Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:50 (GMT +7)
Xây dựng hình ảnh đẹp người CAND
Thứ 3, 20/07/2021 | 06:59:09 [GMT +7] A A
59 năm qua, cùng với lực lượng Cảnh sát nhân dân cả nước, Cảnh sát nhân dân (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã mưu trí, dũng cảm, phá nhiều vụ án, "chặt đứt" các đường dây, đập tan các ổ nhóm tội phạm, từ đó "làm sạch” địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Câu chuyện phá án
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có cuộc gặp, trò chuyện với đại úy Đỗ Đình Thanh, điều tra viên Đội Hướng dẫn, điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là phòng Cảnh sát kinh tế), Công an tỉnh, bởi công việc của điều tra viên thường xuyên bận rộn.
Đại úy Đỗ Đình Thanh cho biết: 8 năm về công tác tại đơn vị, trực tiếp thụ lý và tham gia điều tra khoảng 100 vụ án, nhưng vụ án gian lận hơn 2 tỷ đồng tại BHXH huyện Cô Tô vào năm 2020 khiến anh nhớ mãi. Bởi chuyên án này được điều tra vào tháng 4/2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước thực hiện cách ly xã hội. Vụ án có số lượng tới 22 bị can, hầu hết ở tỉnh ngoài; việc di chuyển, tiếp xúc để thu thập chứng cứ trong thời điểm dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Hành vi phạm tội của kẻ chủ mưu có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao. Việc chứng minh hoạt động phạm tội của các đối tượng vô cùng khó khăn.
Đầu tháng 11/2019, qua công tác nắm tình hình và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện tình trạng lập hồ sơ BHXH giả để chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH 1 lần, điều tra viên Đỗ Đình Thanh đã báo cáo lãnh đạo đơn vị làm rõ dấu hiệu nghi vấn. Sau khi thu thập đủ căn cứ, cơ quan công an đã xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng làm giả hồ sơ để gian lận tiền BHXH huyện Cô Tô.
Qua kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ, Ban chuyên án xác định, từ tháng 3/2017 đến tháng 10/2019, Vũ Minh Tiến (SN 1984, trú tổ 11, khu 5, phường Hà Tu, TP Hạ Long), nhân viên bộ phận quản lý sổ thẻ và giải quyết chế độ chính sách (BHXH huyện Cô Tô), đã lợi dụng việc thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của Giám đốc BHXH huyện Cô Tô là Dương Văn Đông (SN 1962, trú tổ 6, khu Vĩnh Tuy 2, phường Mạo Khê, TX Đông Triều) để lập hồ sơ BHXH giả nhằm chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
Tìm hiểu về quá trình phạm tội của Tiến cho thấy, vốn là kỹ sư CNTT, trước khi điều động ra Cô Tô, Tiến làm việc tại BHXH tỉnh. Tại Cô Tô, Tiến được giao kiêm nhiệm vừa cấp sổ BHXH, vừa là người chốt sổ. Tuy nhiên, với bản tính ham chơi, không tu chí làm ăn, Tiến đã vướng vào cờ bạc, nợ nần. Hơn nữa, tự nhận thấy quá trình tạo và chốt sổ BHXH quá dễ dàng, nên Tiến nảy sinh ý định và lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội sau này.
Trong 2 năm, Tiến đã mượn giấy tờ tùy thân của 20 người là anh em, họ hàng, bạn bè ở nhiều tỉnh, thành, như: Kiên Giang, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, một số địa phương trong tỉnh. Sau đó, nhờ họ đứng tên trong 20 sổ bảo hiểm rồi cùng nhau chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH 1 lần (những người đứng tên sổ là những người làm công việc tự do, chưa từng tham gia đóng BHXH tại bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nào). Với mưu đồ và trình độ CNTT của Tiến, 20 người này đều được "hô biến" thành các nhân viên tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tham gia đóng BHXH lần cuối tại BHXH huyện Cô Tô.
Theo hướng dẫn của Tiến, 20 người này đã cung cấp cho Tiến các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu bản gốc. Khi có thông tin, Tiến sử dụng user của mình và một nhân viên quản lý tiếp nhận hồ sơ và thu BHXH huyện Cô Tô để thao tác nhập dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý BHXH Việt Nam hòng tạo lập hồ sơ BHXH giả cho 20 người trên.
Thao tác, nhập dữ liệu xong, Tiến in sổ BHXH và tờ rơi (thể hiện quá trình đóng BHXH) chuyển đến Giám đốc BHXH huyện ký xác nhận hợp thức. Mỗi lần trình ký, đối tượng để lẫn sổ giả với sổ thật để tránh bị phát hiện. Thời điểm đó, theo quy định của BHXH Việt Nam, các cơ quan BHXH đang thực hiện chiến dịch trả sổ bảo hiểm cho người lao động tự quản lý. Do chủ quan, thiếu trách nhiệm, không đối chứng, kiểm tra số sổ thu vào và số sổ BHXH đã từng phát ra, nên Dương Văn Đông đã ký duyệt tất cả các sổ, trong đó có 20 sổ BHXH giả do Tiến lập.
