Tất cả chuyên mục

Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội bất bình trước những vụ việc các em học sinh bị đâm chém dã man phải nhập viện. Tình trạng bạo lực học đường hiện đã ở mức báo động, tính chất, mức độ có xu hướng nguy hiểm hơn và để lại những hậu quả rất đau lòng.
Cổng trường không yên tĩnh
Tuổi học trò được ví như tuổi hồng, lứa tuổi luôn có những tình bạn đẹp và hồn nhiên nhất. Thế nhưng, thực tế đáng buồn hiện nay đang có một bộ phận học sinh chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ mà sẵn sàng dùng vũ lực, hành động tàn ác, trả thủ, dằn mặt nhau theo kiểu “xã hội đen” với bạn bè cùng trang lứa với mình. Nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực học đường thường là mâu thuẫn nhỏ nhặt không đáng có nhưng nhiều học sinh đã không kìm chế được bản thân vì nóng giận để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Cách đây chưa lâu, vụ việc 5 học sinh Trường THPT Hòn Gai, Trường THPT chuyên Hạ Long bị đâm chém nhập viện tại khu vực cổng Trường THPT chuyên Hạ Long vào ngày 19-11-2012 gây xôn xao dự luận. Nhiều người cảm thấy bất ngờ khi biết nguyên nhân vụ việc chỉ xuất phát từ mẫu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh: Nguyễn Huỳnh Diệu Long, lớp 10 tiếng Trung và Ngô Việt, lớp 10C1 (cùng học trường THPT chuyên Hạ Long) khiêu khích nhau trên trường, trên mạng xã hội.
Nguyễn Quốc Linh, học sinh lớp 10C1 bị chém trọng thương nhập viện. |
“Con gà tức nhau tiếng gáy”, Long và Việt tìm cách giải quyết mâu thuẫn nhỏ của mình thành cuộc truy sát kinh hoàng ngoài cổng trường.
Vụ việc đau lòng trên chưa kịp lắng xuống thì vừa qua (22-2), chỉ vì những bình luận khiêu khích về nhau trên mạng xã hội Facebook, hai học sinh: Lại Đức Thiện, lớp 9B, Trường THCS Cao Xanh và Phạm Đình Xuân lớp 11A3, Trường THPT Hạ Long hẹn nhau ra cổng trường để “quyết chiến”. Hậu quả vụ việc khiến 2 học sinh: Lại Đức Thiện, Nguyễn Khắc Chung bị đâm chém trọng thương.
Cùng thời điểm xảy ra với vụ việc trên, cũng xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trên trên mạng xã hội Facebook, 6 sinh viên là: Vũ Đức Anh, SN 1994 (Trường Cao đẳng VHNT Du lịch), Dương Văn Chiến, Vũ Văn Dũng, Hoàng Minh Tuấn, Dương Văn Chiến Nguyễn Thành Đạt, đều SN 1994 (Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm) và Nguyễn Văn Ninh, tổ 7, khu 7, phường Cao Xanh mang theo côn sắt, tuýp sắt tìm một học sinh Trường THPT Bãi Cháy để “xử”.
Rất may khi 6 đối tượng trên đang đứng “phục kích” tại cổng trường THPT Bãi Cháy thì bị các trinh sát của Công an TP Hạ Long ngăn chặn kịp thời. 6 đối tượng đã bị xử phạt hành chính và thông báo về nhà trường để xử lý kỷ luật.
Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Hậu quả từ những vụ bạo lực học đường không những gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho các học sinh mà còn gây tâm lý hoang mang, không chuyên tâm học tập cho tất cả học sinh khác đang ngồi trên ghế nhà trường.
Cần ngăn chặn mầm mống bạo lực học đường
Đi tìm hiểu nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường vừa qua được biết nguyên nhân chủ yếu là các em học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ bên ngoài như phim ảnh, mạng xã hội, game online bạo lực…
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế xã hội phát triển nhiều gia đình có điều kiện nuông chiều các em, cho sử dụng những chiếc điện thoại smartphone tiền triệu tích hợp mạng xã hội, trò chơi điện tử mà không biết con em mình làm gì, sử dụng như thế nào.
