Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:21 (GMT +7)
Những lần Bác Hồ về thăm Quảng Ninh
Thứ 2, 23/10/2023 | 11:26:36 [GMT +7] A A
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới. Bác đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm cho nhân dân Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn quan tâm đến công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Bác Hồ đã 9 lần về thăm Quảng Ninh.
(1) Lần thứ nhất
Lần đầu Bác Hồ đặt chân đến đất Quảng Ninh và vịnh Hạ Long là ngày 24/3/1946, khi chiếc thuỷ phi cơ Ca-ta-li-na của Pháp đón Bác từ Gia Lâm bay đến vịnh Hạ Long, hạ cánh lúc 10 giờ sáng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Chiếc Ca-ta-li-na đáp nhẹ nhàng xuống mặt biển. Viên Đô đốc Cao uỷ cùng với Lơ-cơ-léc đã đứng đợi trên tuần dương hạm E-min Béc-tanh.
Cuộc đón tiếp diễn ra long trọng.
Những loạt súng chào nổ vang. Chủ khách bắt tay nhau. Đác-giăng-li-ơ giới thiệu những quan khách ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác giới thiệu những người đi theo. Chiếc chiến hạm mở máy ra khơi. Một tiệc rượu được tổ chức trên tàu. Viên đô đốc nâng cốc nói:
- Cuộc hội kiến này là một cuộc hội kiến đầu tiên để thắt chặt tình thân thiện giữa nước Pháp và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tôi xin chúc mừng sức khoẻ của Chủ tịch và chúc nước Việt Nam cường thịnh.
Đác-giang-li-ơ nhấn mạnh đây là cuộc hội kiến đầu tiên. Y cố tự ý cho mình là người thay mặt nước Pháp tại Đông Dương, chứ không phải là Lơ-cơ-léc, người đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Đáp lời viên đô đốc, Bác nói thẳng thắn:
- Sở dĩ có cuộc hội kiến này cũng là vì có ngày 6/3/1946. Về phần Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã thi hành đúng bản Hiệp định sơ bộ rồi. Còn về phần nước Pháp, chúng tôi mong ngài cũng nên thành thực để đi đến thể hiện tình thân thiện giữa nước Việt Nam và nước Pháp.
Đác-giăng-li-ơ mời chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt hạm đội. Chiếc chiến hạm chạy lần lượt tới trước những con tàu có nhiều khẩu pháo lớn ghếch nòng đứng sắp thành hàng dài trên mặt biển. Sau đó, nó bắt đầu thả neo. Chủ tịch Hồ Chí Minh buông quai mũ, đứng cùng Đác-giăng-li-ơ trên boong duyệt hạm đội Pháp. Thuỷ thủ Pháp hô vang chào mừng vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Trên máy bay trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Xa-lăng:
- Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi.
(2) Lần thứ hai
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ giành thắng lợi. Từ ngày 3 đến ngày 5/10/1957, Bác Hồ về thăm khu Hồng Quảng, thăm vịnh Hạ Long. Ngày 4/10/1957, nhân dân thị xã Hồng Gai họp mít tinh mừng đón Bác, nghe Bác nói chuyện.
Bác khen các tầng lớp nhân dân vùng mỏ đoàn kết chặt chẽ, rất cố gắng khắc phục khó khăn khôi phục đời sống, khôi phục và phát triển kinh tế. Bác răn dạy cán bộ, đảng viên những điều chí lí: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi chốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần kiệm liêm chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”.
Về Quảng Ninh lần ấy, Bác đã đi thăm nhiều cảnh đẹp của vịnh Hạ Long. Chiếc ca-nô đưa Bác từ Bãi Cháy qua hang Đầu Gỗ, Bồ Nâu rồi đến Cửa Giữa. Ca-nô dừng lại ở vũng Nam Hoa, bên doi cát trắng mịn hình trăng lưỡi liềm. Bác bước xuống doi cát, dừng lại giây lát, ngắm đảo nói chung quanh. Sau đó, Bác cùng một số đồng chí trong đoàn tắm biển và tắm nắng ở doi cát.
