Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:28 (GMT +7)
Nhọc nhằn nghề khai thác nhựa thông
Chủ nhật, 21/07/2024 | 10:59:25 [GMT +7] A A
Trong những cánh rừng thông ngút ngàn thuộc địa phận phường Quang Trung, TP Uông Bí, những người công nhân khai thác nhựa thông của Công ty CP Thông Quảng Ninh đã bắt đầu công việc của mình từ rất sớm. Băng rừng, vượt núi, công việc chủ yếu ngoài trời liên tục nhiều giờ, đôi khi họ phải ăn, nghỉ ngay tại rừng để tranh thủ thời gian khai thác.
Vượt nắng, thắng mưa…
Mỗi ngày, một người công nhân sẽ phụ trách cạo nhựa từ 700-800 cây thông nên phải đi bộ đường rừng nhiều km. Với dụng cụ đơn giản là chiếc cuốc nhỏ, chiếc bay, xô đựng, họ đi từ cánh rừng này sang cánh rừng khác để cuốc dăm, tạo máng cho nhựa thông chảy, thu hoạch lấy nhựa thông bám trên thân cây, trên máng và các bát đựng. Vào mùa hè, thường họ sẽ đi làm từ 4-5h sáng để đỡ nắng và đến tầm hơn 10h khi mặt trời lên cao thì sẽ nghỉ, chiều lại tiếp tục công việc.
Làm nghề lấy nhựa thông sợ nhất là những cơn mưa rừng bất chợt. Nhựa thông nhẹ hơn nước, phải mất 2-3 giờ mới đông cứng, nếu một cơn mưa rừng trút xuống thì bao nhiêu công sức lao động của một ngày cạo nhựa thông sẽ thành công cốc bởi nhựa sẽ theo nước trôi xuôi.
Anh Phạm Văn Điệp, Công nhân Công ty CP Thông Quảng Ninh (TP Uông Bí), chia sẻ: Làm nghề lấy nhựa thông này có đặc thù vất vả riêng, đó là trèo đèo, lội suối, chịu ảnh hưởng bởi thời tiết mưa, nắng, đòi hỏi người công nhân phải có sức khỏe và sức chịu đựng nhất định. Nếu mưa nhiều, lượng nhựa khai thác sẽ ít hơn. Vì vậy, ngoài sự chăm chỉ, người công nhân còn cần biết tính toán, sắp xếp, tranh thủ thời gian và nghe ngóng thời tiết để đạt hiệu quả công việc.
Cả cánh rừng thông bạt ngàn như vậy, nhưng không phải cây thông nào người công nhân cũng được khai thác mà phải chọn cây thông có đủ số năm tuổi và đường kính nhất định mới đủ tiêu chuẩn để lấy nhựa. Cây thông lấy nhựa ở Quảng Ninh nếu sinh trưởng trong điều kiện tốt thì thường phải trên 15 năm tuổi, đường kính ngang ngực người đạt từ 20cm trở lên mới bắt đầu khai thác được.
Khi lấy nhựa phải tuân theo một quy trình và kỹ thuật khai thác, bảo đảm sự sinh trưởng và phát triển của cây thông. Mỗi một lần cuốc chỉ mở thân cây từ 8-12cm (gọi là 1 dăm), và đợi cây chảy nhựa. Cứ sau khoảng 5 ngày lại cuốc tiếp 1 dăm lên cao thêm 10cm. Từ vết cạo, nhựa theo máng chảy xuống chiếc bát đã để sẵn phía dưới. Thường cứ 3 dăm (tức là khoảng nửa tháng) sẽ thu hoạch được 1 bát nhựa. Khi thu phải nhặt bỏ dăm, bã, vỏ cây và gạn nước có trong bát. Lúc vét nhựa đồng thời phải dọn sạch nhựa dính ở đường máng để đường chảy nhựa không bị tắc, nhựa chảy vào bát được tối đa.
Tùy vào độ lớn của từng cây thông và địa hình ở khu vực đó mà việc mở máng có thể cao lên đến hơn 4m một mặt. Khi một mặt đã mở đến độ cao quy định thì sẽ chuyển sang mở mặt khác để đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm thì khi mở mặt, mặt đầu tiên nếu mở hướng Đông Nam cây sẽ cho năng suất nhựa cao nhất.
