Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 08:56 (GMT +7)
Những lý do khiến Windows 11 bị nhiều người dùng ghét bỏ
Thứ 4, 23/11/2022 | 11:33:12 [GMT +7] A A
Microsoft đang âm thầm nâng cấp các máy tính chạy Windows 10 lên Windows 11 - miễn là chúng có đủ dung lượng lưu trữ và đáp ứng được các yêu cầu liên quan Windows 11 TPM 2.0 (Trusted Platform Module). Hệ điều hành này sở hữu nhiều thay đổi đáng chú ý về thiết kế, nhưng thực tế cũng chỉ là Windows 10 khoác lên một tấm áo mới mà thôi.
Nếu bạn đang thất vọng khi Windows 11 không phải một bản đại tu như kỳ vọng, thì tin buồn là nó tiếp tục mang những khuyết điểm chưa được giải quyết từ người tiền nhiệm: nhiều ứng dụng mới cũ lẫn lộn, liên tục ép buộc người dùng cập nhật, đầy rẫy quảng cáo, cùng hàng loạt quan ngại liên quan quyền riêng tư. Ngoài ra, một số chức năng của hệ điều hành vẫn khá hạn chế hoặc phức tạp, trong khi số khác bị chỉnh sửa quá đà dẫn đến mất đi tính trực quan.
Đó là chưa nói đến danh sách các thiết bị tương thích với Windows 11. Microsoft đã đưa ra yêu cầu tối thiểu đối với CPU, chủ yếu “ưu ái” những con chip thế hệ mới tích hợp sẵn mô-đun bảo mật do họ chỉ định. Người dùng sành công nghệ có thể qua mặt những yêu cầu tối thiểu này và cài Windows 11 một cách dễ dàng - nhưng rõ ràng đây là một rào cản khiến tỷ lệ cài đặt hệ điều hành mới của Microsoft không cao như kỳ vọng.
Tiếp theo là tính ổn định: Windows 11 bị chỉ trích gặp nhiều lỗi, đặc biệt khi chơi game. Kể từ khi ra mắt, các nhà phát triển Windows 11 luôn trong tình trạng bận rộn tung ra các bản vá lỗi, và dù nhiều tháng đã trôi qua, hệ điều hành này vẫn cần được tinh chỉnh. Mặc dù bất kỳ phần mềm nào cũng phải trải qua chu kỳ gỡ lỗi và thêm tính năng mới, nhưng xét tình hình hiện tại, có lẽ bạn chưa nên vội nâng cấp làm gì.
Start menu với thiết kế mới
Thay đổi dễ nhận thấy nhất ở Windows 11 là Start menu với thiết kế mới. Phản ứng từ các fan không phải đều giống nhau, một số miễn cưỡng chấp nhận, số khác tỏ rõ sự khinh bỉ. Trên thực tế, Start menu đã là trung tâm của những chỉ trích kể từ Windows 8, nhưng chưa bao giờ nó bị “hội đồng” nhiều như lúc này.
Trên Windows 10, nút Start sẽ mở ra một menu cỡ lớn, có thể tùy chỉnh kích cỡ, với danh sách các ứng dụng đã được cài đặt sắp theo thứ tự ABC, và cả các ứng dụng được cài gần đây nữa. Bạn có thể đính (pin) bao nhiêu ứng dụng lên menu này tùy thích. Thêm nữa, thanh tìm kiếm được đặt ở góc dưới khá tiện lợi. Các ứng dụng đã được gom nhóm sẽ hiển thị một cách linh hoạt trong các thư mục.
Nhưng nút Start mới chỉ mang đến cho bạn một ô vuông với thanh tìm kiếm trên đỉnh, một danh sách các ứng dụng đã pin, các ứng dụng được Microsoft quảng cáo, và các tập tin được sử dụng gần đây nhất. Các thư mục ban đầu bị loại bỏ, nhưng Microsoft đã đưa chúng trở lại với một thiết kế mới trong các bản dựng Windows 11 gần đây.
Để truy cập tất cả các ứng dụng, bạn phải bấm vào một nút bé xíu ở góc mà nếu không để ý, bạn sẽ chẳng thấy đâu. Các lối tắt dành cho việc tắt máy, cài đặt, tài liệu, và profile cũng được chuyển sang vị trí mới. Nút mở nhanh phần cài đặt cũng biến mất do ứng dụng cài đặt (Settings) đã được pin lên Start menu theo mặc định.
Nút Start trên Windows 11 nằm ngay chính giữa Taskbar và sẽ dịch chuyển dần sang trái khi có thêm nhiều ứng dụng được mở. Bạn có thể khôi phục nó về vị trí cũ như Windows 10, nhưng phải mò mẫm thiết lập tương ứng trong cài đặt.
Những tinh chỉnh đối với Taskbar
Tương tự, Taskbar cũng được canh giữa và mở rộng về hai phía. Các biểu tượng được bố trí một cách linh hoạt, dịch chuyển dần sang hai bên để tạo không gian cho các ứng dụng mới. Các ứng dụng đang chạy được đánh dấu bằng một dấu chấm nhỏ bên dưới biểu tượng, ngoài ra bạn không còn cách nào khác để phân biệt được ứng dụng đang chạy và ứng dụng được pin như trên Windows 10 nữa. Thanh tiến trình trước đây được tích hợp vào biểu tượng ứng dụng, nhưng Taskbar của Windows 11 cũng không còn những chỉ báo đó nữa.
