Giới chuyên gia cho rằng có nhiều câu hỏi chưa có lời giải trong vụ máy bay Jeju Air lao khỏi đường băng khiến 179 người chết.
Video của đàiMBCcông bố hôm 29/12 cho thấy máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air không thả càng đáp mà hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay Muan và bốc cháy dữ dội, khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng.
Theo quy định của ngành hàng không toàn cầu, giới chức Hàn Quốc sẽ dẫn đầu cuộc điều tra dân sự về tai nạn. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cũng sẽ tham gia, do máy bay được thiết kế và chế tạo tại nước này.
Các chuyên gia nói rằng tai nạn hàng không thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố xảy ra cùng lúc, khiến các nhà điều tra có thể mất nhiều tháng để ghép nối chuỗi sự việc. Tuy nhiên, họ cũng đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh những thông tin đã được công bố sau khi tai nạn xảy ra.
Ju Jong-wan, giám đốc chính sách hàng không tại Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, cho biết đài kiểm soát không lưu tại sân bay Muan cho phép chuyến bay của Jeju Air hạ cánh xuống đầu đường băng 19 và phát cảnh báo nguy cơ va chạm với chim lúc 8h54.
Cảnh báo này thường được đưa ra khi nhân viên sân bay phát hiện đàn chim lớn hoặc các loài chim kích thước lớn xuất hiện trong khu vực.
Một số nhân chứng cũng cho biết đã nhìn thấy máy bay đâm phải chim, khiến động cơ bên phải "khạc ra lửa". Phi cơ hủy hạ cánh và tăng ga nhưng không thể lấy độ cao, phải lượn vòng ở độ cao nhỏ và tìm cách tiếp đất bằng bụng ở đầu đường băng đối diện trước khi xảy ra tai nạn.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằngva chạm với chim không thể gây hư hại đến mức máy bay không thả được càng đáp. "Đâm phải chim không phải điều bất thường. Càng đáp gặp vấn đề cũng không phải chuyện lạ. Máy bay thường xuyên va chạm với chim, nhưng chúng không phải nguyên nhân chính khiến phi cơ bị phá hủy hoàn toàn", Thomas cho biết.
Geoffrey Dell, chuyên gia an toàn hàng không Australia, nói rằng ông chưa từng chứng kiến một vụ đâm phải chim lại khiến máy bay không thể thả càng. Ông nhấn mạnh động cơ máy bay có thể bị ảnh hưởng nếu hút phải đàn chim lớn, nhưng sẽ không lập tức dừng hoạt động và giúp phi công có thời gian xử lý tình huống.
Phản ứng của lực lượng cứu hỏatại sân bay Muan cũng khiến giới chuyên gia đặt ra nhiều câu hỏi.
"Tại sao lính cứu hỏa không phun bọt chữa cháy trên đường băng? Tại sao họ không có mặt khi máy bay hạ cánh để sẵn sàng ứng cứu và tại sao lại có bức tường kiên cố ở cuối đường băng như vậy?", biên tập viên Geoffrey Thomas viết trên chuyên trang hàng không Airline News.
Trevor Jensen, chuyên gia tư vấn hàng không tại Australia, cho biết lực lượng cứu hỏa tại sân bay phải luôn sẵn sàng hành động khi có khả năng máy bay hạ cánh bằng bụng.
"Xe cứu hỏa sẽ phun bọt từ trước để giảm ma sát, hạn chế nguy cơ cháy nổ và lao đến ứng cứu trong lúc máy bay giảm tốc. Tổ lái cũng phải cố gắng đáp xuống đầu đường băng nhằm tận dụng tối đa quãng đường xả đà và giảm tốc. Tuy nhiên, việc này có vẻ đã không diễn ra", ông cho hay.
Các chuyên gia chưa hiểu lý domáy bay không giảm tốc độ sau khi tiếp đất. Phi cơ dân dụng thường có 3 hệ thống giúp hãm tốc khi hạ cánh, gồm phanh gió và cánh tà, cụm phanh đĩa ở càng đáp và hệ thống đảo chiều lực đẩy động cơ.
Video tai nạn cho thấy hệ thống đảo chiều lực đẩy động cơ đã kích hoạt, nhưng phanh gió và cánh tà không mở, trong khi phanh càng vô hiệu vì chiếc Boeing 737-800 hạ cánh bằng bụng. "Vì sao máy bay vẫn lao nhanh như vậy khi đã đến cuối đường băng?", Gregory Alegi, cựu giảng viên Học viện Không quân Italy nói.
Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay được tìm thấy lúc 11h30, khoảng hai tiếng rưỡi sau tai nạn, trong khi thiết bị ghi âm buồng lái được phát hiện và thu hồi lúc14h24.
"Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay sẽ cung cấp tất cả thông số từ toàn bộ hệ thống trên máy bay, trong khi thiết bị ghi âm có thể cho thấy những quyết định và hành động của tổ lái cho đến khi máy bay bốc cháy. Hy vọng chúng sẽ giải đáp những bí ẩn trong tai nạn bi thảm này", Thomas cho hay.
Ý kiến ()