Tất cả chuyên mục

Tình cờ trên chuyến tàu từ đảo Ba Mùn trở về bến Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tôi ngồi cùng với những phụ nữ đi bắt ốc. Trước đó, mỗi khi đi tàu khách ra các xã đảo, tôi chỉ thấy họ ở xa xa, thấp thoáng như những bóng cò, lọ mọ bên những ghềnh đá đầy hà, sụa.
Trong không gian chật hẹp, nóng nực và nồng nặc đủ thứ mùi "tạp phí lù" như mùi mồ hôi, mùi tanh của biển, của cá, tôm, cua..., chị Duyên, một người có "thâm niên" trong nghề bắt ốc, thở dài:
"Đi bắt ốc đấy nhưng phận mình có khác gì phận ốc đâu, cũng mang trên lưng gánh nặng của mấy cái "tàu há mồm". Đúng là "ốc đã không mang nổi mình ốc còn làm cọc cho rêu"!".
Theo mủng rời đảo trở về tàu sau một buổi làm việc mệt nhọc.
Đa phần thì vừa ngồi phơi nắng, vừa phân loại ốc ở trên boong tàu.
Người may mắn có được chỗ ngủ để lại sức trong khoang tàu.
Trong hành trình từ đảo Ba Mùn về Cái Rồng, thỉnh thoảng tôi lại thấy lái tàu cập vào các đảo đá nào đó để đón vài ba người đang đứng chờ. Thấy tôi thắc mắc, anh lái tàu bảo: "Đón mấy người đi bắt ốc. Cập rập một chút nhưng mình không đón thì họ không về được. Toàn người nghèo, khổ lắm, đi từ 1 giờ đêm bây giờ mới về đấy!". Trên chuyến tàu ấy, không khó để phân biệt những người đi bắt ốc bởi kè kè bên họ là chiếc giỏ chuyên dụng, vẻ lam lũ và sự mệt mỏi in hằn trên gương mặt. Mặc dù khoang tàu lúc nào cũng ồn ào như chợ vỡ nhưng những người bắt ốc, đa số là phụ nữ, vẫn ngủ mê mệt. Một số người lên sau không có chỗ, đành ngồi phơi nắng phía bên ngoài nhưng cũng không chống nổi cơn buồn ngủ, ngồi gà gật giữa cái nắng chang chang. Có người ngồi ôm đầu gối ngủ gật, thỉnh thoảng lại giật mình choàng dậy rồi lại nhanh chóng trở lại với giấc ngủ mệt nhọc. Trong số họ cũng có vài người là đàn ông, trông dáng người khắc khổ.
Lân la lại gần mấy chị em bắt ốc, tôi hỏi một chị: "Sao các chị phải đi ra biển sớm vậy?". Người phụ nữ giải thích: "Tuần này nước cạn về đêm. Con ốc ban đêm mới mò ra khỏi hốc đá, bắt ốc đêm người đỡ mệt. Ban ngày bãi ngập, nếu không thì cũng nắng cháy sém da, bắt được ít ốc lại ra nhiều mồ hôi mệt lắm". Nói xong, chị chợt cảnh giác: "Anh hỏi chuyện chị em tôi làm gì?". Biết tôi là nhà báo, chị cười buồn: "Cái nghề bắt ốc của chúng tôi là khổ nhất trên đời rồi. Anh đưa lên báo mà làm gì". Thế nhưng sau đó, câu chuyện giữa chúng tôi cũng cởi mở hơn. Chị bảo tên là Duyên, còn thái độ cảnh giác là vì: "Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ anh là chủ bãi nuôi tu hài. Họ hay xui người làm của mình ra đuổi chúng tôi như lũ ăn xin, ăn mày khi chúng tôi đến bãi của họ bắt ốc". Câu chuyện của chúng tôi dần dần rôm rả hơn khi có sự tham gia của những người đi bắt ốc khác. Qua câu chuyện, tôi được biết chồng Duyên đã chết vì nhiễm căn bệnh thế kỷ, bây giờ hàng ngày chị đi bắt ốc để lấy tiền nuôi con. Chị lấy chồng khi vừa bước vào tuổi 18. Chồng Duyên trước đó cũng là con một gia đình khá giả ở huyện, nhưng anh ta sa ngã vào chuyện nghiện ngập, thế rồi bao nhiêu của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Gia đình nhà chồng đông anh em nên vợ chồng chị phải tách ra sống riêng. Một thời gian sau chồng mất, để cho chị đứa con gái mới 8 tuổi. Nỗi đau đớn được nhân lên khi xét nghiệm máu, Duyên biết mình cũng bị lây nhiễm từ chồng. Bệnh tật, tay trắng và thất nghiệp nhưng bù lại cô con gái của vợ chồng chị không bị nhiễm căn bệnh thế kỷ từ bố mẹ. Chính niềm vui đó đã thúc giục chị phải cố gắng bươn trải với đời. May thay, có nhiều chị em cùng cảnh ngộ rủ Duyên cùng đi bắt ốc, thế là Duyên gắn bó với công việc này từ đó. So với nhiều chị em khác cùng đi bắt ốc, Duyên còn đỡ nặng gánh hơn, vì có người đi bắt ốc để nuôi cả chồng cai nghiện, lẫn con và mẹ già.