Ngày thứ hai, Bác vào thăm hang Đầu Gỗ. Từ chân đảo đến cửa hang phải leo lên 90 bậc. Bác nhanh nhẹn đi qua 90 bậc đó. Đến cửa hang, Bác bảo những người cùng đi:
- Các chú phải là người vãn cảnh như Bác, thế mới vui! Cảnh đẹp một người không thể truyền đạt lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức.
Ngày thứ ba, ca-nô đưa Bác đến các đảo: Ẵm Em, rồi đến Hòn Đũa, Vũng Đục... Đến đảo Rều, Bác xuống tắm ở bãi cát dưới chân đảo này. Bác nghỉ trên một tấm ván đặt ngang qua con suối cạn, dưới giàn cây gia mắt mèo.
Bác tiếp tục đến thăm lạch Ông Cụ. Ở đấy, có một hòn núi đá rất giống ông cụ ngồi trầm ngâm trên mặt nước. Bác ngồi bên hòn núi đá ngắm trời nước.
Ca-nô còn đưa Bác đi theo lạch Gà Chọi, qua núi Hang Gà, ghé vào bãi Ghềnh Rú. Ở đây có hang Trống. Hang có hai cửa đối diện nhau qua một vách đá dẹt và không cao. Từ cửa hang bên này, nhìn qua hang, thấy cửa hang bên kia. Âm thanh của biển dội vào trong hang nghe thùng thùng như tiếng trống. Ca-nô dừng lại trước cửa hang Trống một lúc để Bác ngắm cảnh. Rồi tiếp tục di sâu vào trung tâm vịnh. Gần đến vũng Tàu Đắm, một lạch hẹp nằm giữa hai triền núi đá, Bác bảo neo thuyền ở đấy để đi câu cá.
Từ chỗ Bác ngồi câu cá nhìn ra là vũng biển khá rộng. Phía bắc vũng này là Hòn Rồng, phía Tây là quần đảo Long Châu. Chính trên vùng biển này, vào ngày 24/3/1946, Bác đã hội đàm với Cao uỷ Pháp Đác-giăng-li-ơ để xúc tiến việc ký một hiệp định chính thức giữa ta và Pháp mà trong Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 hai bên đã thoả thuận.
(3) Lần thứ ba
Từ ngày 29 đến ngày 31/ 3/1959, Bác Hồ về thăm và làm việc với Khu Hồng Quảng.
Ngày 29/3/1959, buổi sáng, Bác thăm Sở Chỉ huy Trung đoàn 244 tại Bãi Cháy (có tài liệu nói Bác thăm trường huấn luyện Hải quân), sau đó Bác đi thăm vùng biển bằng thuyền.
Ngày 30/3/1959, buổi sáng Bác đi thăm ngư dân, Người cùng đánh cá với ngư dân và nghỉ trưa trên đảo Hòn Rều. Buổi chiều ngày 30/3/1959, Bác đi thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (Cẩm Phả). Tại buổi nói chuyện với cán bộ, công nhân mỏ Đèo Nai, Bác nói: “Than vùng mỏ vào loại tốt nhất của thế giới. Cảnh của Vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người. Các chú phải làm than cho tốt!”. Bác cũng ân cần nhắc nhở: “Chất lượng than khai thác còn kém, than cục chưa đảm bảo đúng tỷ lệ quy định; công tác bảo hộ lao động yếu”.
Bác nói: “Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được”.
Ngày 31/3/1959, Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến quân cảng Bãi Cháy, lên tàu Hải quân, đi thăm trận địa pháo của đại đội pháo 34 trên đảo Hòn Rồng.
(4) Lần thứ tư
Từ ngày 19 đến ngày 20/2/1960. Lần này, Bác về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Hải Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Hợp tác xã nông nghiệp Soáy Nguồn, lâm trường Đoan Tĩnh, Trường Thanh niên Cờ Đỏ, Trường cấp I, II Móng Cái. Người qua cầu Hữu Nghị Bắc Luân, ngắm nhìn phố Đông Hưng và ghé thăm một trường học của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bên bờ sông biên giới.
Trong buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh tại Móng Cái sáng ngày 20/2/1960, Bác nói chuyện với đồng bào về hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn ấy là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác nhấn mạnh: Xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi.