Không quá khó để bắt gặp những hình ảnh phản cảm của các em học sinh “thích thể hiện” mình trên các mạng xã hội, diễn đàn hiện nay như Facebook, Twitter, Zing me… những bức ảnh “khoe hàng”, những cuộc vui chơi tại các quán bar, bữa tiệc sinh nhật xa xỉ, những bình luận khiêu khích thiếu văn hóa mà bố mẹ, thầy cô giáo không hề biết, vẫn tưởng con, em mình ngoan để rồi để lại những hậu quả đau lòng trên.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Thanh Tân, Trưởng phòng CNTT và công tác HSSV (Sở GD-ĐT) cho biết: Hiện nay các em học sinh bị ảnh hưởng quá nhiều vào các trang mạng xã hội, game online, trò chơi bạo lực và làm ảnh hưởng đến học tập cũng như tâm lý của các em học sinh. Tình trạng bạo lực học đường thời gian qua diễn ra không chỉ ở các trường dân lập mà ngay cả trường chuyên, trường điểm cũng xảy ra hiện tượng này. Qua các vụ việc cho thấy các trường chưa nắm bắt được sự việc, thiếu sự giám sát của thầy cô để có biện pháp ngăn chặn. Điều đó cho thấy công tác giáo dục tâm lý tư tưởng đạo đức cho học sinh tại nhiều trường chưa phát huy hiệu quả.
![]() |
Hai học sinh: Phạm Đình Xuân và Đinh Ngọc Sơn liên quan đến vụ 2 học sinh bị đâm chém ngày 22-2 tường trình vụ việc trước BGH nhà trường. |
Để ngăn chặn được mầm mống bạo lực học đường trong mỗi nhà trường các thầy cô tăng cường nắm bắt tâm lý học sinh để có biện pháp ngăn chặn. Đặc biệt là giáo dục đạo đức, các ứng xử, kỹ năng giao tiếp trong xã hội đối với các em. Thực tế cho thấy các vụ ẩu đả của học sinh hầu hết đều diễn ra ngoài nhà trường, nên các thầy cô giáo cũng khó kiểm soát dẫn đến những vụ việc đau lòng trên.
Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng GDĐT TP Hạ Long cho biết: Thời gian tới chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường tăng cường công tác quản lý học sinh và tăng cường công tác kiểm tra việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Đây là việc làm cấp thiết và cần tăng cường hơn nữa trong tình hình bạo lực học đường đang có dấu hiệu gia tăng như hiện nay. Những vụ việc vừa qua là rất đau lòng. Các thầy cô phải phát huy lòng yêu nghề, nắm bắt tâm tư tình cảm của các em để thông qua đó tìm ra các mâu thuẫn trong học đường giải thích cho các em hoặc có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Có thể thấy thời gian qua bạo lực học đường đã ở mức báo động, hơn lúc nào hết rất cần sự chung tay vào cuộc của gia đình – nhà trường – xã hội. Trong đó cơ bản vai trò của gia đình là quan trọng nhất, các bậc phụ huynh cần phải dành nhiều thời gian quan tâm tới con em mình. Đối với các thầy cô, nhà trường phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho học sinh luôn lắng nghe tâm tư hướng các em có cách nhìn nhận đúng và xây dựng tình đoàn kết trong lớp trong trường. Cuối cùng, hơn ai hết mỗi học sinh cần phải phấn đấu rèn luyện, tự nhận thức về hành động của mình, không để một chút nóng giận, suy nghĩ nông nổi gây ra những hậu quả xấu. Có như vậy tình trạng bạo lực học đường mới được chặn đứng.
Nghĩa Hiếu
Ý kiến (0)