Những người cùng chuyến tàu còn kể cho tôi nghe về vợ chồng anh Phạm Văn Hoàng, có vợ là chị Lân cũng làm nghề bắt ốc. Cả hai vợ chồng Hoàng cùng bị nhiễm HIV không thể có con. "Hai thân ốc" nặng nề tưởng như không mang nổi thân mình, nhưng lại sẵn sàng dang tay ôm ấp một sinh linh bé bỏng bị bố mẹ bỏ rơi khi mới chào đời. Vợ chồng Hoàng quyết định xin một đứa trẻ về làm con nuôi khi nó mới được ba ngày tuổi. Cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, khi mà cả hai không nghề nghiệp ổn định, không vốn liếng. Cháu bé không được bú mẹ khóc suốt ngày, phải uống sữa ngoài. Do mang bệnh, Hoàng sức khoẻ yếu, khó mà tìm được công việc phù hợp. May thay có một người bà con giới thiệu Hoàng làm nghề lái tàu chở hàng thuê. Hàng tháng ngoài tiền cơm do chủ tàu nuôi, Hoàng cũng được cầm tay số tiền lương tầm tầm khoảng 1,3 triệu đồng. Thế là cuộc sống cứ vậy êm trôi, Hoàng đi làm suốt, có khi vắng nhà mấy ngày vì theo tàu, nhưng bù lại, hàng tháng anh cũng có khoản tiền nho nhỏ để đưa vợ mua sữa cho đứa con nuôi. Vợ Hoàng theo chị em đi bắt ốc, hàng ngày phải dậy từ rất sớm, gửi con cho chồng chăm vì Hoàng đi làm muộn hơn, rồi tất tả ra bến.
Liêu xiêu đời ốc
Trò chuyện với những người đi bắt ốc, tôi nhận thấy họ đều có một điểm chung: Hoàn cảnh khó khăn và trông chờ hoàn toàn vào con ốc. Ấy vậy mà để tồn tại giữa mênh mông biển, trời, mây, nước ấy cũng đâu có đơn giản. Hiện nay, khi các bãi triều đã được giao cho những người có nhiều vốn mở các bãi nuôi tu hài, nuôi ốc thì hoạt động của những người bắt ốc cũng bị thu hẹp lại. "Đi đến đâu chúng tôi cũng bị xua đuổi. Nhiều lúc thấy mình bị đối xử như những kẻ ăn mày, hay phường trộm cắp ấy. Các chủ nuôi tu hài, nuôi ốc cũng canh giữ luôn cả những con ốc được sinh ra tự nhiên trên bãi của họ, của trời của biển giờ đã dần thành của riêng. Hễ nhìn thấy chúng tôi là họ chửi mắng. Giờ chỉ còn bắt ốc được ở những bãi xa, đi lại khó khăn, nguy hiểm. Không hiểu rồi tương lai chúng tôi biết sống thế nào. Không bắt ốc thì biết làm nghề gì mà nuôi con. Không nghề, không vốn liếng, sức khoẻ yếu để tìm được việc làm trên bờ đâu có dễ" - chị Duyên chia sẻ.
Hỏi ra, tôi được biết, những người đi bắt ốc thường đi đến chỗ làm bằng những con tàu cũ kỹ nhưng giá rẻ, cả đi về mất 40.000 đồng/người. Tàu chạy khoảng 2-3 tiếng mới đến bãi ốc, vì ốc ở gần bờ đã không còn. Bãi ốc thường là những ghềnh cát lẫn đất đá nằm ở chân các đảo đá hoang vu không có người ở. Khi đến gần bãi đá họ lại được chuyển sang con đò chèo tay mới áp được lên bãi để bắt ốc. Thành quả lao động của họ được phân loại ngay trên khoang tàu lúc trở về. Ốc to được giá hơn thường được họ để dành bán cho nhà hàng, loại nhỏ giao lại cho người buôn ở chợ bán cho khách hàng bình dân. Chị Duyên nhẩm tính: "Như hôm nay cũng được hơn trăm ngàn, trả tiền tàu còn được cầm tay hơn sáu chục ngàn. Cũng có hôm "vào cầu" kiếm được gần 200 ngàn. Nhưng một tháng chỉ làm được 12 ngày thôi, còn 18 ngày khác bãi ngập không bắt ốc được. Hôm nào mà bắt được chừng 2-3kg ốc là tốt lắm rồi. Có chị em bắt được ít ốc quá, tự tìm lán của người trồng keo, nuôi tu hài bỏ không ở bãi rồi ngủ qua đêm, đỡ được mấy chục ngàn tiền tàu rồi hôm sau tiếp tục bắt ốc. Những lúc ấy có củ khoai luộc, chai nước lọc mang theo là sống tốt rồi".
Tàu vừa cặp bến, những người bắt ốc xốc lại giỏ lên vai, lặng lẽ bước lên bờ. Bóng họ liêu xiêu như những thân chuối còn lại sau trận bão. Gánh nặng mưu sinh đang đè nặng trên những đôi vai gầy guộc, mỏng manh của họ, khiến họ trông như những con ốc nhỏ bé, oằn lưng bò giữa cuộc đời.
Ý kiến (0)