Khen ngợi đồng bào, bộ đội và các cháu thiếu niên học sinh trong tỉnh có phong trào lao động xã hội chủ nghĩa khá.
Cuối cùng Bác nói: “Tỉnh Hải Ninh có dân tộc, đã có sẵn truyền thống đoàn kết, nay càng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết Việt-Trung. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì việc gì cũng thành”.
(5) Lần thứ năm
Trong hai ngày 8 và 9/5/1961, Bác Hồ về thăm Móng Cái, Tiên Yên và đảo Cô Tô của tỉnh Hải Ninh.
Sáng ngày 8/5/1961, Bác thăm trung đoàn 248 tại Tiên Yên. Buổi chiều, Bác về Trà Cổ, Bác kéo lưới với ngư dân trên bãi biển.
Ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo Cô Tô, một hòn đảo xa đất liền. Bác đã đến nhiều xóm trên đảo, thăm các đơn vị bộ đội, các cơ sở sản xuất. Người ân cần thăm hỏi sức khoẻ của các cụ phụ lão, tìm hiểu về đời sống nhân dân và các đơn vị vũ trang bảo vệ đảo. Bác khen ngợi nhân dân trên đảo đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm ăn vui vẻ, tiến bộ.
Người căn dặn đồng bào cần phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cần đẩy mạnh nghề cá, giúp đỡ bộ đội bảo vệ hải đảo thân yêu của Tổ quốc. Người động viên anh em bộ đội, cán bộ, công an và nhân dân đảo Cô Tô khắc phục khó khăn, đoàn kết chặt chẽ, làm tốt hơn nữa công tác văn hoá, giáo dục và việc cải thiện đời sống. Người lưu ý Tỉnh uỷ Hải Ninh và các lực lượng vũ trang, cần nhận thức rõ vị trí đặc biệt hiểm yếu của đảo Cô Tô, cần cảnh giác với âm mưu phá hoại của bọn đế quốc và các loại phản động.
Bác nói Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ.
Các chiến sĩ trên đảo nhớ mãi lời dạy của Bác: Nơi hiểm yếu không chỉ cần súng lớn mà còn cần phải có lòng “trung với Đảng, hiếu với dân”.
Sau này, nhân dân và bộ đội trên đảo Cô Tô đề đạt nguyện vọng với Bác cho phép được dựng tượng của Người để lưu giữ mãi hình ảnh Người đến đảo. Đây là bức tượng duy nhất được Người ưng thuận cho phép tạc dựng khi Người còn sống. Hàng ngày ngắm nhìn tượng Bác, đồng bào và chiến sĩ sống trên quần đảo Cô Tô hiểu rằng Bác nhắc nhở mọi người đây là mảnh đất của nước Việt Nam, là tiền đồn của Tổ quốc thân yêu. Tất cả phải cố gắng bảo vệ, gìn giữ và phải phấn đấu vươn lên, mọi mặt đều tiến bộ để xứng đáng với tình cảm của Bác Hồ đã dành cho dân đảo.
(6) Lần thứ sáu
Trong hai ngày 21, 22/1/1962, Bác Hồ cùng anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp về thăm khu Hồng Quảng, thăm vịnh Hạ Long.
Nhân dân thị xã Hồng Gai họp mít tinh lớn chào đón Bác và hoan nghênh Ghéc-man Ti-tốp. Bác phát động công nhân và mọi tầng lớp nhân dân phấn đấu trong lao động sản xuất, công tác và học tập giành “Danh hiệu Ti-tốp” vẻ vang. Bác dặn ai đạt “Danh hiệu Ti-tốp” trong phong trào thi đua này thì báo cho Bác biết, Bác sẽ có quà thưởng gửi về tặng.
Bác cùng anh hùng Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp đi thăm vịnh Hạ Long. Bác Hồ và Ti-tốp lại đến vũng Nam Hoa, nơi có doi cát trắng mịnh hình trăng lưỡi liềm nơi Bác tắm biển trong lần đi thăm vịnh Hạ Long tháng 10/1957. Bác Hồ và anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp cũng lại dừng nghỉ và xuống tắm biển doi cát hình trăng lưỡi liềm ấy.
