Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:14 (GMT +7)
Xã Hiệp Hoà: Nơi bảo tồn nhiều tri thức dân gian
Chủ nhật, 26/12/2021 | 20:19:47 [GMT +7] A A
Không chỉ riêng về dân gian, vùng xứ đạo Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) còn có kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, giữa các vùng miền, địa phương, giữa những người có đạo và không có đạo.
Hiệp Hòa là một xã của TX Quảng Yên ngày nay, xưa kia là làng Yên Trì. Theo gia phả của một số dòng họ, thì làng được thành lập từ năm 1460 do tổng đốc Nguyễn Tri Phương dâng biểu lên triều đình xin lập. Vào thời Trần, Hiệp Hòa đã có dân cư sống quanh núi Tiên Sơn thành chòm dân cư Bù Đìa (nay là xóm 5 và xóm Đồng Bãi), dân gian vẫn gọi là làng Cũ. Đầu thời Hậu Lê (thế kỷ 15), triều đình có chủ trương khuyến khích dân làng phiêu tán trong chiến tranh để trở về vỡ đất hoang phục hồi sản xuất. Làng Yên Trì bắt đầu đông dân hơn.
Đến thời Hồng Đức, có các cụ Vũ Tiến Tài, Vũ Tam Tỉnh ở làng Yên Đông, xã Phong Lưu, huyện Yên Hưng, phủ Hải Đông cùng với cụ Đào Công Tiến người của làng Yên Trì cũ đã huy động thêm 12 tiên công nữa đến Bù Đìa lập làng An Trì sau thành xã An Trì.
Đến đời An Đô vương Lê Dụ Tông vì kiêng húy chữ An nên tên làng phải đọc là Yên Trì. Hai cụ Đào Công Tiến và Vũ Tiến Tài là tiên công của làng. Sau này, có 12 cụ đi cùng cũng được tôn vinh nên làng có đến 14 vị tiên công. Các vị tiên công được tôn vinh, được xây bia lưu niệm.
Ngày nay dân làng Yên Trì chủ yếu sinh sống và định cư trên các quả đồi thấp hướng nhìn ra biển. Xưa kia các cụ tiên công bảo nhau di chuyển dân cư từ dưới thấp hay ngập lụt (nay là làng Cũ, xóm 5) lên phía đồi cao vốn là khu rừng núi thấp để dựng nhà dựng cửa định cư. Còn dưới làng cũ thì các vị cho đốc thúc đắp đê ngăn lụt để lấy đất phẳng màu mỡ làm nơi canh tác, trồng trọt.
Làng mới được lập và chia thành 5 giáp: Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc dựa vào các con suối nhỏ chảy len bao bọc lấy các quả đồi. Nơi cao nhất là đồi Mã Re. Giáp Tây (nay là xóm 1) được bao bọc bởi rộc Bứa và Hối Đá. Giáp Nam (xóm 3) bao bọc từ Hố Đá ra rộc Séc, rộc Rừng và rộc Xó. Giáp Trung ở giữa (xóm 2) được bao bọc bởi rộc Xó, rộc Rừng, rộc Vạy, rộc Bồng và rộc Bứa. Giáp Đông (xóm 4) được bao bọc từ rộc Bứa vào Giếng Khe, Bãi Cát vòng lên rộc Bồng, rộc Vạy.
Năm 1877, người Pháp lập nên xứ đạo Yên Trì. Nhà thờ Yên Trì được xây dựng vào năm 1889. Mỗi thôn trong xã đều có nhà thờ. Bên cạnh nhà thờ Thiên chúa giáo còn có nhà thờ của các dòng họ. Làng Yên Trì có đến 5 nhà thờ của các chi họ Lê. Điểm đặc biệt nữa trong văn hóa dân gian làng Yên Trì đó là ở xứ đạo toàn tòng nhưng ngoài nhà thờ họ còn có đình chùa tồn tại song song với nhà thờ Công giáo.
Đình Yên Trì được xây dựng năm Ất Mùi (1655), chùa xây ở đượng Chùa. Người Yên Trì theo Công giáo nhưng trong nhà họ lại có 2 bàn thờ. Một bàn thờ Chúa và một bàn thờ gia tiên như những gia đình không có đạo. Thêm nữa, Yên Trì vẫn giữ tập tục cải táng cho người quá cố chứ không chôn một lần như người Công giáo.
Đến thời nhà Nguyễn, từ tên làng, Yên Trì đã trở thành là tên xã thuộc tổng Hà Bắc. Năm 1865, vua Tự Đức đã tặng xã 4 chữ “Nghĩa dân khả kháng”. 10 năm sau lại tặng biểu “Nghĩa dân”. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Yên Trì là nơi hội họp của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Nhà máy kẽm Quảng Yên và cả vùng Quảng Yên ngày nay. Trong suốt những năm tháng đó, nhân dân Yên Trì đã nuôi dưỡng che chở nhiều đảng viên, cán bộ cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Yên Trì đổi tên thành xã Hiệp Hòa như ngày nay.
Thơ ca dân gian ở Hiệp Hòa khá phong phú, chủ yếu được sưu tập qua lời kể của cụ Lý Bầm. Cụ Lý Bầm là giáo dân đi khắp nơi sưu tầm và đặt lời cho nhiều bài ca hay. Khi trở về nhà cụ lại đọc cho con gái nghe để giáo dục truyền thống tình yêu quê hương đất nước. Cụ đọc theo trí nhớ chứ không hề biết chữ. Mỗi lần cụ Lý Bầm đọc có một ông hàng xóm hay chữ sang nghe và ghi lại được.
Năm 1967, cụ Lý Bầm mất, ông hàng xóm tốt bụng đã tặng lại gia đình toàn bộ những ghi chép này. Năm 1993, khi đi làm địa chí Quảng Ninh, Ban biên soạn địa chí đã sưu tầm được những bài ca này gồm ca dao, thơ ca dân gian, hò vè. Đó là những di sản văn hóa quý báu, đặc sắc ở làng Yên Trì xưa rất cần được gìn giữ, phát huy giá trị.
Huỳnh Đăng
- 'Đánh thức' di sản bằng công nghệ
- Đồng ý xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô
- Sắp diễn ra Triển lãm 'Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống'
- 'Nghệ thuật Xòe Thái' được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại
- UNESCO sẽ xem xét hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể
Liên kết website
Ý kiến ()