Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:04 (GMT +7)
Nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Thứ 4, 04/09/2024 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và có thể tăng lên 6,5% trong giai đoạn 2025-2026. Theo chuyên gia, dự báo này là phù hợp, thậm chí còn có thể lạc quan hơn vì Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.
Kinh tế Việt Nam dần lấy lại phong độ
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam vừa được công bố, Ngân hàng Thế giới đã dự báo GDP Việt Nam tăng 6,1%, cao hơn nhiều mức 5,5% tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.
Theo WB, GDP Việt Nam tiếp tục tăng, khả năng đạt 6,5% cho hai năm tới. Ngoài WB, nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác cũng dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay đạt 6%, gồm IMF, ADB, UOB và Standard Chartered. HSBC thậm chí dự báo mức tăng là 6,5%.
Đánh giá về dự báo của WB và các tổ chức quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, kinh tế Việt Nam trong thời gian tới hoàn toàn có thể tăng trưởng lên 6,5%, thậm chí tiệm cận mức 7% vì đang có nhiều động lực và cơ hội tốt để phát triển. Sau năm trì trệ vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã dần lấy lại được phong độ.
Việt Nam đang có nhiều động lực tích cực chủ yếu giúp tăng trưởng kinh tế như: Tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất nhập khẩu và vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này hiện nay Việt Nam đang có hàng loạt động lực thúc đẩy tăng trưởng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, môi trường kinh doanh và cơ chế đặc thù.
Việt Nam đã có rất nhiều thể chế để đón đầu, chuyển dịch theo hướng số hóa, tuân theo những tiêu chuẩn phát triển bền vững và giải quyết những vấn đề xã hội. Đây chính là động lực mới để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược, Nhà nước điều chỉnh các chính sách để nắm bắt cơ hội lớn từ quốc tế.
Tăng trưởng của Việt Nam sẽ ngày càng cải thiện, nhờ sự phục hồi xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Mặc dù có triển vọng nhưng vẫn có những rủi ro từ cả bên ngoài và trong nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, ngoài hàng loạt cơ hội và động lực tích cực, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức như cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực về các mặt hàng xuất khẩu. Khả năng nắm bắt và phát triển các ngành công nghệ mới, công nghệ cao vẫn còn hạn chế. “Để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam có thể thực hiện một số giải pháp và động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam, bao gồm: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cải thiện môi trường kinh doanh. Tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương để khai thác tốt hơn các thế mạnh địa phương. Ngân hàng cần tham gia tích cực hơn vào quá trình thúc đẩy và hỗ trợ phát triển kinh tế, thay vì chỉ là nơi thu lãi. Cải tổ hệ thống ngân hàng để phục vụ tốt hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết.
Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, dù có rất nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với giới hạn về khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất, do đã tồn tại chênh lệch lãi suất lớn giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế bên cạnh áp lực phải chịu về tỉ giá.
Đánh giá về nhận định này, TS Châu Đình Linh - chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, hiện nay nước ta đang đặt mục tiêu duy trì mức lãi suất ổn định như từ đầu năm 2024 đến nay để hỗ trợ và tăng cường sự phục hồi của các chủ thể trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực duy trì và giảm tiếp lãi suất không thông qua lãi suất điều hành mà thông qua các biện pháp như: Khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí; sử dụng thị trường mở; điều phối trên thị trường liên ngân hàng và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ…
Ngoài ra, áp lực tỉ giá cao do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, dẫn đến dòng vốn ngoại tệ chảy ra khỏi Việt Nam. Mặc dù áp lực “bủa vây” nhưng gần đây, tình hình tỉ giá đã có xu hướng ổn định hơn nhờ sự điều phối chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất. Từ đó rủi ro tỉ giá sẽ giảm, dư địa về chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tăng lên.
“Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành nhịp nhàng hướng đến sự ổn định giá trị đồng tiền, an toàn - ổn định hệ thống ngân hàng bằng nhiều công cụ khác nhau như hạn mức tín dụng linh hoạt, điều hành nhịp nhàng thị trường OMO, tỉ giá trung tâm, lãi suất điều hành,… nhưng vẫn tồn tại những rủi ro cần phải kiểm soát tốt như: Rủi ro tín dụng, rủi ro tỉ giá, rủi ro thanh khoản,… Trong thời gian tới để phòng ngừa rủi ro về tín dụng, Việt Nam cần đảm bảo tỉ lệ nợ xấu ở mức kiểm soát, dưới 3% đối với toàn hệ thống" - TS Châu Đình Linh đề xuất.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()