Với Windows 11, bạn có thể kéo - thả Taskbar đi bất kỳ đâu trên desktop một cách nhanh chóng và dễ dàng - trên, dưới, trái, phải. Nhưng Microsoft đã hạn chế khả năng tùy biến của Taskbar mới một cách đáng kể.
Ví dụ, bạn không thể thay đổi vị trí hay kích cỡ của nó. Bạn thậm chí không thể kéo - thả lối tắt vào thanh này. Bạn chỉ có thể đưa toàn bộ biểu tượng sang trái bằng cách nhấp chuột phải vào Taskbar và vào Taskbar Settings > Taskbar Behavior > Taskbar Alignment. Trên các phiên bản Windows cũ, bạn có thể nhấp chuột phải vào Taskbar để mở ra hàng chục lối tắt tiện lợi như vào cài đặt, Control Panel, Task Manager… Microsoft đã loại bỏ tất cả. Thay vào đó, nhấp chuột phải vào Taskbar trên Windows 11 sẽ chỉ hiện ra một menu duy nhất: Taskbar Settings.
Giao diện đơn giản hóa nhưng không hề đơn giản
Dù tìm cách đơn giản hóa giao diện người dùng, Microsoft lại khiến việc điều hướng và tương tác trở nên khó khăn hơn. Về cơ bản, các hành động trước đây cần ít cú nhấp chuột hơn thì nay lại phải nhấp chuột nhiều gấp đôi. Ví dụ như quá trình thay đổi ứng dụng mặc định. Microsoft từ nhiều năm qua đã ra sức quảng bá cho trình duyệt Edge. Nhưng trước Windows 11, trình duyệt này chưa bao giờ ép buộc người dùng quá đáng như hiện nay.
Để thay đổi trình duyệt mặc định trên Windows 10 (áp dụng với bất kỳ ứng dụng nào), bạn chỉ cần mở phần cài đặt Default Apps và chọn trình duyệt yêu thích. Trên Windows 11, bạn phải tự chọn trình duyệt đối với mọi phần mở rộng web. Bạn sẽ phải cuộn mỏi tay qua hàng chục phần mở rộng web để thiết lập hành vi mở đối với từng cái một, nếu không Windows 11 sẽ tự động đưa bạn đến với Microsoft Edge. May thay, quy trình này đã được cải thiện đôi chút sau bản cập nhật mới nhất.
Menu ngữ cảnh (hoặc menu chuột phải) cũng được đơn giản hóa. Nhấp chuột phải vào một tập tin trong Explorer sẽ cho ra một danh sách khá dài các tùy chọn - đổi tên, sao chép, thuộc tính, mở với, mở vị trí tập tin… Nhưng tất cả chúng đều bị giấu vào trong một menu riêng biệt. Bạn phải nhấp vào “Show more options” để truy cập chúng. Việc phải nhấp chuột thêm quá nhiều lần sẽ khiến bạn phát cáu nếu luồng công việc của bạn lệ thuộc nhiều vào menu ngữ cảnh.
Yêu cầu cứng nhắc
Windows 11 cũng khá cứng nhắc trong các yêu cầu phải đạt được nếu muốn sử dụng hệ điều hành. Đầu tiên, nó đòi hỏi máy tính của bạn phải có Trusted Platform Module (TPM). TPM là một con chip xử lý tính toán mã hóa để xác nhận tính nhất quán của hệ thống và tăng cường bảo mật. Microsoft khuyến nghị TPM phiên bản 2.0, nhưng yêu cầu tối thiểu là TPM 1.2. Đối với các máy tính không đạt yêu cầu tối thiểu, Windows 11 vẫn có thể cài đặt được (nhưng tất nhiên Microsoft không khuyến nghị điều đó).
Theo trang hỗ trợ chính thức, nếu PC của bạn không vượt qua bài kiểm tra cấu hình, bạn có thể chạy Windows 11 được, nhưng sẽ không được hỗ trợ bởi hãng. Có nghĩa là PC của bạn sẽ không nhận được bất kỳ bản vá bảo mật và bản cập nhật nào từ Microsoft, khiến thiết bị dễ bị tấn công. Microsoft còn cảnh báo các lỗi tương thích và nhiều vấn đề khác.
Ngoài ra, Microsoft cũng buộc người dùng phải chọn các dịch vụ của hãng trên Windows 11. Nếu trước đây bạn không đăng nhập tài khoản Microsoft cũng không sao, thì Windows 11 đề nghị bạn đăng nhập ngay từ khâu cài đặt (trừ khi bạn áp dụng vài mẹo nhỏ). Tài khoản này sẽ được sử dụng để truy cập vào Outlook, Office, OneDrive, Skype, MS Store… Do đó về cơ bản Microsoft đang buộc bạn phải trao cho hãng các thông quan cá nhân quan trọng!
Tóm lại, Windows 11 giống như Windows 10 “xào lại”, chứ không phải một bản Windows thế hệ mới. Bạn có thêm vài tính năng mới và bố cục đa nhiệm tốt hơn, đổi lại là nhiều chức năng và thao tác đã quá quen thuộc. Lẽ tự nhiên, việc thay đổi bất ngờ này sẽ khiến bạn bực bội nếu đã và đang hài lòng với phiên bản Windows 10 vốn rất trực quan, hoặc thậm chí là các phiên bản Windows cũ hơn.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()