Người bệnh tiểu đường thường băn khoăn về việc lựa chọn nhóm thực phẩm có hàm lượng chất bột đường (carbohydrate - carbs) cao như gạo. Theo tờ Verywell Health, một số loại gạo và thực phẩm thay thế gạo có lợi cho sức khỏe và là lựa chọn phù hợp cho chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường.
Ảnh hưởng của chất bột đường đến người bệnh
Lượng đường huyết có thể tăng cao sau bữa ăn. Ở người không mắc bệnh tiểu đường, insulin sẽ giúp lượng đường trong máu không tăng quá nhiều.
Ở người mắc bệnh tiểu đường, tùy vào loại bệnh, cơ thể không tạo ra insulin hoặc kháng lại nó. Do đó, Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ đã khuyến nghị lượng carbs nạp vào dành riêng cho 2 nhóm bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại một và loại hai. Người mắc bệnh tiểu đường loại một do tuyến tụy không sản xuất insulin nên nắm rõ lượng carbs trong khẩu phần ăn. Với người mắc bệnh tiểu đường loại hai, cơ thể đề kháng với insulin và có thể không sản xuất đủ để bù đắp lượng đường trong máu tăng lên nên cần chia nhỏ lần nạp carbs trong ngày thay vì ăn nhiều một lúc.
Gạo có lượng carbs nhất định và có chỉ số đường huyết (GI) cao. Tổ chức Diabetes Care đã chỉ ra rằng, tiêu thụ nhiều gạo trắng có thể gây tăng 11% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Hàm lượng carbs có trong các loại gạo
Một gram carbs chứa khoảng 4 calo. Khả năng hấp thụ calo ở mỗi cá nhân không giống nhau. Vì vậy, bác sĩ có thể tư vấn lượng calo phù hợp dựa trên mức độ hoạt động, mục tiêu sức khỏe, chiều cao và cân nặng của bạn.
Gạo có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho người mắc tiểu đường nếu được cân đối khẩu phần phù hợp. 1/3 chén gạo lứt luộc chín chứa khoảng 15 gram carbs và hơn một gram chất xơ. Gạo trắng cũng chứa lượng carbs tương tự gạo lứt nhưng ít chất xơ và ít chất dinh dưỡng hơn.
Các nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm cũng cho biết lượng carbs có trong thành phần. Thực phẩm chứa carbs chưa qua chế biến có thể có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường. Bạn chia đều lượng carbs ra các phần trong ngày nhằm giúp ổn định lượng đường huyết.
Chỉ số đường huyết (GI) của gạo
Để quyết định xem thực phẩm có phù hợp với chế độ ăn hay không, bạn xem xét chỉ số đường huyết (GI). GI là một thang đo lường (từ 0 đến 100) tốc độ cơ thể chuyển hóa carbs từ thực phẩm thành glucose và mức độ ảnh hưởng của sự chuyển hóa lên lượng đường trong máu.
Trung tâm sức khỏe quốc gia (Mỹ) đã thống kê chỉ số GI có trong gạo và một số sản phẩm từ gạo như bánh gạo 87, sữa gạo 86, bánh ngô 81, cháo gạo 78, bánh mì trắng 75, cơm trắng luộc 73, gạo lứt luộc 68, bún 53. Chỉ số GI có thể chênh lệch tùy thương hiệu và mức độ xử lý. Những thực phẩm có thang đo lường GI thấp (từ 55 trở xuống) giúp cơ thể duy trì mức glucose ổn định.
Loại gạo lứt có lợi cho mắc bệnh tiểu đường loại 2 do hàm lượng cao của chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng có lợi khác. Tốt nhất bạn nên chọn gạo lứt vì hàm lượng chất xơ cao hơn gạo trắng nên cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa chúng.
Bạn có thể dùng những thực phẩm khác thay gạo trong khẩu phần ăn như súp lơ trắng, cây kê, hạt diêm mạch, kiều mạch, lúa mạch. Người bệnh tiểu dường có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thêm nhóm thực phẩm mới vào chế độ ăn uống.
Hướng dẫn tự nấu cơm
Nếu bạn sẽ nấu gạo lứt bằng nồi thông thường, sau khi cho gạo lứt vào nồi, bạn cho lượng nước gấp 1,5 lần lượng gạo. Sau khi sôi, bạn đậy nắp nồi và để nhỏ lửa trong khoảng 20 phút. Bạn tắt bếp và để nồi đã đậy nắp thêm khoảng 10 phút nữa. Bạn có thể thêm gia vị, thảo mộc, rau, nghệ và các loại hạt như hạnh nhân thái mỏng. Lưu ý thành phần có trong gia vị và nước sốt làm sẵn vì chúng có thể chứa đường.
Kết hợp gạo lứt với đậu và rau có thể mang lại một bữa ăn lành mạnh. Đối với những người không ăn thịt, kết hợp đậu hoặc các loại đậu khác với gạo cũng có thể cung cấp một lượng protein hoàn chỉnh với tất cả các axit amin mà cơ thể cần.
Ý kiến ()