Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 22:15 (GMT +7)
Nhìn lại chặng đường 2 năm sống chung với ‘zero COVID-19’ của Trung Quốc
Thứ 4, 22/12/2021 | 09:40:31 [GMT +7] A A
Từ thương nhân đến các chuyên gia và học sinh, quy định phòng dịch cứng rắn vẫn được áp dụng trên khắp Trung Quốc suốt 2 năm qua. Dù ‘zero-COVID’ phần nào đã giúp nước này kiểm soát tốt dịch bệnh, song chiến lược đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân dường như sẽ không sớm được gỡ bỏ.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, vào một ngày đông lạnh giá, tuyết phủ dày đặc bên ngoài cửa sổ, chưa đến 6 giờ sáng, Yan Xia đã thức dậy và sẵn sàng phát trực tiếp từ ngôi nhà nhỏ của mình ở tỉnh cực bắc, khu vực lạnh nhất Trung Quốc. Yan sẽ quay cảnh tuyết rơi trắng xoá ở quê hương cô - huyện Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới với Nga. Cô cũng sẽ giới thiệu những món ăn địa phương mà du khách Nga yêu thích, những thị trấn biên giới sầm uất từng vô cùng nhộn nhịp, giờ đây đã trở nên vắng vẻ.
Yan Xia, 46 tuổi, từng là chủ cửa hàng kinh doanh hút khách, giờ đây chỉ hy vọng có người truy cập vào cửa hàng trực tuyến bán đặc sản địa phương của mình.
“Buổi sáng sớm, khi những người phát trực tiếp có ảnh hưởng vẫn chưa thức giấc, đó là khung thời gian tốt nhất để bán hàng của tôi. Tôi không có cơ hội bán hàng nếu họ bắt đầu phát trực tiếp vào giờ vàng. Hiện tại, đó là cách duy nhất để tôi kiếm tiền”, Yan nói.
Đã 2 năm đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của một thị trấn nhỏ bé với chưa đầy 100.000 dân. Những người sống tại Tuy Phân Hà, giống như Yan, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hạn chế phòng dịch, đang cố gắng đưa cuộc sống trở lại đúng hướng nhất có thể, dù biết rằng sự gián đoạn này còn lâu mới chấm dứt.
Khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên bùng phát, Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế cứng rắn trong nước, như phong toả, cách ly nghiêm ngặt. Hai năm đã trôi qua, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và những đợt bùng phát nhỏ lẻ đã phá tan giấc mơ nới lỏng của ngừoi dân dù tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao. Tính đến ngày 10/12, trên 82% dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ, song nước này chưa có dấu hiệu gỡ bỏ rào chắn “zero COVID-19”. Sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao càng xoá đi hy vọng đó.
“Đã hai năm trôi qua. Hàng hoá tồn vẫn chất đống trong kho. Tôi không thể chỉ ngồi và đợi biên giới mở cửa. Chúng tôi vẫn phải ăn để sống”, Yan nói và cho biết bán hàng trực tiếp là giải pháp duy nhất để kiếm sống. Vào tháng 3 năm nay, Yan bắt đầu phát trực tuyến bán hàng, chủ yếu cho khách hàng trong nước. Hiện trang kinh doanh trực tuyến của cô có khoảng 200.000 người đăng ký.
Giới chức chính phủ và các chuyên gia y tế cộng đồng đã nhiều lần khẳng định Trung Quốc sẽ không từ bỏ chiến lược “không khoan nhượng” với COVID-19, và việc mở cửa biên giới không không chỉ phụ thuộc vào khả năng miễn dịch có được từ tiêm chủng mà còn cả tình hình đại dịch toàn cầu nói chung. Giới chuyên gia phân tích Trung Quốc chưa có ý định loại bỏ “zero COVID-19” trong tầm nhìn và người dân trên khắp đất nước sẽ phải đối phó với sự gián đoạn trong một thời gian rất dài sắp tới.
Tại trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến, cách Tuy Phân Hà khoảng 3.600 km, con gái 10 tuổi của anh King Li, vẫn chưa thể quay lại trường học. Anh chia sẻ: “Con gái tôi rất dễ bị phân tâm trong lớp học trực tuyến. Cô bé không phải lúc nào cũng tập trung và có thể vừa học vừa chơi điện tử. Đôi khi, cô bé không hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn. Bé cũng không thể tham gia các hoạt động buổi ngoại khoá như khiêu vũ hay âm nhạc”, Li nói.
Trung Quốc đã chứng kiến hàng chục đợt bùng phát trên khắp đất nước sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên vào đầu năm ngoái. Mặc dù cuộc sống ở những nơi không gần biên giới hoặc cảng hàng hoá đã trở lại mức bình thường nhất định, nhưng những quy tắc trước đại dịch đã biến mất.
Các hạn chế đi lại trong nước vẫn được áp dụng để đối phó với các đợt bùng phát lẻ tẻ trong một thời gian nhất định. Điều này đã thay đổi cách mọi người làm việc. Zhao Yandong, Giám đốc điều hành Công ty xúc tiến kỹ thuật số ở Bắc Kinh, đã hạn chế đáng kể việc đi lại. Điều này không phải vì anh sợ mắc COVID-19, mà vì anh lo lắng sẽ gặp nhiều rắc rối với các quy định phòng dịch. Nếu có nguy cơ tiềm ẩn trở thành người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc gần thứ cấp với người nhiễm bệnh, thậm chí đang ở trong một thành phố đang bùng phát dịch bệnh, mọi người sẽ phải xếp hàng để xét nghiệm, cách ly bắt buộc hoặc bị mắc kẹt bởi các hạn chế đi lại.
“Tôi trở về từ Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, trước khi một ổ dịch được phát hiện vào tháng 1. Vài ngày sau, tôi nhận được một cuộc gọi yêu cầu đi xét nghiệm. Việc xét nghiệm không có vấn đề gì to tác nhưng chính quyền Bắc Kinh đã thông báo rằng cư dân từ các thành phố có dịch sẽ không được quay trở lại thủ đô trong một thời gian. Quá rủi ro khi đi lại hiện nay khi những đợt bùng dịch xảy đến bất ngờ, có thể ở khắp nơi trên đất nước”, Zhao nói.
Đối với những cư dân nước ngoài, Trung Quốc có thể là một nơi sinh sống an toàn hơn trong đại dịch. Tuy nhiên, sự bất tiện của các hạn chế đi lại khiến một số người đang cân nhắc việc rời đi.
Dave, quản lý của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Bắc Kinh, cho biết: “Thật tuyệt khi tôi không phải lo lắng về virus và tôi rất vui vì tôi đã ở Trung Quốc trước khi có vaccine. Tuy nhiên, tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách vì bây giờ chúng ta đã có vaccine giúp bệnh COVID-19 ít nguy hiểm hơn”, anh nói.
Dave cho biết anh có thể về nước nhưng vì số lượng chuyến bay hạn chế nên chi phí rất đắt đỏ, việc cách ly cũng rất tốn kém. Anh chia sẻ: “Virus có thể tồn tại cùng chúng ta mãi mãi. Trung Quốc có thể thấy không có vấn đề gì với việc đóng cửa biên giới, nhưng đối với tôi, việc không thể rời khỏi đất nước này và là một vấn đề lớn”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()