo đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Nó được coi là một chất độc có hại cho sức khoẻ.
Còn lô hàng ớt có tổng trọng lượng hơn 4 tấn, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất, phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.
Trước vi phạm trên, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy.
Nói với VnExpress, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay đã báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để khuyến cáo tình trạng hàng hóa vi phạm quy định tại nước nhập khẩu.
Theo ông Minh, việc vi phạm tương tự trên không chỉ Việt Nam mắc phải mà nhiều lô hàng trái cây từ các nước tiên tiến khác cũng thường xuyên vi phạm. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường khó tính, muốn xuất khẩu ổn định, các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng.
Ông khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi kinh doanh với Nhật Bản cần biết và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nước bạn để tránh bị ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp làm ăn uy tín và thương hiệu Việt.
Theo Tổng cục Hải quan,10 tháng vừa qua, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, chiếm 7,4% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, rau quả có giá trị xuất sang Nhật đạt hơn 150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng sầu riêng, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất gần 1,3 triệu USD sầu riêng tươi sang Nhật, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn sầu riêng đông lạnh sang Nhật Bản đạt gần 1,2 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2022. Doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng tại Nhật đa phần là có quy mô nhỏ. Hàng được bán chủ yếu ở các siêu thị có số đông người Việt mua sắm.
Năm nay, sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD.
Ý kiến ()