Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:49 (GMT +7)
Nhớ mãi một chuyến đi thực tế
Thứ 3, 05/07/2022 | 11:12:10 [GMT +7] A A
Năm đó đi thực tập theo giấy giới thiệu của Tạp chí Văn nghệ quân đội, chúng tôi đã về Quân khu 3 ở thị xã Kiến An, thành phố Hải Phòng. Từ Hà Nội chúng tôi lên tàu ở ga Long Biên rồi xuống ga Hải Phòng và di chuyển về Bộ Chỉ huy Quân khu 3, rồi từ đây chúng tôi đến Sư đoàn 395 đóng ở Quảng Yên.
Cảm nhận lần đầu về Quảng Yên
Thực ra tôi ở Quảng Ninh nhưng tôi chỉ gắn bó với Vùng mỏ Cẩm Phả là chính, chưa bao giờ qua Quảng Yên, chỉ nghe và biết về miền đất ấy với rất nhiều những chiến tích oai hùng của quân dân nhà Trần lừng lẫy còn ghi dấu nơi đây với trận đại thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng giang năm 1288...
Nhưng chuyến đi này tôi đi theo đoàn thực tế với một góc độ khác. Khi đến Quân khu 3 rồi đi tiếp lại bất chợt reo lên “Ô, phà Rừng”. Thời gian đợi ở bến phà đúng là đợi đến... dừng chân. Qua khúc sông này sang bên kia là Quảng Yên nhưng không hề dễ tí nào. Dòng sông ngầu ngầu cuồn cuộn dòng phù sa trôi về cửa biển. Những chuyến phà đầy ngoắc người xe và hàng hóa. Mỗi chuyến phà qua được bến sông này cũng ngót ngét chờ đợi và di chuyển nếu nhanh cũng phải mất hai tiếng đồng hồ, vì khúc sông rộng, vì người qua lại đông nên dù đến bến sớm nhưng chưa có phà thì cũng không thể qua sông. Cả nhóm chúng tôi đều là lần đầu tiên đi phà này nên ai cũng háo hức với khung cảnh nơi đây, bên này là Hải Phòng, là huyện Thủy Nguyên nơi có tục hát đúm rất nổi tiếng. Đứng ở bến phà Rừng giữa mênh mang trời nước đó, thêm những cảm nhận trọn vẹn về chiến công oai hùng của vua tôi nhà Trần năm 1288 ở nơi đây.
Qua được bến sông Rừng mênh mang ấy là đến thị xã Quảng Yên. Chúng tôi đến Sở chỉ huy của Sư đoàn 395 thuộc Quân khu 3 đóng trên một quả đồi thoai thoải, một địa thế rất đẹp. Những hàng cây cổ thụ. Những thảm cỏ mướt xanh. Các dãy nhà bộ đội cũng như xếp hàng thẳng như đội ngũ của họ. Một cảm xúc dâng lên “À, bộ đội đó”. Họ ở trong những khuôn viên như thế này đây, một không gian thật đẹp. Anh cán bộ chính trị Sư đoàn đón, tiếp nhận từ anh cán bộ Quân khu.
Thấy tôi hỏi liên hồi về nơi các anh đang ở, anh bèn vắn tắt: Các bạn cứ nghỉ ngơi đi, nếu mà chưa kịp tối thì tôi sẽ đưa mấy chị em ra thăm cây lim giếng Rừng, dấu tích của thời cụ Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông thắng lợi. Còn nơi đơn vị đóng quân này cũng là một câu chuyện hay cho các nhà báo, nhà văn viết về nó, thôi, kể sau nhé.
Nghe giọng anh vồn vã thế, chúng tôi đã thấy tràn trề sinh khí để chuẩn bị cho bài bút ký của mình sau chuyến đi thực tế này, nhưng khi đã đâu vào đó ở khu tập thể của bộ đội Sư đoàn thì cũng đã đến lúc đi ăn tối. Thế là tưng bừng văn thơ, kẻ rót rượu, người đọc thơ, đêm Sư đoàn như chỉ có ngần ấy thứ. Bữa cơm tối vui lần đầu đi với bộ đội của tôi là thế. Tối hôm ấy, chúng tôi ngủ thẳng căng đến 5 giờ sáng hôm sau bị tiếng kẻng gọi tập thể dục của bộ đội thì tất cả cùng bật dậy. Chúng tôi cũng nhanh chóng thu gọn hành lý và lên đường cùng anh sĩ quan chính trị được cử dẫn đường. Sau khi ăn sáng rồi lên xe đi tiếp đến Trung đoàn 43.
