Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 17:16 (GMT +7)
Những dấu ấn của “thành phố than"
Thứ 5, 01/08/2024 | 13:43:46 [GMT +7] A A
Cẩm Phả là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, ngày càng cho thấy là một miền đất hội tụ văn hóa thợ mỏ và tích cực lan tỏa tình người vùng than. Phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, TP Cẩm Phả đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh là hết sức cần thiết.
Bảo tồn phát huy giá trị di tích
Trên địa bàn thành phố hiện có 25 di tích; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh, 16 di tích đã được kiểm kê phân loại. Các lễ hội truyền thống của địa phương, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích luôn được thành phố quan tâm đặc biệt. Sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2017, thành phố đã triển khai Dự án quy hoạch chi tiết đối với Đền Cửa Ông, kinh phí trên 300 tỷ đồng; tu bổ đền Cả, trên 15 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Thành phố tu bổ Cụm di tích Đình nghè Cẩm Hải, trên 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; phối hợp với các đơn vị ngành Than quản lý Di tích địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai; các di tích khác được quan tâm tu bổ, bảo quản, sửa chữa thường xuyên.
Bên cạnh công tác tu bổ, công tác quản lý di tích được thành phố quan tâm, kiện toàn. Thành phố kiện toàn, thành lập BQL Di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên. Các di tích khác đều thành lập ban quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cơ bản phát huy giá trị di tích.
Năm 2021 thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Qua đó nhằm cung cấp hệ thống thông tin về trữ lượng tài nguyên văn hóa phục vụ công tác quản lý di tích trên địa bàn; xây dựng kế hoạch dài hạn để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng, tạo ra động lực phát triển đô thị và du lịch dịch vụ; xây dựng thành phố phát triển xanh, bền vững.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, thành phố luôn quan tâm công tác bảo tồn đối với loại hình lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội đình Cẩm Hải. Trong đó Lễ hội Đền Cửa Ông đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Các di sản văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, các nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, như: Hát soọng cô của người Sán Dìu, hát chèo cổ, rao tổ tôm điếm, têm trầu cánh phượng, các bài thuốc quý... Qua kiểm kê ghi nhận, trên địa bàn thành phố có trên 40 di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập 5 CLB để truyền dạy cho các thế hệ trẻ; phường Quang Hanh thành lập 2 CLB hát soọng cô với 8 hội viên; xã Dương Huy có 15 người biết hát soọng cô; phường Cẩm Bình, phường Cẩm Trung thành lập các CLB đàn hát dân ca, tổng số 114 hội viên.
Phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”
Chú trọng phát triển văn hóa đặc trưng trong từng lĩnh vực trên cơ sở cụ thể hóa hệ giá trị địa phương, con người Quảng Ninh; trong đó thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, Bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân Cẩm Phả” với các chuẩn mực ứng xử văn minh, lịch sự “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).
Tham gia giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Cẩm Phả là “Đoàn kết - Bất khuất - Kiên cường - Kỷ luật và đồng tâm”; xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả “Đức độ - Tài năng - Khỏe đẹp - Nghĩa tình”. Qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, góp phần xây dựng Cẩm Phả “Giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, trở thành nơi đáng sống, là thành phố thanh bình, nhân văn, hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan, qua hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để đông đảo nhân dân biết đến và thực hiện. Năm 2023 thành phố có tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 97,32%; 173/174 khu phố, thôn đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”; 3/3 xã đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”; 13/13 phường đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Thành phố tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư thật sự trong sạch, lành mạnh, tiến bộ, từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, bảo đảm người dân trong cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo.
Thành phố tăng cường lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, thông tin, chủ động đấu tranh phòng chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, gây mâu thuẫn hoài ghi. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng xã hội, phát triển văn hóa số gắn với xây dựng công dân số, kinh tế số và xã hội số.
Thành phố tổ chức tập huấn bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa đặc sắc của Cẩm Phả, những tiềm năng nổi trội, những thành tựu của nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các nền tảng số có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng; nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()