Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:06 (GMT +7)
Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất sau Tết
Thứ 7, 24/02/2024 | 17:25:12 [GMT +7] A A
Sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố điều chỉnh giảm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trong đó có cả các ngân hàng lớn. Mức điều chỉnh giảm lãi suất trung bình từ 0,1 - 0,5 điểm %, vì vậy còn rất ít ngân hàng có lãi suất cao nhất 6% cho kỳ hạn 12 tháng.
Đồng loạt giảm lãi suất
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trung bình 0,1 - 0,3 điểm phần trăm. Với mức giảm này, MB chính thức không còn duy trì mức lãi suất 6%.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân gửi tiền tại ngân hàng, mức lãi suất thấp nhất tại kỳ hạn 1 tháng là 2,3%/năm, 2 tháng còn 2,5%/năm, 3 tháng là 2,6%/năm, 4 tháng là 2,9%/ năm, 5 tháng là 3%/năm. Ở kỳ hạn tiền gửi 6 - 8 tháng, mức lãi suất áp dụng là 3,6 - 3,8%/năm; kỳ hạn 11 - 18 tháng, lãi suất là 3,9 - 4,8%/năm. Mức lãi suất cao nhất 5,7%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 - 60 tháng.
Tuy nhiên, đối với khách hàng thuộc chi nhánh miền Trung và miền Nam, tại các kỳ hạn, mức lãi suất cộng thêm 0,1 điểm phần trăm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động, trung bình từ 0,2 - 0,5 điểm phần trăm tại các kỳ hạn.
Theo biểu lãi suất huy động, tại kỳ hạn 1 - 2 tháng mức lãi suất là 2,9%/năm; 3 - 5 tháng 3,1%/năm; từ 6 - 9 tháng còn 3,5 - 3,7%/năm; từ 10 - 12 tháng là 3,75 - 4,05%/năm; 15 - 36 tháng là 5,4%/năm.
Trước đó, ngày 22/2, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo đó, tại kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm còn 3,5%/năm; từ 3 - 5 tháng hiện là 3,7%/năm; từ 6 - 12 tháng lãi suất còn 4,8% - 4,95%/năm. Lãi suất ngân hàng cao nhất tại CBBank tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên khi niêm yết ở mức 5,2%/năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng vừa áp dụng lãi suất huy động mới, giảm kỳ hạn 2 - 5 tháng còn 2,75 - 3,35%/năm; kỳ hạn 6 - 8 tháng hiện là 4,1%/năm; 9 - 12 tháng là 4,2 - 4,5%/năm. Lãi suất cao nhất là 4,75% ở kỳ hạn 15 tháng.
Bên cạnh các ngân hàng nhỏ, ngân hàng lớn như Techcombank cũng vừa thông báo điều chỉnh lãi suất huy động vào ngày 21/2. Theo đó, ngân hàng này giảm trung bình 0,2-0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1 - 5 tháng.
Cụ thể, lãi suất huy động áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng là 2,45%/năm và 3 - 5 tháng là 2,85%/năm. Tại kỳ hạn 6 - 36 tháng, lãi suất vẫn giữ nguyên. Theo đó, lãi suất huy động thường dành cho tài khoản tiết kiệm tại kỳ hạn 3 - 5 tháng là 2,85%/năm, 6 - 8 tháng là 3,7%/năm và 12 - 36 tháng là 4,5%/năm.
Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm Phát Lộc trực tuyến, tại các kỳ hạn, mức lãi suất được cộng thêm trung 0,25 - 0,4 điểm phần trăm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất là 4,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 - 36 tháng.
Trong tháng 2, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm và áp dụng mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân là 5,6%/năm. LPBank cũng điều chỉnh lãi suất giảm còn 1,8 - 5%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 18 tháng. Mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng thông thường gửi tiền tại quầy là 5,3%/năm, áp dụng đối với các kỳ hạn 24 - 60 tháng. Đặc biệt, đối với các khoản tiền gửi mới hoặc tái tục kỳ hạn 13 tháng với số tiền tối thiểu 300 tỷ đồng, khách hàng sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi là 6,7%/năm.
Ngoài ra, còn nhiều ngân hàng khác tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng 2/2024 như Vietcombank, BIDV, Sacombank…
Tạo dư địa lãi suất cho vay
Theo dự báo các chuyên gia kinh tế, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động nhằm tạo dư địa cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm. Do đó, dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1,0%.
Các chuyên gia phân tích từ CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết, luận điểm trên dựa trên các yếu tố cụ thể như cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến, do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để trong năm sau. Theo đó, năm 2024, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6%; tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức quanh 13,5% - 14,5%, thấp hơn chỉ tiêu 15% mà NHNN giao trong năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia của KBSV cũng thể hiện sự quan ngại với yếu tố bất ngờ từ rủi ro địa chính trị vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, không chỉ ở chảo lửa Trung Đông mà còn ở khả năng bùng phát xung đột ở các khu vực khác. Tình hình khó lường một mặt có thể đẩy tâm lý toàn cầu trở nên bi quan hơn, mặt khác có thể tạo ra một cú sốc cung gây áp lực lạm phát chi phí đẩy, từ đó tác động tới mặt bằng lãi suất. Nhưng bù lại, việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đảo chiều hạ lãi suất trong năm 2024 sẽ giúp áp lực tỷ giá không còn là yếu tố quá rủi ro trong năm 2024.
Với các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất cho vay, các chuyên gia KBSV cho rằng, chênh lệch kỳ hạn và độ trễ của tác động giảm lãi suất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Các khoản huy động với chi phí cao của ngân hàng hầu hết sẽ đáo hạn đầu năm 2024, giúp giảm chi phí vốn từ đó giảm lãi suất cho vay.
Nhưng nhìn lại tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2023 khiến nợ xấu của toàn hệ thống tăng quý thứ tư liên tiếp, các chuyên gia dự báo tình hình nợ xấu trong năm 2024 có thể sẽ tiếp tục áp lực do Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực và bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp.
Bên cạnh đó, kênh trái phiếu vẫn chưa phục hồi và vốn từ ngân hàng vẫn là dòng vốn dài hạn cho doanh nghiệp, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cao kỷ lục, lên tới gần 258 nghìn tỷ đồng. Từ phân tích trên, các chuyên gia của KBSV dự báo: “Lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()