Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:57 (GMT +7)
Những công trình kết nối niềm vui thôn, bản
Thứ 3, 03/09/2024 | 06:00:04 [GMT +7] A A
Những năm qua tỉnh huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình MTQG để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn, miền núi. Những công trình này đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho những vùng quê trước đây nghèo khó trở nên no ấm hơn.
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, người dân huyện Ba Chẽ thêm vui mừng khi Dự án cầu nối tỉnh lộ 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ kết hợp kè chống sạt lở tuyến đường trục chính và khu dân cư thị trấn Ba Chẽ cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Dự án gồm 1 cầu dài 182,3m, rộng 16,5m bắc qua sông Ba Chẽ, đường dẫn dài 428,07m, 2 làn xe; 5 đoạn kè chống sạt lở, tổng chiều dài 1,8 km; hệ thống vỉa hè, thoát nước đồng bộ; tổng vốn đầu tư gần 249 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư.
Trước kia mỗi khi vào mùa mưa lũ, hộ ông Lê Xuân Mùi (khu 1, thị trấn Ba Chẽ) cùng hàng chục hộ dân khác ở khu vực hai bên bờ sông phải sống trong cảnh lo lắng, bất an vì nước lũ dâng cao từ thượng nguồn đổ về... “Công trình hoàn thành không chỉ bảo đảm an toàn, mà còn mở ra cơ hội đối với người dân thị trấn cũng như các xã vùng cao của huyện khi giao thông kết nối thuận tiện, người dân yên tâm trồng rừng, giao thương hàng hóa...”, ông Mùi chia sẻ.
Hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, miền núi luôn được tỉnh và các địa phương ưu tiên đầu tư, nhằm kết nối vùng động lực với vùng khó khăn trong tỉnh. Nổi bật là các công trình, dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) giai đoạn 2 từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 333; Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 345… Các đoàn thể, đơn vị, địa phương còn chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, những năm gần đây nhiều công trình nước sạch tập trung ở các vùng khó khăn của tỉnh được đầu tư, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân. Trước kia người dân xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên) phải lấy nước từ các khe, suối trên rừng qua các đường ống, máng, vất vả, tốn kém chi phí, nhưng không đảm bảo vệ sinh; mùa hanh khô còn không có nước. Kể từ khi công trình đập dâng nước tại thôn Khe San (xã Phong Dụ) và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt tại xã được đầu tư (trên 30 tỷ đồng) đưa vào hoạt động, nỗi lo thường trực về nước sạch sinh hoạt của gần 1.000 hộ dân/4.500 nhân khẩu nơi đây đã được giải quyết.
Toàn tỉnh hiện có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 99,9% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên 70%. Quảng Ninh đang triển khai xây dựng Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đang thực hiện các bước thẩm định để phê duyệt.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho y tế, giáo dục vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS. Qua đó từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống của người dân, góp phần kéo giảm khoảng cách giữa các vùng, miền. Thực hiện Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025, năm 2023 các địa phương đã sửa chữa, bổ sung 166 hạng mục công trình, trường học, tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi,kinh phí trên 48 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 99/NQ-HĐND (ngày 31/5/2023) của HĐND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện có 1 trường học công lập theo tiêu chí cơ sở vật chất đạt chất lượng cao ở mỗi cấp học phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí cơ sở vật chất đạt chất lượng cao; có 22 trường (6 trường tiểu học, 8 trường THCS, 8 trường THPT) được đầu tư xây dựng theo tiêu chí chất lượng cao. Đến nay tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 4 trường THPT, trong đó có 2 trường ở vùng đồng bào DTTS, miền núi là Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu) và Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long).
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025”; Đề án "Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn", nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng. Ngành Y tế tỉnh đã triển khai các giải pháp củng cố, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho y tế dự phòng, khám chữa bệnh và cấp cứu. Giai đoạn 2021-2023, các địa phương đã đầu tư 240 tỷ đồng sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho y tế cơ sở, trong đó đặc biệt ưu tiên ở các vùng miền núi. 177 trạm y tế tuyến xã và 16 đơn vị y tế cấp huyện cơ bản đạt chuẩn.
Đến nay, bộ mặt vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai, nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của trung ương, thu nhập bình quân năm 2023 khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/người; trong đó các xã vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo đạt 73 triệu đồng/người.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()