Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:42 (GMT +7)
Nhiều người trẻ mắc bệnh lý cột sống, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh
Thứ 5, 24/08/2023 | 15:33:25 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, 30% bệnh nhân mắc bệnh lý về cột sống là người trẻ, đang trong độ tuổi lao động. Trong số các bệnh nhân đến khám thần kinh, có 50% liên quan tới các vấn đề về cột sống. Điều này khiến nhiều người đang có biểu hiện đau lưng rất lo lắng.
Bệnh lý cột sống thường gặp nhất ở người trong độ tuổi từ 30 đến 60
Trước đây, những bệnh lý cột sống mắc phải thường chỉ ghi nhận ở người từ 55 tuổi trở lên. Bây giờ, trường hợp trẻ nhất đi khám mới ngoài 20 tuổi, nhóm từ 30-60 tuổi chiếm đa số.
Các bệnh lý về cột sống hiện không chỉ thường gặp ở người cao tuổi mà ngay cả đối tượng trẻ tuổi, giới văn phòng cũng có tỷ lệ mắc bệnh về cột sống cổ, cột sống lưng ngày một tăng. Nguyên nhân và cơ chế dẫn đến các bệnh lý về cột sống khá phức tạp, diễn tiến âm thầm, kéo dài và liên quan nhiều bệnh lý nội ngoại khoa, vì vậy bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh lý cột sống bao gồm bệnh lý chấn thương cột sống, thoái hóa cột sống, các bệnh liên quan đến u tân sinh, các tác nhân gây viêm cột sống - tủy sống. Trong đó thường gặp nhất là nhóm bệnh lý liên quan đến thoái hóa cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt thoái hóa đốt sống chèn ép dây thần kinh…
Một số nghiên cứu cho thấy, trong số người bệnh đến khám với các vấn đề về cột sống thì tỉ lệ bệnh lý cột sống chiếm khoảng 30% và thường gặp nhất ở người trong độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi.
Bệnh lý cột sống còn có thể xuất hiện ở những người trẻ như:
- Do lối sống ít vận động.
- Do sai tư thế học tập, sinh hoạt làm ảnh hưởng đến cột sống.
- Do các chấn thương cột sống (do sai kỹ thuật, thiếu các bước khởi động dẫn đến chấn thương trong quá trình tập thể dục, chơi thể thao, tập gym…).
Cần phát hiện sớm bệnh lý cột sống
Thực tế, có khá nhiều trường hợp đau thắt lưng, đau vai gáy nhưng vì biểu hiện không liên tục, nên nhiều bệnh nhân lầm tưởng với đau lưng, nhức mỏi thông thường nên tự ý mua thuốc uống mà không đến khám chuyên khoa. Điều này có thể làm bệnh kéo dài hoặc nặng thêm dẫn đến việc điều trị bệnh sẽ khó khăn tốn nhiều chi phí, thời gian và khả năng phục hồi cũng kém đi.
Vì vậy, khi có một trong những triệu chứng như đau vùng vai gáy, vùng cổ, đau lan dọc cánh tay, hoặc đau vùng thắt lưng, đau lan dọc từ mông xuống chân, tê bì tay hoặc chân… hãy nghĩ ngay đến nguy cơ của bệnh lý về cột sống và nên đến bệnh viện tầm soát. Thông qua thăm khám lâm sàng và làm các chẩn đoán hình ảnh cần thiết, sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác, từ đó việc điều trị sẽ hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn, tránh biến chứng.
Đa phần người bệnh đến khám khi có triệu chứng khởi phát không quá nặng như đau lưng, tê tay chân… Ngược lại một số người bệnh đến khám với triệu chứng rất nặng nề của bệnh lý cột sống và thần kinh làm cho người bệnh không thể đi lại được như thoát vị đĩa đệm nặng chèn ép thần kinh, lâu ngày dẫn đến tổn thương tủy hoặc rễ thần kinh, yếu cả tay chân, liệt một tay hoặc chân hoặc cả hai…
Nguy hiểm hơn, một số bệnh lý chèn ép tủy hoặc thần kinh cấp tính chỉ có khoảng "thời gian vàng" điều trị trong vòng 24 - 48 giờ để giải quyết tổn thương thần kinh bị chèn ép. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh thường không có cơ hội hồi phục và dẫn đến tàn phế. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Cách phòng tránh, hạn chế các bệnh lý cột sống cần tránh những thói quen xấu sau:
- Tránh mang, xách nặng: Nếu thường xuyên mang vác vật nặng ở tư thế cúi khom, thì tải trọng tác động lên cột sống sẽ cao hơn so với khi bê vật nặng ở tư thế thẳng đứng. Giải pháp tốt nhất là ôm trước ngực, ép vật đang mang càng sát người càng tốt và luôn giữ tư thế lưng thẳng.
Hoặc xách nặng một bên tay khiến trọng tâm cột sống bị lệch. Sẽ hợp lý hơn nếu chia đều thành 2 túi để xách nặng đều hai tay.
- Tránh tư thế không phù hợp: Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị đau cột sống cấp tính.
- Tránh sử dụng nhiều Smartphone nếu thấy không cần thiết: Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người hiện nay. Tuy nhiên, đây chính là một trong những "thủ phạm" gây ra cong vẹo cột sống cổ và lưng. Vì với tư thế cúi đầu khi nhắn tin sẽ gây áp lực cho tủy sống và cột sống cổ, khiến tình trạng cong vẹo cột sống tiến triển nhanh hơn. Nếu sử dụng nên đặt điện thoại ngang tầm mắt khi sử dụng (không nên đặt trên đùi hay mặt bàn thấp). Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng smartphone liên tục trong thời gian dài cũng giảm đáng để nguy cơ cong vẹo cột sống và những bệnh khác về mắt và thần kinh.
- Cần có tư thế làm ngồi làm việc đúng: Cúi khom người, hoặc tựa toàn bộ người lên dựa ghế là nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa cột sống, cong vẹo cột sống ở nhân viên văn phòng. Nên điều chỉnh ghế thích hợp, tránh cúi người về phía trước hoặc ngã người ra sau quá nhiều. Tư thế đúng là lưng thẳng tạo thành góc vuông với cánh tay để trên bàn, chân chạm sàn cho cảm giác thoải mái nhất. Không nên ngồi làm việc quá lâu một tư thế. Nên vận động, nghỉ giải lao sau khoảng 60 phút làm việc. Nhờ đó cột sống được "thư giãn" và tránh tình trạng cong vẹo cột sống.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()