Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 11:20 (GMT +7)
Những điểm mới về hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Thứ 6, 09/07/2021 | 14:59:28 [GMT +7] A A
Ngoại giao Việt Nam là một động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định của đất nước. Chính sách đối ngoại (CSĐN) đã góp phần quan trọng nâng tầm vị thế, uy tín quốc tế, cơ đồ, tiềm lực của đất nước ta cao hơn rất nhiều so với trước đây. Những quan điểm chỉ đạo mới của Đại hội Đảng XIII về CSĐN và quan hệ quốc tế (QHQT) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện với khu vực và thế giới, đưa con thuyền Việt Nam vững vàng đi ra biển lớn.
Đại hội Đảng XIII đã khẳng định những thành tựu nổi bật và một số điểm mới trên lĩnh vực ngoại giao của nước ta trong nhiệm kỳ vừa qua. Đó là quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, Đại hội XIII cũng chỉ ra những hạn chế của công tác đối ngoại, như: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi; chưa khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác đối ngoại chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại. Trong bối cảnh đó, đất nước đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết, có những quyết định đúng đắn, mạnh mẽ để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững.
Để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vươn xa hơn nữa, hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới, nâng cao hơn nữa uy tín quốc tế của Việt Nam, đường lối và chính sách đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Đối ngoại Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là điểm nhấn năm 2020, được đánh giá là thực sự “vươn tầm và tỏa sáng!”
Đại hội Đảng XIII xác định triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng với rất nhiều điểm mới.
Về mục tiêu đối ngoại, Đại hội Đảng XII xác định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi…”. Đại hội Đảng XIII có cách nhìn nhận và xác định rõ hơn: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
Như vậy, tại Đại hội XIII khẳng định rõ hơn lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được quan tâm và xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Lợi ích quốc gia dân tộc bao gồm nhiều yếu tố lợi ích: Chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng tăng. Chính vì vậy, Đảng ta cũng khẳng định trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, việc đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích dân tộc chân chính, không phải là lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi. Đảm bảo cao nhất lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Xác định rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại, Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Đây là lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng xác định cụ thể và sâu sắc vị trí, vai trò của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Điều đó làm sáng rõ hơn nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đối ngoại để phục vụ đối nội.
Việt Nam đang trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của các nước lớn. Ngay cả trong khó khăn của đại dịch Covid-19, đối ngoại vẫn điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với các hình thức ngoại giao trực tuyến, đồng thời Việt Nam đã đẩy mạnh ngoại giao y tế và hợp tác quốc tế phòng chống dịch, qua đó nâng cao hình ảnh một Việt Nam có khả năng thích ứng, chống chịu cao với các thách thức bên ngoài và là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định.
Đại hội XIII cũng xác định chủ trương mới trong xây dựng nền ngoại giao, đội ngũ cán bộ ngoại giao, thông qua khẳng định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Như vậy, cùng với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, tiến tới hiện đại, Đại hội Đảng XIII cũng đặt ra nhiệm vụ có tính chiến lược đó là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Đây là bước tiến mới có tính đột phá đối với hoạt động đối ngoại.
Tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam dựa trên cả ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Về lĩnh vực, đó là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Triển khai đối ngoại không còn chỉ là giữa nhà nước - nhà nước, mà còn là địa phương, doanh nghiệp, người dân. Do đó, địa phương, doanh nghiệp, người dân vừa là chủ thể triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, vừa là đối tượng, mục đích để công tác đối ngoại hướng tới.
Đại hội Đảng XIII đã đưa ra định hướng lớn đó là, đối ngoại tiếp tục kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà đối ngoại cần phải tiếp tục làm tốt để góp phần giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển đất nước.
Để chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Văn kiện Đại hội Đảng XII chủ trương: Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đại hội Đảng XIII đã cụ thể hóa hơn, xác định những định hướng và nhiệm vụ sâu rộng hơn về hội nhập quốc tế: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập dân tộc, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”. Như vậy, Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các đặc điểm của môi trường quốc tế cũng như các hệ thống công cụ, quyền lực được sử dụng để chi phối, kiểm soát và vận dụng linh hoạt trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh: “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”.
Thực hiện những quan điểm chỉ đạo về đối ngoại của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, thu hút thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Hội nhập chính trị, an ninh, quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu. Hội nhập văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo cũng đạt được những bước tiến quan trọng. Việt Nam ngày càng nâng tầm hiệu quả và vai trò của đối ngoại đa phương, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; từng bước phát huy vai trò hòa giải, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Có thể nói, những quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về CSĐN và hội nhập quốc tế trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII là sự kế thừa, tiếp nối của các Đại hội trước, đặc biệt là Đại hội Đảng XII; đồng thời có sự bổ sung, làm rõ và sâu sắc thêm một số quan điểm chỉ đạo mới. Việc thực hiện chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng nguyên tắc các đường lối về ngoại giao và hội nhập quốc tế sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
ThS. Nguyễn Thị Hương Giang (Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()