Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:24 (GMT +7)
Những bông hoa trong ngành Than
Chủ nhật, 16/10/2016 | 10:54:13 [GMT +7] A A
Làm việc trong một ngành mà “thế mạnh không thuộc về phụ nữ”, công việc vất vả, quanh năm gắn mình với hòn than nhưng họ đều có chung sự tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, có nhiều sáng kiến, đem lại hiệu quả cao trong công việc. Đó là 3 nữ công nhân tiêu biểu của ngành Than, các chị là những bông hoa đẹp nhất, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của ngành.
Nữ công nhân lao động Công ty CP Than Cọc 6 với dây chuyền than tận thu. Ảnh: Võ Cường (Công ty CP Than Cọc 6) |
* Người phụ nữ tâm huyết với nghề
Chị Nguyễn Thị Phượng |
Chị Nguyễn Thị Phượng, Tổ trưởng sản xuất Tổ Tiêu thụ kíp 1, Phân xưởng Giám định, Công ty Tuyển than Cửa Ông. Chị Phượng sinh năm 1962, là gương mặt xuất sắc, đại diện nữ công nhân tiêu biểu của ngành Than.
Không sinh ra ở Quảng Ninh, năm 1970, chị theo gia đình từ Hải Dương ra Vùng mỏ sinh sống. Năm 18 tuổi chị bắt đầu làm việc ở Tuyển than Cửa Ông. Trong 36 năm gắn bó với Tuyển than Cửa Ông thì chị có tới 27 năm làm công việc giám định than. Chị Phượng tâm sự, công việc lấy mẫu phân tích giám định than là công việc thầm lặng, đơn điệu hàng ngày, đòi hỏi sự cần mẫn, chính xác và tình yêu nghề. Mặc dù đã là thợ bậc 6/7 nhưng chị vẫn luôn học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lao động sáng tạo. Chị và các đồng nghiệp đã có nhiều sáng kiến được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất với mong muốn làm sao để ngày càng cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cải tiến công nghệ, hợp lý hóa sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong công việc bản thân chị không ngại khó, ngại khổ đảm nhận những nội dung công việc phức tạp nhất. Với kiến thức được trang bị và bằng kinh nghiệm thực tế, chị đã tham mưu cho phân xưởng xây dựng phương án bốc rót tàu hợp lý, đảm bảo tiến độ, chất lượng cho khách hàng, giải phóng nhanh được hàng nghìn con tàu tiêu thụ than xuất khẩu và nội địa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho Công ty...
Không chỉ là Tổ trưởng sản xuất gương mẫu, năm 2007, chị Nguyễn Thị Phượng còn được tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Nữ công Phân xưởng Giám định. Chị tích cực động viên chị em tham gia công trình việc khó tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập. Ngoài công việc, chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi gần gũi tìm hiểu đời sống chị em để động viên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Trong nhiều năm qua với thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, chị được nhận nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều phần thưởng khác.
Năm 2015 vừa qua cũng là một năm để lại nhiều dấu ấn đối với chị. Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2015, chị vinh dự là nữ công nhân duy nhất của ngành Than được tham dự Đại hội. Ngoài ra chị còn được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước của Hội LHPN Việt Nam, của Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
* 28 năm gắn bó với lòng moong
Chị Trần Thị Tuyến |
48 tuổi, 30 năm công tác tại Công ty CP Than Cọc 6 thì có đến 29 năm gắn bó với công việc dưới lòng moong, người mà tôi muốn nói đến ở đây đó là chị Trần Thị Tuyến, công nhân vận hành hệ thống bơm nước tại công trường xúc Tả Ngạn, Công ty CP Than Cọc 6. Trong những năm công tác chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chị có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào công việc mang lại hiệu quả cao.
Theo chân chị lên công trường xúc Tả Ngạn, Công ty CP Than Cọc 6 vào một buổi chiều cuối thu. Mặc dù, cũng đã vài lần đi cùng các đoàn khảo sát du lịch lên khai trường mỏ ngắm cảnh đẹp moong than nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp chứng kiến công việc của những người công nhân, trong đó có chị làm việc dưới moong sâu gần 200m so với mực nước biển. Đến đây, tôi mới thực sự thấu hiểu sự vất vả của những người thợ mỏ, nhất là lao động nữ làm công việc vận hành hệ thống bơm nước dưới lòng moong. Tôi nghĩ, chị cũng như những đồng nghiệp của chị, chắc phải yêu nghề lắm mới gắn bó được với công việc này.
Chị Tuyến chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Vân Đồn, năm 18 tuổi (sinh năm 1968), tôi bắt đầu xin vào làm việc tại Công ty CP Than Cọc 6 sau khi tốt nghiệp nghề cơ điện lộ thiên tại một trường đào tạo nghề mỏ. Ngày mới đầu nhận công việc, tôi làm trong tổ thông tin truyền thanh của mỏ được một năm, đến cuối năm 1988, tôi bắt đầu nhận công việc vận hành hệ thống bơm nước dưới lòng moong và gắn bó đến tận bây giờ”. Đúng như tôi nghĩ, chị nói làm công việc này mà không có sự yêu nghề thì thực sự không thể trụ lâu được. Bởi công việc hàng ngày của chị là ở dưới lòng moong, trực tiếp vận hành hệ thống bơm nước để khai thác than. Trong điều kiện khai thác than ngày càng xuống sâu, đến mức 200m so với mực nước biển, đòi hỏi nhiệm vụ bơm nước moong phải thực hiện hoàn thành hiệu quả đúng thời điểm, thời gian quy định mới kịp thời khai thác than. Ngày làm việc 8 tiếng trong điều kiện tiếng ồn của các thiết bị, máy móc, môi trường độc hại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của người lao động. Đó là chưa kể đến thời tiết xấu, diễn biến phức tạp, có thời điểm mưa nhiều, nước chảy từ trên tầng cao xối xả xuống lòng moong, công việc của tổ bơm nước lại nặng nề hơn. Rồi có lần hệ thống bơm bị trục trặc, đường ống thủng, nước chảy toé tung, quần áo chị ướt mèm; có lúc chị phải lội bùn đến cả tận đầu gối chân... Nhiều người nghĩ, công việc chỉ vận hành hệ thống bơm nước có gì vất vả lắm đâu nhưng khi xuống lòng moong, chỉ cần nghe tiếng ồn thôi, chắc chắn mọi người sẽ phải nghĩ lại.