Hoàn thiện thủ tục, Tiến trực tiếp đưa 20 sổ BHXH giả cho số người trên. Những người này sau khi nhận sổ BHXH đều biết nội dung ghi bên trong là giả mạo, không đúng sự thật, nhưng vẫn đồng ý giúp Tiến nhận tiền trợ cấp BHXH 1 lần tại cơ quan BHXH và bưu điện nơi cư trú, sau đó chuyển tiền lại cho Tiến.
Đại úy Đỗ Đình Thanh cho biết: Mặc dù chỉ 2 tháng sau khi thành lập chuyên án, chúng tôi đã xác định được hành vi phạm tội của đối tượng. Thế nhưng, để chứng minh được tội phạm, thì phải mất đến 6 tháng mới thu thập đủ chứng cứ, kết thúc vụ án, bởi tính chất phức tạp của loại tội phạm này.
Kết thúc vụ án, với sự vận động của điều tra viên, đã thu hồi được gần như hoàn toàn 2 tỷ đồng mà đối tượng đã chiếm đoạt để khắc phục hậu quả.
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình điều tra vụ án này, đại úy Thanh chia sẻ: Cái khó nhất ở đây chính là hoạt động phạm tội diễn ra trên hệ thống quản lý BHXH Việt Nam, do đó phải hiểu được quy trình vận hành của hệ thống này mới tìm được phương thức, cách thức thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng. Để tìm hiểu, lực lượng đã phải đi Hà Nội, Cô Tô, và khi thấy quá trình tạo lập sổ BHXH quá đơn giản, đã xác định được, đây chính là dấu vết vô cùng quan trọng để phá vụ án. Việc thu thập chữ ký của 20 đồng phạm với Tiến cũng không hề dễ dàng. Đơn vị phải về tận BHXH hoặc bưu điện, nơi chi trả BHXH 1 lần cho những người này để thu thập được chữ ký gốc, đối chiếu với chữ ký trong các cuốn sổ BHXH mà Tiến cho những người này ký trước đó để thực hiện công tác giám định, từ đó xác định các đối tượng này đã thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Việc này lúc đầu không nhận được sự hợp tác của một số nơi, cho đến khi phải có sự can thiệp của BHXH Quảng Ninh.
Đây là một trong những vụ án điển hình, ghi dấu ấn của Công an tỉnh, bởi là vụ phá án thành công đầu tiên trong cả nước liên quan đến gian lận BHXH, một loại tội mới theo Điều 214 Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ năm 2018.
Tất cả "vì nhân dân phục vụ"
Mỗi chuyên án thành công đều ghi dấu ấn khó quên đối với CBCS làm công tác điều tra. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, từ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, họ phải thực hiện công tác cảnh báo, phòng ngừa.
Đối với vụ án gian lận BHXH tại Cô Tô, quá trình điều tra đã phát hiện được "lỗ hổng" trong công tác bảo mật hệ thống phần mềm quản lý của BHXH Việt Nam. Với sự tham mưu của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã ban hành kiến nghị phòng ngừa gửi BHXH tỉnh, BHXH huyện Cô Tô để chủ động các biện pháp phòng ngừa sai phạm, nhất là với hành vi gian lận BHXH và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác giải quyết chế độ hưởng trợ cấp BHXH 1 lần.
Không chỉ Cảnh sát kinh tế, suốt 59 năm kể từ ngày thành lập đến nay, các lực lượng cảnh sát Công an tỉnh đã lập nhiều chiến công trên mặt trận phòng, chống tội phạm; biết bao đối tượng cộm cán, tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia đã bị phát hiện, bắt giữ, khiến các đối tượng khác phải dè chừng. Nhiều chuyên án được khám phá thành công đã tạo tiếng vang lớn, được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đánh giá cao, đem lại sự yên tâm, tin tưởng đối với quần chúng nhân dân.
6 tháng đầu năm 2021, các lực lượng cảnh sát Công an tỉnh đã điều tra, khám phá án hình sự đạt cao; trong đó, tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 87,5% (làm rõ 252/288 vụ, 590 đối tượng gây án), khám phá trọng án đạt 95,8% (làm rõ 23/24 vụ, 34 đối tượng gây án). Các lực lượng đã truy quét, xử lý nghiêm đối với tệ nạn cờ bạc, mại dâm, lập hồ sơ chuyển tòa án ra quyết định đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng.
Công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, kinh tế, tham nhũng, chức vụ, buôn lậu, gian lận thương mại; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên an toàn thực phẩm, điều tra, xử lý tội phạm, truy nã, truy tìm cũng đạt được hiệu quả cao. Công tác PCCC và CNCH; công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hình ảnh người CBCS công an dũng cảm, mưu trí đấu tranh với tội phạm; không ngại hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong thiên tai, hỏa hoạn; "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" trong phòng, chống dịch Covid-19; thăm hỏi, tặng quà nhân dân gặp khó khăn, giúp đỡ nhân dân xây dựng cuộc sống mới..; rất nhiều CBCS đã lặng lẽ gác lại cuộc sống riêng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo bình yên địa bàn, đã thực sự tạo nên hình ảnh đẹp về người CAND. Biết bao CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã bị chấn thương, phơi nhiễm HIV..., nhưng các anh quyết không rời vị trí hay từ chối đảm nhận nhiệm vụ, bởi ai cũng hiểu được trọng trách khi khoác trên mình sắc phục CAND, tất cả "vì nhân dân phục vụ".
Khánh Nam
Liên kết website
Ý kiến ()