Du ngoạn trên vịnh Hạ Long lần đó, thấy một hòn đảo đá rất đẹp, Bác hỏi một đồng chí lãnh đạo địa phương ngồi cạnh:
- Đảo này đã có tên chưa?
- Thưa Bác, đảo chỉ mới đánh số trên hải đồ, còn tên riêng thì chưa ai đặt ạ!
- Theo Bác chú nên thưa với đồng bào ta đây, đặt tên cho đảo ấy là “Đảo Ti-tốp”.
Theo ý nguyện Bác, trong một phiên họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhất trí đặt tên cho hòn đảo số 47 trên hải đồ Hạ Long là “Đảo Ti- tốp”.
Phong trào thi đua giành “Danh hiệu Ti-tốp”, sau 9 tháng phấn đấu, hầu hết các ngành sản xuất, công tác... đều có những đơn vị, cá nhân đạt được. Ngày 3/11/1962, Bác đã quyết định tặng bằng khen cho các đơn vị và cá nhân lập nhiều thành tích trong đợt thi đua giành “Danh hiệu Ti- tốp” do Người phát động.
(7) Lần thứ bảy (ngày 13/11/1962), Bác thăm đảo Ngọc Vừng và quân cảng Vạn Hoa. Bác gặp gỡ cán bộ, nhân dân và các đơn vị bộ đội đóng trên đảo. Trong buổi nói chuyện, Bác nhắc nhở “Bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, xây dựng hợp tác xã; nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu”. Hơn 8 năm sau, ngày 12/6/1969, Bác Hồ lại gửi tặng đồng bào và lực lượng vũ trang các đảo Cô Tô ảnh của Người, tấm ảnh được Bác viết dòng chữ “Chào thân ái và quyết thắng”.
(8) Lần thứ tám
Ngày 23/11/1963, Bác về thăm đảo Tuần Châu và căn dặn: “Phải biến Tuần Châu thành ngọc châu”.
(9) Lần thứ chín
Ngày 2/2/1965, (tức ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán Ất Tỵ), Bác Hồ đã về thăm, chúc tết đồng bào, cán bộ, các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi mít tinh đón Người tại thị xã Hòn Gai, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ chúc tết đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, chúc mừng và cảm ơn các chuyên gia nước ngoài đang tận tình giúp đỡ chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người khen ngợi việc hợp nhất hai tỉnh đã thành công tốt đẹp, cán bộ và đồng bào các dân tộc đoàn kết vui vẻ, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp. Người khen ngợi những thành tích mà quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu. Người căn dặn đội ngũ cán bộ, đoàn viên và đoàn viên công đoàn phải xung phong gương mẫu hơn nữa. Đẩy mạnh các phong trào thi đua hành động cách mạng; coi trọng công tác tư tưởng, công tác tổ chức quản lý; thường xuyên bồi dưỡng quyết tâm chiến đấu và nhiệt tình cách mạng cho đội ngũ cán bộ và công nhân...
Trong dịp này, Bác tặng ngành than “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất”; tặng 24 cán bộ, 30 công nhân (5 công nhân gái), 54 tổ sản xuất là hạng khá nhất của ngành than mỗi người và mỗi đơn vị một thiếp chúc mừng năm mới.
Trên đường từ thị xã Hồng Gai về thị xã Uông Bí, Người dừng chân tại khu rừng thông Yên Lập, thăm một gia đình nông dân người Hoa.
Tại thị xã Uông Bí, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong buổi đón tiếp Người, Bác khen ngợi thành tích của các chuyên gia Liên Xô và cán bộ công nhân Việt Nam đang xây dựng nhà máy nhiệt điện. Người căn dặn: “Hiện nay nhà máy điện Uông Bí và mỏ Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp, các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Ngoài ra, ngày 15/11/1968, do tuổi cao, sức yếu không về thăm vùng Mỏ được, Bác Hồ đã cho mời Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than về báo công với Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác căn dặn: “Xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”. Lời dạy ân cần ấy, tỉnh Quảng Ninh hôm nay đã và đang phát triển với nhịp độ cao “một ngày bằng hai mươi năm” và ngành Than phát triển vượt bậc, vững bước tiến lên trên con đường CNH, HĐH.
Trích Đề cương Tuyên truyền 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023)
Liên kết website
Ý kiến ()