Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:16 (GMT +7)
Ngành Giáo dục Cẩm Phả: Nhiều sáng kiến thiết thực
Chủ nhật, 28/08/2022 | 13:57:49 [GMT +7] A A
Hàng năm, ngành Giáo dục TP Cẩm Phả có hàng trăm sáng kiến được thành phố công nhận, nhiều sáng kiến được Sở Giáo dục - Đào tạo công nhận, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy và học của địa phương và của tỉnh.
Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục TP Cẩm Phả có 473 sáng kiến được UBND TP Cẩm Phả công nhận, nhiều sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả vào các giờ học trực tiếp trên lớp của các trường. Có những sáng kiến rất thiết thực, đem lại niềm tự tin cho nhiều bà mẹ và trẻ em khuyết tật khi hòa nhập cộng đồng. Trong đó, phải kể đến sáng kiến của cô giáo Trần Hải Ngọc (Trường Mầm non Quang Hanh). Năm học 2020-2021, cô giáo Ngọc đã có sáng kiến “Một số biện pháp giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ từ 5-6 tuổi hòa nhập trong trường mầm non”. Năm học 2021-2022, cô giáo Ngọc lại có sáng kiến kinh nghiệm “Thấu hiểu và hỗ trợ giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ 5-6 tuổi hòa nhập trong trường mầm non” được TP Cẩm Phả công nhận.
Các sáng kiến đã đưa ra giải pháp quan tâm đến tâm lý trẻ rối loạn phổ tự kỷ, phối hợp cùng phụ huynh trong việc giúp trẻ hòa nhập, điều chỉnh môi trường học tập thân thiện, quan tâm giúp đỡ trẻ hòa đồng với cô giáo và bạn bè, để từ đó lập kế hoạch theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của trẻ khuyết tật. Kết quả sau khi áp dụng tại trường, trẻ có tinh thần cộng đồng tập thể, có sự học tập lẫn nhau, biết yêu thương đồng cảm và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh đặc biệt trong lớp, ngoài xã hội. Từ đó tất cả các phụ huynh quan tâm tích cực hơn, có trách nhiệm phối hợp cùng với giáo viên và nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật.
Hiện cô giáo Ngọc đã có 14 năm công tác tại Trường Mầm non Quang Hanh và đã có hàng chục trẻ tự kỷ được cô chăm sóc, dạy dỗ. Thậm chí có học sinh mắc chứng tự kỷ đã quá tuổi, gia đình vẫn xin cho con mình ở lại trường để cô Ngọc tiếp tục can thiệp hướng dẫn. Cô Ngọc chia sẻ: Tôi thật hạnh phúc khi thấy sự tiến bộ của trẻ tự kỷ, càng ý nghĩa hơn khi trẻ cất tiếng gọi cô, gọi mẹ, gọi bạn. Tôi mong muốn trên bước đường công tác của mình, tôi sẽ giúp được nhiều trẻ tự kỷ hơn nữa, để mong sao các em hòa mình vào xã hội như bao đứa trẻ bình thường khác.
Khác với sáng kiến của cô giáo Trần Hải Ngọc ở bậc học mầm non, cô giáo Vũ Thị Lan Anh, dạy môn lịch sử ở Trường THCS Cửa Ông đã có sáng kiến “Vận dụng tổ chức trò chơi trong dạy học trực tuyến môn lịch sử nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh”. Sáng kiến này đã được áp dụng vào giảng dạy trong nhà trường năm học 2021-2022, trước thực tế chung, nhiều học sinh thường không thích học môn lịch sử.
Cô giáo Lan Anh đã vận dụng phương pháp dạy học qua các trò chơi phù hợp từ Internet, sau đó từ kỹ năng tin học của mình, cô biên soạn câu hỏi của các bài giảng lịch sử đưa vào trò chơi để tạo sức hấp dẫn, tuy nhiên phải dựa vào dạng bài, kiểu bài để thực hiện. Các trò chơi được xây dựng với thời gian phù hợp với bài giảng, đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau như: Trò chơi tiêu diệt virut Corona, "Nào mình cùng lên xe buýt", "Ô chữ bí mật", "Nhanh như chớp", "Vòng quay may mắn", "Đường lên đỉnh Olympia", "Rung chuông vàng"…
Theo cô giáo Lan Anh, từ khi áp dụng trò chơi trong giờ học lịch sử có tác dụng rất tốt cho học sinh, kích thích học sinh vận dụng kiến thức linh động, rèn luyện trí nhớ, phát triển khả năng phán đoán, suy luận. Ngoài ra, thông qua trò chơi còn giúp các em phát triển được tính nhanh nhẹn, tính đoàn kết thân ái, sự phối hợp nhịp nhàng, lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm lẫn nhau và đặc biệt các em thấy hứng thú khi học môn lịch sử.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều sáng kiến của ngành giáo dục Cẩm Phả đã được áp dụng hiệu quả vào việc giảng dạy ở các trường, giúp cho việc dạy và học ở địa phương ngày càng hoàn thiện hơn.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()