Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:58 (GMT +7)
Những điều cần biết về liều lượng và thực phẩm bổ sung kẽm
Thứ 5, 25/04/2024 | 16:51:17 [GMT +7] A A
Bà Cynthia Sass, nhà dinh dưỡng, kiêm cố vấn dinh dưỡng cho chương trình Sức khỏe Điều hành của Đại học California tại Los Angeles (UCLA) cho biết, kẽm có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ khả năng miễn dịch của cơ thể. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng khuyến nghị chúng ta nên bổ sung kẽm từ nguồn thực phẩm trực tiếp thay vì dạng viên nén được đóng vào chai, lọ.
Liều lượng kẽm trong chế độ ăn uống
Bà Cynthia Sass chia sẻ, kẽm dễ dàng được tìm thấy trong cả thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Một số nguồn động vật hàng đầu bao gồm: hàu, thịt bò, cua, thịt lợn, ức gà, tôm, cá, sữa và trứng.
Ngoài ra, một số nguồn kẽm thực vật bao gồm: ngũ cốc, đậu lăng, đậu phộng, cơm, bông cải xanh, quả việt quất…
Theo bà Cynthia Sass, giá trị khuyến nghị hằng ngày về kẽm tùy thuộc vào từng người, bao gồm: 11mg cho nam giới từ 14 tuổi trở lên; 8mg đối với phụ nữ từ 19 tuổi trở lên và 9mg mỗi ngày đối với phụ nữ từ 14 đến 18 tuổi; 11 mg cho người đang mang thai và 12mg cho người đang cho con bú; 3mg cho trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi; 2mg cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi.
Tác hại khi bị thiếu hụt kẽm
Bà Cynthia Sass cho rằng, sự thiếu hụt kẽm có thể biểu hiện theo nhiều cách. Ví dụ, các triệu chứng có thể bao gồm các vấn đề về da và khả năng chữa lành vết thương kém.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc thiếu kẽm làm tăng tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Các gốc tự do là những chất có hại làm tăng nguy cơ lão hóa sớm và các bệnh mạn tính.
Có nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung kẽm?
Nếu nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khuyến nghị bổ sung kẽm, bạn có thể làm việc với họ để chọn dạng bổ sung và liều lượng tốt nhất cho mình. Vì kẽm có thể tương tác với một số loại thuốc, tình trạng bệnh lý và các chất bổ sung khác nên bạn có thể cần phải điều chỉnh liều lượng.
Thực phẩm bổ sung kẽm cũng tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, từ viên ngậm, viên nang cho đến dạng giọt.
Tuy nhiên, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ không khuyến nghị bạn nên bổ sung lượng kẽm cần thiết hằng ngày bằng cách dùng thực phẩm chức năng để bổ sung. Thay vào đó, hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu kẽm thông qua chế độ ăn uống từ thực phẩm tươi sống.
Ngoài ra, việc bổ sung kẽm thông qua thực phẩm có thể mở rộng lượng chất dinh dưỡng tổng thể vào cơ thể bạn. Thực phẩm tươi sống chứa kẽm sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng khác, bao gồm protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất cũng như chất chống oxy hóa bảo vệ sức khỏe.
Việc bổ sung kẽm chỉ thông qua chế độ ăn uống cũng làm giảm nguy cơ tiềm ẩn khi dùng quá nhiều kẽm ở dạng thực phẩm chức năng.
Rủi ro khi dư thừa kẽm
Bà Cynthia Sass khuyến cáo, việc sử dụng lâu dài, không kiểm soát các thực phẩm chức năng để bổ sung kẽm sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể. Trừ khi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn kê đơn bổ sung kẽm và theo dõi một tình trạng bệnh lý cụ thể.
Kẽm dư thừa trong cơ thể có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, ăn không ngon miệng, đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu và khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.
Vì vậy, hãy nhớ rằng tiêu thụ nhiều kẽm hơn không có nghĩa là tốt cho sức khỏe. Nếu nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn khuyến nghị bổ sung kẽm, hãy hỏi về liều lượng, hình thức, tần suất, thời gian sử dụng cũng như thời điểm và cách dùng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()