Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:02 (GMT +7)
Những điều thú vị về tên lửa đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng
Chủ nhật, 20/08/2023 | 09:14:38 [GMT +7] A A
Tên lửa Soyuz tham gia sứ mệnh Mặt trăng được sản xuất ở thành phố Samara, Liên bang Nga.
Nga vừa đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng sau 47 năm gián đoạn. Các nhà sản xuất Samara trực tiếp tham gia vào sứ mệnh này. Thiết bị Luna-25 được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Soyuz-2.1b, được lắp ráp tại nhà máy Progress. Tên lửa trang bị động cơ RD do một doanh nghiệp khác của Samara - UEC-Kuznetsov sản xuất.
Samara biến thành thủ đô vũ trụ
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-7 là cơ sở để chế tạo ra tên lửa Soyuz. Lần phóng thành công đầu tiên của nó diễn ra gần 66 năm trước, vào ngày 21 tháng 8 năm 1957.
Để sản xuất R-7, Nhà máy Hàng không Kuibyshev số 1 đã được lệnh thay đổi quy mô từ sản xuất máy bay sang công nghệ tên lửa. Vì mục đích này, người đứng đầu chương trình không gian của Liên Xô, Sergei Korolev, đã cử Dmitry Kozlov đến Kuibyshev (tên cũ của thành phố Samara) cùng với một nhóm kỹ sư.
Kể từ thời điểm đó, lịch sử của Cục thiết kế chuyên ngành Trung ương Progress và thành phố Samara bắt đầu trở thành “thủ đô không gian”.
Bay quanh Mặt trăng
Một trong những sửa đổi đầu tiên của tên lửa R-7 đã được thiết kế đặc biệt cho sứ mệnh Mặt trăng. Theo đó, tên lửa 8K78 Molniya được cho là sẽ được sử dụng để phóng các trạm vũ trụ liên hành tinh không chỉ tới Mặt trăng mà còn tới Sao Kim và Sao Hỏa.
Đối với chuyến bay có người lái lên Mặt trăng, tên lửa Soyuz-7K-L1 đã được chế tạo đặc biệt. Những con tàu này đã thực hiện bảy chuyến bay thử nghiệm không người lái. Một trong số chúng, có mật danh là Zond-5, mang theo hai con rùa Trung Á. Chúng là những sinh vật sống đầu tiên trong lịch sử bay quanh Mặt trăng. Điều này xảy ra ba tháng trước sứ mệnh Apollo.
Kết quả của các cuộc thử nghiệm là đã phát hiện ra các trục trặc có thể dẫn đến cái chết của phi hành đoàn. Các phi hành gia tham gia chương trình Mặt trăng cũng đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng sau khi người Mỹ đặt chân lên Mặt trăng thì điều này không còn ý nghĩa nữa.
Đưa Gagarin vào vũ trụ
Hầu như tất cả tên gọi của các tàu vũ trụ được biết đến đều là những sửa đổi và nâng cấp của R-7. Vostok, con tàu đã đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin thực hiện chuyến bay lịch sử đầu tiên vào vũ trụ, có thể được gọi là "ông nội" của thế hệ Soyuz hiện tại.
Sau Vostok, có Voskhod và các tên lửa Soyuz đã được chế tạo như một sự hiện đại hóa sâu của Voskhod.
Biểu tượng của thành phố Samara
Tên lửa Soyuz, được đặt trên Đại lộ Lê-nin ở thành phố Samara, trông bề ngoài không khác nhiều so với các tên lửa thuộc dòng này. Sự khác biệt chỉ có ở phần phía trên. Khi phóng tên lửa có người lái, người ta trang bị thêm hệ thống cứu hộ khẩn cấp, được “nhô ra” một ngọn tháp nhọn tuyệt đẹp ở trên cùng. Còn trong các chuyến bay chở hàng, sẽ không có ngọn tháp nhọn trên đỉnh tên lửa, chỉ có một tấm chắn hình bán nguyệt.
"Tượng đài" của tên lửa Soyuz ở Samara là nơi duy nhất trên thế giới mà tên lửa được lắp đặt trong một cụm hoàn chỉnh ở vị trí thẳng đứng. Còn tượng đài tương tự ở thành phố Baikonur (Kazaxtan) quả tên lửa được đặt gần như nằm ngang để không thể nhìn thấy nó từ đường sắt. Điều này là do yêu cầu của các điều kiện bí mật: "những người không phận sự" không được phép biết về sự tồn tại của thành phố cấm Leninsk (tên cũ của Baikonur) và vị trí của nó.
Ngoài ra, tên lửa Soyuz được lắp đặt ở Samara không phải là hình mẫu mô phỏng mà là một phương tiện phóng thực thụ đã được sử dụng trong một thời gian dài tại sân bay vũ trụ Plesetsk như một tên lửa dành cho huấn luyện.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()