Khi đã yên vị trên xe, nghe nói còn 200km mới đến Trung đoàn 43, cô bạn đồng nghiệp say xe… chuyên nghiệp đã hét lên: “Thế thì em đi sao nổi!”. Chúng tôi cùng bật cười. Xe chuyển bánh, trong một buổi sáng trong lành từ Quảng Yên.
Thực sự chúng tôi đều chưa biết đến địa chỉ của Trung đoàn 43 Hà Cối, chỉ nghe hai tiếng Hà Cối thôi đã thấy nó xa lắc, xa lơ như thế nào. Qua Quảng Yên, qua phà Bãi Cháy rồi qua Hòn Gai, Cẩm Phả, đến con đường miền Đông thời ấy vừa bé, vừa dốc, vừa khó đi. Cô bạn cùng đoàn đã phải nài nỉ mấy anh cho em nằm ghế không thì say xe lắm không thể đến trung đoàn được. Thấy cô ấy say xe quá nên chúng tôi dừng xe và thu xếp cho cô ấy… nằm như một bao gạo ghế sau xe.
Khi xe đến Trung đoàn 43, tôi gọi cô ấy bật dậy, ngơ ngác hỏi: “Đã đến rồi hả chị?". “Ừ, đến rồi”. Xe vừa dừng thì đã thấy lãnh đạo Trung đoàn đang đứng đầu xe đón rồi. Cô bạn chỉ trong tích tắc đã cười tươi rói, ríu ran khi chân... chạm đất: “Em chào các thủ trưởng. Em chào các thủ trưởng”.
Trung đoàn đón chúng tôi trong buổi chiều có cơn giông lớn đang ập đến và đài báo ngày mai bão đổ bộ vùng này. Nhưng nhìn thấy ban lãnh đạo Trung đoàn đón khách là lòng chúng tôi như đã có cả bầu trời, mặt đất đầy thân thiết từ mảnh đất biên cương Hà Cối này ngay buổi đầu đặt chân đến.
Những ngày “Ba cùng” với bộ đội
Tròn 1 tuần chúng tôi ăn nghỉ tại Trung đoàn 43. Doanh trại đơn vị vừa dựng mới. Khu nhà chỉ huy cao 3 tầng còn nồng mùi vôi rất khang trang được đặt ở giữa khu doanh trại rộng rãi, phong quang nhìn đã thấy sự chính quy hiện đại của bộ đội thời bình. Ngoài các phòng làm việc chức năng thì khu nhà có mấy phòng khách. Hai chị em tôi được “mở hàng” một phòng đủ tiện nghi ở tầng 1, vì ngôi nhà vừa đưa vào hoàn thiện trước hôm chúng tôi đến đơn vị có một ngày, nên thậm chí cánh cửa còn nguyên giấy bóng kính chưa kịp bóc. Còn lại hai anh trong đoàn sang khu nhà cấp 4 nghỉ với bộ đội.
Một tuần ở đó với các hoạt động bài bản, chuyên nghiệp và kỷ luật của bộ đội, chúng tôi nhận được nhiều tình cảm của họ. Những bữa ăn ấm áp, những câu chuyện về huấn luyện ở thao trường, những câu chuyện của các anh ban chỉ huy Trung đoàn, tiểu đoàn đều có vợ con xa nhà, chỉ mỗi Trung đoàn trưởng có gia đình vợ con ở đây. Mỗi câu chuyện của họ đều ẩn chứa muôn điều linh thiêng của cuộc đời binh nghiệp mà họ đã lựa chọn. Lính trung đoàn cũng vui, tếu táo, yêu văn nghệ và thể thao, dường như với họ chẳng có nỗi buồn nào chen vào được.
Bây giờ mỗi khi có dịp đến các đơn vị bộ đội, dòng ký ức của tôi về chuyến đi thực tế “ba cùng” với bộ đội ở Trung đoàn 43 Hà Cối luôn day trở. Đây là địa bàn biên giới, xưa có tên huyện Hà Cối, còn tên huyện mới bây giờ là Hải Hà giàu truyền thống văn hóa, giàu truyền thống cách mạng và là mảnh đất địa linh, nhân kiệt ở miền Đông tỉnh Quảng Ninh.
Chuyến đi ấy tôi khá ấn tượng với Trung đoàn trưởng có cái tên cũng đặc biệt là Vũ Hải Sản (giờ thì anh đã là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Anh cao ráo, gương mặt đẹp sáng ngời. Khi ngồi quây quần bên bàn trà, vì tinh thần dòng họ bừng lên, tiện ngồi giao đãi thì anh em nhận họ hàng tíu tít. Anh bảo anh quê xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quê anh có hình dáng y hệt như làng Mộ Trạch ở Hải Dương quê tôi. Vũ Hải Sản hào hứng kể cho tôi và cả mấy anh chị em về ngôi làng quê hương anh, ở đó cũng có miếu nghè thờ cụ tổ, cũng có hai cái hồ - gọi là hai mắt rồng hai bên miếu như ở Mộ Trạch, Hải Dương quê tôi.
