Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:30 (GMT +7)
Những di tích liên quan đến cuộc bãi công năm 1936
Thứ 3, 12/11/2024 | 09:05:29 [GMT +7] A A
Trong lịch sử công nhân mỏ Quảng Ninh, cuộc đấu tranh rầm rộ nhất, thắng lợi to lớn nhất trước Cách mạng Tháng Tám 1945 chính là cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ năm 1936. Tại Quảng Ninh hiện nay, còn nhiều di tích liên quan đến cuộc đấu tranh của công nhân mỏ trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Những di tích liên quan đến ngành Than có nhiều nhất ở TP Cẩm Phả và TP Hạ Long. Tại TP Hạ Long, đầu tiên phải kể đến Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (viết tắt là SFCT) là nơi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Trụ sở SFCT nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tọa lạc tại số 95A, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP Hạ Long. Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 7/6/2021. Cách đó không xa là di tích cây quéo bến phà nơi tra tấn các đồng chí cộng sản tại khu mỏ Hồng Gai như đồng chí Nguyễn Thị Lưu (tức chị Cả Khương) hoạt động tại nhà sàng Hồng Gai. Di tích đã được đưa vào danh mục di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh (Quyết định số 789/QĐ-UBND, ngày 26/3/2015 của UBND tỉnh).
Bằng nhiều nguồn lực, thời gian qua, các di tích về phong trào đấu tranh của công nhân mỏ trên địa bàn TP Hạ Long đều được quan tâm tôn tạo, gìn giữ và phát huy. Nhiều di tích khác như: Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh, di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ gắn với sự kiện công nhân Đào Văn Tuất, lái xe lửa Nhà sàng Ba Đèo, cắm cờ trên núi vào rạng sáng ngày 1/5/1930 cũng được quan tâm tôn tạo.
Tại Cẩm Phả, có di tích núi Trọc gắn với cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ năm 1936. Từ giữa năm 1936, phong trào đấu tranh cách mạng trong toàn quốc đã phát triển rất mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào công nhân mỏ. Việc tăng cường bóc lột của chủ mỏ, công nhân bị hạ lương, bị đánh đập, đời sống điêu đứng đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh bùng nổ... Ngày 12/11/1936, truyền đơn kêu gọi nghỉ việc chuẩn bị đấu tranh bao trùm khu mỏ. Sáng sớm ngày hôm sau, nhiều truyền đơn, áp phích kêu gọi đấu tranh lại tiếp tục xuất hiện ở các ngã tư, lối lên tầng lò... Chỉ trong vòng hai giờ, cuộc bãi công đã lan rộng khắp nơi và địa điểm tập trung đông nhất của những người bãi công là ở khu vực núi Trọc (nay là ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai). Ngay lập tức, chủ mỏ cùng bọn cai ký bàn cách chống phá cuộc bãi công. Đến 14 giờ ngày 14/11/1936, bộ phận còn lại của công nhân Cẩm Phả cũng đã bãi công và số người tham gia lên tới hơn một vạn người. Cuộc bãi công kéo dài đến ngày thứ tám thì bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ, chấp nhận mọi yêu sách của công nhân...
Tin cuộc bãi công của công nhân Cẩm Phả thắng lợi đã khích lệ công nhân các nơi khác như Hồng Gai, Đông Triều... cũng tiến hành bãi công và tạo thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, với hơn ba vạn thợ mỏ và người lao động ở Vùng mỏ tham gia. Ghi nhận sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của công nhân mỏ này, năm 1996, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu Cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bên cạnh núi Trọc còn có Di tích Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả vốn là nơi ở và làm việc của viên quan đại lý người Pháp Vavasseur có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả. Di tích này được Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện dự án bảo tồn từ năm 2019, lưu giữ hàng trăm tranh, ảnh, hiện vật về lịch sử phát triển của vùng than. Khu vực bảo tồn có diện tích khoảng 4.800m², bao gồm: Nhà Thị ủy cũ, nhà Bệnh viện Cẩm Phả cũ, hầm số 1, hầm số 2, sân tập trung, lầu vọng cảnh và hệ thống sân vườn, cây cổ thụ.
Tại Đông Triều, còn có cụm di tích mỏ Mạo Khê gồm di tích thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, chùa Non Đông và Nhà máy cơ khí đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay, phần lớn các di tích gắn với phong trào đấu tranh công nhân mỏ trước Cách mạng Tháng Tám đã được xếp hạng, trong đó có những di tích được xếp hạng di tích quốc gia, qua đó góp phần nâng cao công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Những di tích về phong trào đấu tranh của công nhân mỏ trước Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn tỉnh, không chỉ là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử khu mỏ mà còn là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển ngành du lịch.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()