Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:42 (GMT +7)
Cần sớm khắc phục bất cập khi bỏ sổ hộ khẩu giấy
Thứ 6, 10/02/2023 | 16:31:51 [GMT +7] A A
Theo quy định của Luật Cư trú 2020, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Để thay thế, Bộ Công an hướng dẫn cơ quan chức năng 7 phương thức khai thác thông tin cư trú, trong đó có một số phương thức chính là dùng CCCD gắn chip, tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú… Sau hơn 1 tháng quy định mới này được áp dụng trong cuộc sống, đã có một số vấn đề bất cập nảy sinh cần các cơ quan chức năng nhanh chóng phối hợp khắc phục.
Chị Lương Thị Kim Quy, thường trú tại khu 4, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, đến làm thủ tục tái tục BHYT tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long vào ngày 9/2. Khi nộp hồ sơ, chị Quy được cán bộ Trung tâm hướng dẫn phải quay về cơ quan Công an nơi cư trú để xin giấy xác nhận cư trú thay thế cho sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng vì thông tin về hộ khẩu, nhân khẩu của chị chưa được cập nhật đồng bộ trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh. Đến ngày 10/2, sau khi làm thủ tục khai báo tại Công an phường Hồng Gai và được cấp giấy xác nhận cư trú, chị Quy quay lại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long nộp lại hồ sơ thủ tục và được giải quyết nhanh gọn. Tuy nhiên, chị Quy vẫn không hài lòng đối với quy định mới trong việc xác định thông tin cư trú theo Luật Cư trú. Bởi vì chỉ cần chậm thêm một ngày nếu chưa được cấp giấy xác nhận cư trú, chị sẽ không thể tái tục BHYT mà phải làm lại tất cả quy trình từ đầu.
Chị Lương Thị Kim Quy chia sẻ: Ban đầu, khi biết được thông tin sẽ bỏ hộ khẩu giấy, chuyển toàn bộ chức năng, thông tin sang CCCD gắn chíp, tôi nghĩ sẽ hết sức tiện lợi. Nhưng nếu dữ liệu, thông tin chưa được đồng bộ để khai thác, sử dụng như hiện nay thì sẽ gây nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân. Bản thân tôi nếu không được công an phường hỗ trợ giải quyết cấp giấy nhanh thì cũng đã bị nhỡ công việc…
Chia sẻ về vấn đề bất cập này, chị Nguyễn Thu Hà, cán bộ phụ trách lĩnh vực bảo hiểm, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, cho biết: Đối với những thủ tục liên quan đến hộ khẩu, nhân khẩu gia đình, cán bộ tiếp nhận hồ sơ chưa thể khai thác được thông tin hoặc bị lỗi trong quá trình khai thác thông tin. Vì vậy, để có thể nộp được hồ sơ TTHC, công dân phải sử dụng một trong những giải pháp hiện tại là xin giấy xác nhận cư trú tại cơ quan công an nơi thường trú. Điều này khiến công dân mất thêm thời gian chờ đợi, đi lại, gây ra không ít bức xúc…
Không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm, các TTHC trong các lĩnh vực khác cần tới thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy như tư pháp - hộ tịch (khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân…), giáo dục, y tế, đất đai, nhà ở, điện lực, việc làm, thuế… đều gặp phải những bất cập trong việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ ngày 1/1/2023, khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng, Bộ Công an đã có hướng dẫn tới các cơ quan chức năng 7 phương thức khai thác thông tin cư trú của công dân. Trong đó có một số phương thức cơ bản, gồm: Sử dụng căn cước công dân gắn chip (có thiết bị chuyên dụng để đọc chip); ứng dụng VNeID; thiết bị đọc mã QR; hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú… trong mọi giao dịch hành chính công. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp này hiện nay đều chưa thể sử dụng trơn tru, đồng bộ. Vì vậy, đối với những TTHC cần tới thông tin chính xác về nhân thân, cư trú, người dân vẫn phải có giấy xác nhận cư trú.
Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ lĩnh vực Tư pháp của Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, cho biết: Theo hướng dẫn của lực lượng công an, sẽ có nhiều phương thức được sử dụng để thay thế cho sổ hộ khẩu, nhưng tất cả các phương thức này đều đang có những vấn đề bất cập. Đầu tiên là các trung tâm hành chính công, UBND các xã, phường chưa được cấp hệ thống thiết bị chuyên dụng để đọc mã chip trên CCCD của công dân. Việc quét mã QR trên CCCD bằng điện thoại cá nhân để tra cứu thông tin công dân là không chuyên nghiệp, khiến công dân lo lắng việc lộ lọt thông tin. Mã QR của CCCD cũng chỉ hiển thị được các thông tin cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…, không đủ trường thông tin cần thiết để triển khai thực hiện một số TTHC…
Cùng với đó, qua ghi nhận các ý kiến phản ánh, còn khá nhiều vấn đề dẫn đến các bất cập, vướng mắc trong giải quyết TTHC khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng. Trong đó có thể kể đến một số vấn đề chính, như: Mặt bằng trình độ sử dụng CNTT của người dân không đồng đều nhau, nhiều người còn bỡ ngỡ với quy định mới, nhiều người đã được hướng dẫn nhưng chưa thể tự thực hiện; đường truyền mạng trục trặc, khiến người dân khó kết nối để chuyển hồ sơ hoặc bị lỗi trong quá trình chuyển hồ sơ; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thời điểm bị lỗi, không chia sẻ, khai thác và sử dụng được thông tin…
Trước những vấn đề thực tế nảy sinh gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện TTHC như đã phản ánh ở trên, rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và sự theo dõi, chỉ đạo đảm bảo kịp thời, sát thực tế của các bộ, ngành Trung ương để khắc phục nhanh các bất cập, tạo sự thuận tiện, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()