Câu chuyện trong lúc trà dư thong dong một thoáng cũng qua đi với trăm công ngàn việc của mỗi người trong hành trình cuộc đời, giờ có thể gọi là chuyện… cổ tích, chỉ biết chàng sĩ quan trẻ đầy triển vọng Vũ Hải Sản khi ấy đã có vợ là cô gái ở nông trường chè Đường Hoa gần đó. Họ đã có hai cô con gái rất xinh (là tôi nghe lỏm từ lính của anh kể như thế).
Sau chuyến đi ấy, tôi không có dịp nào trở lại Trung đoàn 43 nữa và muôn vàn nỗi lo cơm áo khác, nên câu chuyện này cũng chìm mãi vào miền ký ức mỗi ngày một dầy thêm.
Những ngày ở Trung đoàn 43 “ba cùng” với lính, chúng tôi thấm thía với công việc của các sĩ quan, các chàng lính trẻ luôn nêu cao tinh thần chấp hành kỷ luật quân đội. Cười vui tếu táo đấy, nhưng khi vào việc là quân lệnh nghiêm chỉnh. Mỗi người đều thực hiện bổn phận của mình với tác phong quân đội bài bản và hiệu quả. Vì thế, mỗi hàng cây, mỗi luống rau, hay lối đi lại trong khuôn viên của bộ đội đến các khu sinh hoạt của họ lúc nào cũng mang một con mắt “vuông góc”. Cái cảm nhận từ những chàng lính trẻ đã tạo cho chúng tôi những cảm xúc rất riêng về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, dù ở thời chiến hay thời bình, họ luôn sẵn sàng có mặt ở phía trước, sẵn sàng nhận nhiệm vụ với một tư thế đĩnh đạc và nghiêm ngắn.
Chuyến đi thực tế lần đầu về với bộ đội thật sự là chuyến đi ý nghĩa với tôi và anh chị em cùng nhóm, nhớ nhất là khi nhóm chúng tôi về thực tế ở Trung đoàn chiều hôm trước thì hôm sau trúng trận bão rất lớn đổ bộ vào, may mà nó tan nhanh chỉ còn mưa rất to. Một tuần ở Trung đoàn 43 cho chúng tôi hiểu thêm về những người lính thời bình. Chiến tranh đã lùi xa thì nhiệm vụ xây dựng đội ngũ, rèn đức, luyện tài, tổ chức các hoạt động huấn luyện cho bộ đội vẫn được hết sức coi trọng. Ngoài giờ tập luyện với các khoa mục huấn luyện, rèn luyện trên thao trường thì cán bộ chỉ huy cũng như lính trẻ lại có những giờ tăng gia sản xuất. Những luống rau, vườn quả xanh tốt. Tôi nhớ họ còn khoanh cả khúc suối ven doanh trại để nuôi cá, dựng chuồng nuôi lợn, nuôi bò và có thể nói bộ đội Trung đoàn 43 tự túc được cơ bản thực phẩm cho đơn vị khi ấy. Mỗi bữa ăn chúng tôi đều được thưởng thức hoa trái, thực phẩm từ những bàn tay, khối óc của những người lính siêng năng.
Hôm tiễn chúng tôi về khi kết thúc đợt thực tế, vì hồi đó phương tiện đơn vị không có, tôi nhớ anh Lê Quốc Bảo, khi ấy là thiếu tá, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, đã trực tiếp đưa chúng tôi từ đơn vị ra đường 18 để đón xe khách Móng Cái - Hà Nội. Khi chúng tôi đã lên xe và xe đã chuyển bánh, nhìn lại phía sau chúng tôi vẫn thấy anh Bảo đứng dưới đường vẫy tay theo. Hình ảnh ấy khiến hai đứa con gái trong đoàn cùng bật khóc. Một hình ảnh thật sự khiến cho chúng tôi thêm những điều nhung nhớ về một chuyến đi như thế. Với tôi, đây là lần đầu tiên đi thực tế với bộ đội với thật nhiều tâm tư để bao nhiêu lâu rồi, tôi cất kỹ trong ký ức và để bây giờ tôi vẫn nhớ từng chi tiết, như cuốn phim quay chậm về chuyến thực tế ở Trung đoàn 43 ngày ấy.
Chuyến đi giờ đã trở thành những kỷ niệm đẹp và luôn là chất xúc tác cảm xúc cho chúng tôi. Một kỷ niệm khó quên và tôi vẫn cứ… hy vọng sẽ có dịp được trở lại Trung đoàn 43.
Ghi chép của Vũ Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()