29 năm gắn bó với nghề này, chị Tuyến là người có thâm niên lâu năm nhất ở tổ vận hành hệ thống bơm nước ở Công trường xúc Tả Ngạn. Chị bảo: Mọi người cứ về được mấy năm, rồi lại chuyển công việc khác chỉ có mỗi chị là trụ được ở nơi này lâu thế thôi. Khi tôi hỏi, là nữ sao chị không chuyển công việc lên trạm bơm trên cao cho đỡ phải xuống moong, chị cười hiền bảo: Trên trạm cao chủ yếu là những thợ tay nghề còn yếu, còn những người thợ bậc cao (bậc 6/7), có kinh nghiệm như chị là phải đảm nhiệm những công việc phức tạp, vất vả hơn.
Trong suốt 30 năm công tác, lúc nào cũng hết mình với công việc, chị được các đồng nghiệp trong tổ yêu quý, lãnh đạo Công ty đánh giá cao. Chị liên tục là lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
* Cây sáng kiến kỹ thuật
Chị Phan Thị Hiền |
Đến Công ty CP Than Vàng Danh (TP Uông Bí) hỏi thăm chị Phan Thị Hiền, nhân viên Phòng Cơ điện - Vận tải ai cũng biết. Bởi Phòng Cơ điện - Vận tải của Công ty CP Than Vàng Danh có 43 người thì chỉ duy nhất có mỗi mình chị Hiền là nữ.
Chị Hiền sinh năm 1970, quê ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Sau khi học xong phổ thông chị chọn học nghề cơ điện, Trường Trung cấp Mỏ Mạo Khê (nay là Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh). Năm 1993, tốt nghiệp nghề cơ điện, chị Hiền về công tác ở Công ty CP Than Vàng Danh và làm việc tại Phân xưởng điện. Năm 2003, chị tiếp tục học hệ đại học tại Trường Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội.
Sau hơn 10 năm làm việc tại Phân xưởng điện, đến năm 2005, chị chính thức chuyển về Phòng Cơ điện - Vận tải và gắn bó công việc từ đó cho đến nay. Chị Hiền chia sẻ, là nữ lại làm việc liên quan đến kỹ thuật điện mỏ nên công việc cũng tương đối vất vả. Có những lúc đi khảo sát ở hiện trường để lập biện pháp thi công hay xử lý sự cố, chị cũng gặp không ít khó khăn như các vị trí lắp đặt trên cao cột điện, mái nhà... Những lúc như thế, chị đành nhờ đến anh em đồng nghiệp hỗ trợ.
Trong công việc được giao, chị luôn tâm niệm “dễ không coi thường, khó không nản lòng”, chị luôn cố gắng hoàn thành với kết quả tốt nhất. Bản thân chị luôn tìm tòi học hỏi, nghiên cứu để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất giúp đơn vị làm tốt công tác lắp đặt, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị nhằm tăng tuổi thọ của thiết bị giảm mức thấp nhất các sự cố liên quan tới công tác điện.
Trong những năm gần đây, năm nào chị Hiền cũng có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất được hội đồng sáng kiến của Công ty xét duyệt và được áp dụng vào trong sản xuất đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu năm 2014, chị có 2 sáng kiến đã được Công ty công nhận: “Đề xuất Giám đốc cho lắp đặt hệ thống bơm nước cứu hoả LT 12-50 dùng chung cho nhà gửi xe máy Vàng Danh, nhà ăn ATC, Nhà ăn số 6, lò mì” và sáng kiến lắp đặt ống thoát hơi cho lò nướng bánh mì tại Phân xưởng Đời sống đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. Mỗi sáng kiến của chị đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng.
Khi nói về chị Phan Thị Hiền, chị Phạm Thị Ánh Tuyết, Trưởng Ban Nữ công, Công ty CP Than Vàng Danh hồ hởi nhận xét: Chị Hiền là một người có trách nhiệm với công việc, là một nhân viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi về quản lý kỹ thuật điện. Điều đáng nói, trong công việc chị không quản ngại khó khăn, bất kể khi nào, ngoài giờ làm việc, những lúc đơn vị sản xuất mà chị Hiền quản lý gặp sự cố là chị sẵn sàng đến ngay hiện trường để kịp thời giải quyết công việc một cách nhanh gọn. Hàng năm, chị luôn nỗ lực có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả cho Công ty. Đặc biệt những năm vừa qua, chị liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Tập đoàn, chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương và được tặng bằng khen của Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Năm 2015 chị vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thu Nguyên
Liên kết website
Ý kiến ()