Anh Nguyễn Đức Cương, Đội trưởng Đội sản xuất Bãi Dài, Công ty CP Thông Quảng Ninh, cho biết: Một cây thông có thể đạt sản lượng từ 4 đến 5kg nhựa/năm và có thể khai thác từ 6 đến 7 năm. Thường vào mùa hè, người công nhân sẽ cách 5 ngày cạo nhựa một lần còn mùa đông thì 7-8 ngày. Mùa hè nắng nóng, thông sẽ nhanh chảy nhựa hơn mùa đông, vì vậy lượng nhựa thu được cũng nhiều hơn và thời gian để hoàn thành công việc cũng nhanh hơn.
Công việc cạo nhựa thông vất vả là thế, không chỉ đòi hỏi sự cẩn thận, cần cù, chăm chỉ mà còn phải có những kỹ năng nhất định. Tuy vậy, ngoài cánh đàn ông thì cũng có nhiều chị em phụ nữ gắn bó với nghề này. Chị Nguyễn Thị Hương và chị Nguyễn Thị Huyền Trang là 2 nữ công nhân của Đội sản xuất Bãi Dài do anh Nguyễn Đức Cương phụ trách, cũng đã gắn bó gần 10 năm với công việc này.
Vừa thoăn thoắt, thành thục các thao tác cạo nhựa, rồi cuốc dăm, chị Hương vừa chia sẻ: Phụ nữ chúng tôi làm công việc này cũng vất vả, thách thức hơn đàn ông khi cần sự bền sức, đi đường rừng liên tục, có những đoạn khó đi còn phải phát quang bớt cây cối để tạo lối đi. Trong quá trình làm, với những cây thông đã khai thác lâu năm đôi khi phải bắc thang trèo lên cao 3-4m để cuốc dăm mới. Những lúc như thế, chúng tôi sẽ cùng hỗ trợ nhau để công việc được nhanh và an toàn.
Thu về “trái ngọt”
Nhựa thông tươi thu hoạch về sẽ được bảo quản ở nơi râm mát và chuyển đến nhà máy để chế biến tinh dầu thông trong thời gian sớm nhất, tránh để lâu tinh dầu có trong nhựa thông sẽ bay hơi. Sau khi đã chiết xuất lấy tinh dầu, phần còn lại để sản xuất tùng hương (còn gọi là Colophan). Các công đoạn để chiết xuất tinh dầu thông và sản xuất tùng hương là một quy trình khép kín trên dây chuyền máy móc, tuy nhiên vẫn phải có sự vận hành và giám sát chặt chẽ của công nhân tại từng bộ phận của phân xưởng sản xuất.
Tại các bồn chứa, dung dịch nhựa hóa lỏng sẽ có thời gian lắng lọc để tách nhựa, nước và tạp chất, lọc qua lưới lọc để có dung dịch đảm bảo chất lượng nhất và chuyển đến các bồn hâm. Từ các bồn hâm sẽ tiếp tục cấp hơi để dung dịch đạt đến một nhiệt độ nhất định và tại đây phần tinh dầu thông sẽ bay hơi lên trên và được chiết xuất phần lớn, sau đó dung dịch được chuyển đến tháp chưng cất để chưng cất thêm 1 lần nữa, đồng thời tách riêng phần còn lại để sản xuất tùng hương.
Nếu như khai thác nhựa thông phải đối mặt với thời tiết mưa, nắng thì quá trình chế biến nhựa thông, người công nhân lại thường xuyên làm việc trong điều kiện hơi nóng, tiếng ồn máy móc, cần sự cẩn trọng đặc biệt để tránh những rủi ro về cháy nổ có thể tiềm tàng.
Sản phẩm tùng hương sau khi ra lò sẽ ở dạng lỏng và được đựng vào các phin chứa. Khi để nguội, tùng hương có dạng rắn, trong như thạch anh và thường có màu vàng. Tùng hương sẽ được lấy mẫu, chuyển đến phòng kiểm tra mẫu xem đảm bảo đạt chất lượng chưa trước khi được đưa ra thị trường.
Các sản phẩm sản xuất từ nhựa thông có nhiều ứng dụng đa dạng trong cuộc sống. Tinh dầu thông được sử dụng trong ngành y tế và mỹ phẩm. Còn tùng hương được ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện và thiết bị điện tử cùng nhiều lĩnh vực khác.
Để có được những sản phẩm chất lượng từ nhựa thông là biết bao mồ hôi, công sức, trải qua những công đoạn khai thác và chế biến nhựa thông khá kỳ công, vất vả. Và những người gắn bó với công việc này, hẳn là bên cạnh sự lao động chăm chỉ, tình yêu nghề, họ còn luôn trân trọng những giá trị mà cây thông mang lại cho cuộc sống của con người.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()