Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 10:08 (GMT +7)
Nhìn lại cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022
Thứ 3, 20/12/2022 | 07:37:41 [GMT +7] A A
Đối với ngành năng lượng, năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm mà xung đột ở Ukraine đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu chưa từng có.
Theo hãng tin Reutes, sự kiện Nga đưa quân vào Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung dầu, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp và không đủ để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVId-19.
Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã nhanh chóng rút khỏi Nga. Các quốc gia châu Âu vội vã tìm mọi cách để đảm bảo nguồn năng lượng cho mùa đông.
Giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu lên gần 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục mọi thời đại, gây ra vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch, tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.
Cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga sau đó của phương Tây đã làm đổ vỡ các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới làm mọi cách để tìm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung từ Nga. Các chính phủ đẩy nhanh triển khai năng lượng mặt trời và gió, nhưng cũng đẩy mạnh mua than, khiến các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã bị trì hoãn.
Các chính phủ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các tập đoàn điện lớn như Uniper của Đức. Nam Phi trải qua đợt cắt điện tồi tệ nhất trong lịch sử. Sri Lanka cạn kiệt nhiên liệu.
Cuộc xung đột ở Ukraine khiến các nước châu Âu phải đánh giá lại mối quan hệ với Nga – quốc gia từ lâu đã là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của lục địa này.
Kể từ đó, các quốc gia đã thảo luận và bắt đầu áp dụng biện pháp áp trần giá dầu mỏ Nga từ ngày 5/12, trong khi châu Âu đang thảo luận về trần giá khí đốt và đầu tư nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Ông Michael Stoppard, cố vấn đặc biệt và nhà phân tích khí đốt toàn cầu tại công ty S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến mối quan hệ đối tác thành công suốt 50 năm về khí đốt giữa Nga và châu Âu chấm dứt. Điều đó dẫn đến điều chỉnh lại cung và cầu và sẽ mất thời gian. Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả cho đến năm 2023 và lâu hơn nữa”.
Tình trạng lộn xộn vẫn chưa kết thúc. Các nền công nghiệp lớn cũng đang chuẩn bị đối phó với những hạn chế về nguồn cung vào năm 2023, nếu không muốn nói là trong nhiều năm sau đó.
Các chính phủ ở Mỹ và châu Âu đều chuyển sang hỗ trợ nguồn cung chiến lược cho các đồng minh cho dù chi phí có thể cao hơn, đồng thời tăng cường sử dụng các gói viện trợ và thuế trong nước để phát triển các nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, gió, hydro.
Kể từ ngày 9/8, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023. Mặc dù là tự nguyện, song kế hoạch tiết kiệm khí đốt cho một mùa Đông an toàn vẫn đưa ra đề xuất về một luật mới, cho phép EU có quyền buộc các quốc gia thành viên phải đáp ứng các mục tiêu cắt giảm trong trường hợp đặc biệt tùy thuộc vào mức tiêu thụ và dự trữ của mỗi nước.
Trong cuộc họp báo chung mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Ủy ban châu ÂU (EC) cho rằng dù châu Âu có đủ năng lượng năm nay, năm sau lại là câu chuyện khác. IEA dự báo EU có thể phải đối mặt với khả năng thiếu khí đốt lên tới 30 tỷ m3 vào năm 2023, bởi nguồn cung từ đường dẫn khí đốt của Nga đã dừng lại và thị trường LNG vận chuyển bằng đường tàu sẽ bị giảm đi khi nhu cầu của Trung Quốc hồi phục trở lại. Thêm vào đó, không ai có thể đảm bảo rằng nhiệt độ năm tới sẽ ôn hòa như năm nay.
Đánh giá của IEA đặt giả thiết các đường ống khí đốt mà Nga đang cấp cho EU sẽ dừng hoàn toàn đầu năm 2023, nhập khẩu LNG của Trung Quốc quay về mức năm 2021 và các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu chỉ còn 30% cuối mùa đông này. Dù vậy, IEA cho rằng phần thiếu hụt vẫn có thể giảm bớt nếu châu Âu tích cực áp dụng nhiều biện pháp.
Khi năm 2022 sắp kết thúc, chi phí cho khí đốt tự nhiên và nhiên liệu sưởi ấm đã giảm khi hoạt động kinh tế suy giảm. Nhưng mọi người vẫn đang gặp khó khăn và có thể tiếp tục gặp khó như vậy trong một thời gian vì nguồn cung khan hiếm gây ra nhiều cú sốc giá hơn.
Ông Francesco Starace, Giám đốc điều hành Enel của Italy, một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, cho biết: “Đây sẽ được coi là một năm có ảnh hưởng mạnh mẽ, thực sự là khởi đầu của một hệ thống hoàn toàn mới. Năm 2022 và một phần của năm 2023 là khi tất cả những điều quan trọng này xảy ra. Đó là một năm phá bỏ thói quen và thay đổi rất rõ ràng”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()