Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:48 (GMT +7)
Nhiều lợi ích từ tưới tiết kiệm
Thứ 3, 20/07/2021 | 16:32:34 [GMT +7] A A
Nhằm góp phần thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2017 đến nay, Chi cục Thủy lợi Bình Phước đã hỗ trợ, đầu tư lắp đặt 122 mô hình tưới nước tiết kiệm trong nông nghiệp. Mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các hộ nông dân giảm chi phí đầu tư, ngày công lao động, tiết kiệm nguồn nước và thời gian tưới. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt.
Hiệu quả kép
Hộ ông Nguyễn Khắc Phụng ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú có 2 ha đất sản xuất, trong đó 1 ha trồng sầu riêng xen bưởi da xanh, mít Thái. Do ở xa nguồn nước lại ít nhân công lao động nên việc tưới cho cây trồng rất vất vả, chưa kể vào mùa khô thường xuyên thiếu nước. Năm 2020, gia đình ông được Chi cục Thủy lợi hỗ trợ mô hình tưới nước tiết kiệm với diện tích 1 ha. Sau khi mô hình đưa vào sử dụng đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
“Trước đây, để tưới 1 ha cây ăn trái mất 2 ngày thì giờ chỉ mất 1 buổi. Ngoài tiết kiệm nguồn nước, tưới tiết kiệm còn giúp đất không bị xói mòn, rễ không bị tổn thương. Qua đó, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, đều hơn. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng đầu tư cho 1 ha cây trồng còn lại” - ông Phụng cho biết thêm.
Được Chi cục Thủy lợi hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm nước trên 1 ha cây ăn trái từ năm 2020, đến nay hộ ông Phạm Huỳnh Thảo, ấp Thuận Hòa 1, xã Thuận Lợi đã nhân rộng cho toàn vườn cây gần 5 ha. Mô hình tiên tiến này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, đó là giảm nhân công lao động, rút ngắn thời gian tưới và giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, đều hơn so với tưới nước thủ công.
Giúp vườn tiêu hồi sinh
Thời điểm năm 2017, 2018 khi tiêu vừa mất mùa vừa rớt giá, hạn hán kéo dài trong khi nông dân không đủ chi phí tái đầu tư thì việc hỗ trợ lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm là giải pháp hiệu quả nhất để cứu vườn tiêu.
Gia đình bà Lê Thị Hạnh ở thôn 3, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập có 1,1 ha tiêu đang cho thu hoạch. Vụ mùa 2017, giá tiêu rớt mạnh nên gia đình không còn mặn mà đầu tư tái sản xuất. Bà tưởng chừng sẽ “giải phóng” vườn tiêu thì năm 2018 được Chi cục Thủy lợi hỗ trợ, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước với diện tích 0,5 ha. Bà Hạnh cho biết, việc hỗ trợ kịp thời, đúng thời điểm không chỉ giúp gia đình giữ lại vườn tiêu mà còn mở rộng, nâng cao giá trị sản xuất. Tới đây gia đình sẽ đầu tư lắp đặt cho toàn bộ diện tích vườn tiêu còn lại.
Sau gần 30 năm trồng tiêu và từng thử nghiệm rất nhiều mô hình tưới nước, nhưng đây là lần đầu tiên ông Lương Hữu Hải ở thôn 4, xã Đa Kia hài lòng với mô hình tưới tiết kiệm nước bởi thực sự đem lại hiệu quả cao. Do từng thử nghiệm nhiều mô hình nên khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, ông Hải đã tìm tòi, nghiên cứu chế tạo thêm cho mô hình này phù hợp, tiện lợi và hiệu quả hơn. Đó là hệ thống béc phun mưa trên đọt.
Ông Hải cho biết, nếu mô hình tưới nhỏ giọt chỉ làm ướt phần gốc thì hệ thống phun mưa trên đọt làm ướt và mát đều vườn cây. Ông còn nghiên cứu lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa, chỉ cần bấm nút là máy tự động tưới. Với quy mô 0,8 ha tiêu, ông Hải lắp đặt 14 béc phun mưa, trong đó 1 béc phun mưa bán kính 25m. Cách làm mới này vừa giúp giảm nhân công lao động vừa nâng cao giá trị sản phẩm thời kỳ giá tiêu không ổn định như hiện nay.
Phó chủ tịch UBND xã Đa Kia Ngô Văn Uẩn cho hay: Năm 2018, xã được đầu tư về đích NTM và được Chi cục Thủy lợi hỗ trợ, lắp đặt 4 mô hình tưới tiết kiệm nước cho 4 hộ trồng tiêu với diện tích 0,5 ha/hộ. Hiệu quả thiết thực từ mô hình này, trong 3 năm (2018, 2019, 2020) xã đã đầu tư nhân rộng thêm 16 mô hình cho 16 hộ với tổng diện tích 8 ha tiêu từ nguồn vốn sự nghiệp NTM. Qua sử dụng, nông dân đánh giá rất tiện lợi, tiết kiệm nguồn nước, công lao động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nông dân cũng gắn bó với diện tích vườn tiêu đã trồng.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Giai đoạn 2017-2020, Chi cục Thủy lợi Bình Phước hỗ trợ, lắp đặt 122 mô hình tưới tiết kiệm nước cho các xã về đích NTM. Yêu cầu đối với những nông hộ được hỗ trợ mô hình là phải có diện tích từ 1 ha trở lên đối với cây ăn trái, còn với vườn tiêu diện tích 0,5 ha; trong đó, vườn cây phải phát triển ổn định, có đủ lượng nước tưới quanh năm, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Mỗi mô hình Nhà nước hỗ trợ 60% chi phí, số còn lại các hộ thụ hưởng phải đầu tư.
Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Phước Nguyễn Đăng Dương nhìn nhận, việc hỗ trợ công nghệ tưới tiết kiệm nước tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế; đồng thời tạo cơ sở cho nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cũng góp phần ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Tưới tiết kiệm còn tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng đất dốc, bạc màu. Công nghệ tưới tiết kiệm nước cũng đã và đang đem đến sự đổi mới trong tư duy, cách làm thủy lợi ngay trên những vùng có tiềm năng về diện tích nhưng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 6.000 ha áp dụng mô hình này. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng hiệu quả như Hợp tác xã Bưởi Hồng Nịp (huyện Phú Riềng) với khoảng 60 ha; Hợp tác xã thương mại - dịch vụ Phước Thiện (huyện Bù Đốp) khoảng 60 ha… Việc áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thương trường.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng nên vào mùa khô mực nước các sông, suối dần cạn kiệt, nguồn nước ngầm suy giảm. Vì vậy, để ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất.
Theo Vũ Thuyên/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()