Tất cả chuyên mục

Địa chất, địa mạo là một trong những giá trị nổi bật của Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Hiện nay, trên thế giới có nhiều vùng đá vôi với địa hình kasrt (thuật ngữ bắt nguồn từ tên một cao nguyên đá vôi nổi tiếng ở Nam Tư cũ), trong đó có Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, mỗi nơi có một đặc trưng, không nơi nào giống nhau.
![]() |
Hòn Đỉnh Hương - Một trong những tác phẩm do thiên nhiên tạo hóa trên Vịnh Hạ Long. |
Cũng theo các nhà khoa học, các dạng địa hình karst chủ yếu gặp ở Vịnh Hạ Long hiện nay có dạng địa hình dương gồm gần 2.000 hòn đảo - núi sót thuộc loại cực nhỏ (chiếm 91,5% tổng số đảo trên Vịnh Hạ Long). Dạng địa hình âm gồm các phễu karst, thung lũng karst rất phổ biến trên các đảo lớn thuộc Vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà. Do bị biển tràn ngập nên phần lớn các phễu karst bị biến dạng thành các hồ nước mà dân địa phương gọi là áng. Hiện các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 60 áng trên các đảo Vịnh Hạ Long, trong đó lớn nhất là áng Vẹm (28,8ha), nhỏ nhất là áng Trề Môi (0,7ha). Bên cạnh áng, Vịnh Hạ Long còn có các tùng (là những vụng biển nhỏ hẹp ăn sâu vào các đảo đá vôi). Trong Vịnh Hạ Long và Cát Bà hiện có 57 tùng, lớn nhất là tùng Gấu (220ha), nhỏ nhất là tùng Mây Đen (1,5ha). Dạng thứ ba là hang động vốn hết sức phong phú, đa dạng. Đến nay Vịnh Hạ Long đã có khoảng 24 hang động được biết đến, dài từ vài chục đến vài trăm mét. Các nhà khoa học chia hang động vùng Vịnh Hạ Long thành ba nhóm chính: Nhóm hang động cổ, phần lớn là những lối thoát nước từ những phễu karst cổ, có lối đi dốc và chênh cao đáng kể. Tiêu biểu cho nhóm này là hang Sửng Sốt ở đảo Bồ Hòn, động Tam Cung, động Lâu Đài ở đảo Cổ Ngựa, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ. Nhóm thứ hai là nhóm hang nền được tạo thành trong sự tương tác với hoạt động của biển. Tiêu biểu cho nhóm này là hang Trinh Nữ, hang Bồ Nâu, hang Hồ Động Tiên. Nhóm thứ ba là hang hàm ếch hình thành do quá trình hoà tan và ăn mòn của nước biển, sóng và thuỷ triều. Tiêu biểu là hang hồ Ba Hầm có tổ hợp ba hang thông nhau, hang Luồn ở đảo Bồ Hòn. Ngoài ra, Vịnh Hạ Long còn có hai dạng karst khác khá phổ biến là ngấn biển ven chân các đảo đá và thung lũng, bề mặt cánh đồng karst bị ngập dưới đáy biển tạo thành các luồng lạch. Trong đó, những ngấn biển nằm ngang do sóng và nước biển ăn lõm vào vách đá chân đảo đã góp phần tô điểm thêm sự diễm lệ cho các hòn đảo của Vịnh Hạ Long.
Theo thời gian, quá trình vận động của tự nhiên và hoạt động sống của con người đã và đang tác động lên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của Vịnh Hạ Long. Về thiên nhiên, Vịnh Hạ Long chịu tác động của nhiệt độ, nước, gió và sự phát triển của thực vật đã làm phong hoá đá vôi, khiến cho đá vôi bị bào mòn, nứt nẻ, vỡ vụn. Về hoạt động của con người là sự tác động của ánh sáng điện trong các hang động thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn và tảo lục; tác động của khí cac-bon-nic, thân nhiệt do con người (du khách) thải ra làm biến đổi vi khí hậu trong hang, làm mờ bề mặt tinh thể canxit, ảnh hưởng đến các động vật sống trong hang như cua, nhện, bọ cạp v.v...
Những năm qua, công tác nghiên cứu về các đặc điểm, giá trị karst của Vịnh Hạ Long đã đạt được một số kết quả tích cực với sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một nghiên cứu đánh giá, tìm giải pháp để bảo tồn các dạng karst, nhất là để tránh tác động xấu của con người đối với các hang động, thì vẫn chưa có. Đây là điều các nhà khoa học, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn trong nỗ lực chung bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long.
Ý kiến ()