Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:44 (GMT +7)
Những ngân hàng nào đang trả lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường?
Thứ 4, 01/03/2023 | 07:36:19 [GMT +7] A A
Như khảo sát trước đó của Zing, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân của các ngân hàng trong nước đã giảm liên tục kể từ cuối năm 2022 đến nay.
Từng ghi nhận hơn 20 ngân hàng chấp nhận chi trả mức lãi suất 9,5%/năm trở lên, trong đó có nhiều nhà băng đưa ra mức lãi hai con số. Đến nay, toàn hệ thống chỉ còn 8 ngân hàng duy trì mức lãi suất này. Trong đó, ngoài SCB (thuộc nhóm ngân hàng quy mô lớn với số dư huy động hơn 300.000 tỷ đồng), hầu hết ngân hàng trong nhóm này đều có quy mô nhỏ như BaovietBank, Kienlongbank, NamABank, PVComBank, Saigonbank, VietABank, VietBank.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng hiện vẫn kiên trì với biểu lãi suất huy động dưới 8%/năm.
Ngân hàng nào trả lãi suất tiết kiệm thấp nhấtCụ thể, toàn thị trường hiện ghi nhận 4 nhà băng chỉ đưa ra mức lãi suất 7,3-7,5%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, áp dụng với cả tiền gửi tại quầy và online. Trong nhóm này, 2/4 đơn vị là ngân hàng quốc doanh (Agribank và Vietcombank) cùng trả mức lãi suất tối đa cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân ở 7,4%/năm.
Ngoài ra, CBBank và SeABank là hai nhà băng còn lại có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên dưới mốc này, hiện lần lượt ở mức 7,45-7,55%/năm (CBBank) và 7,3-7,43%/năm (SeABank).
Cũng đưa ra mức lãi suất 7,4%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên, tuy nhiên, hai ngân hàng quốc doanh là VietinBank và BIDV chỉ áp dụng mức lãi suất này với các tiền gửi tại quầy. Còn nếu gửi online, lãi suất tối đa khách hàng nhận được sẽ là 8,2%/năm. Tuy vậy, đây vẫn là mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung toàn hệ thống ngân hàng hiện nay.
Khảo sát của Zing với biểu lãi suất cuối tháng 2 của hơn 30 ngân hàng trong nước cho thấy lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng (áp dụng trên cả kênh quầy và online) hiện dao động trong khoảng 9%/năm. Trong đó, ngoài 4 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm dưới 8%/năm kể trên, ở dải lãi suất 8% đến dưới 9%/năm hiện ghi nhận khoảng 10 ngân hàng.
Đây cũng là dải lãi suất mà nhiều ngân hàng tư nhân quy mô lớn đang đưa ra như BIDV, VietinBank cùng trả mức lãi suất 8,2%/năm (online); ACB trả lãi suất 8,4-8,9%/năm; SHB trả lãi suất 8,82%/năm; Sacombank trả lãi suất 8,4-8,65%/năm với tiền gửi tại quầy và 8,6-8,85%/năm với tiền gửi online; MBBank trả lãi suất 8-8,6%/năm; hay như Techcombank sau nhiều lần giảm lãi suất liên tiếp đã đưa lãi tiền gửi tối đa từ 9,5%/năm xuống 8,7%/năm hiện tại…
Như vậy, toàn thị trường hiện có hơn 20 ngân hàng vẫn đưa ra mức lãi suất tiền gửi tối đa trên 9%/năm. Trong đó nhóm này cũng bao gồm nhiều ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn như HDBank trả lãi suất 9,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 9,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng (kênh online). Tương tự, SCB hiện vẫn chấp nhận chi trả mức lãi suất tối đa 9,5%/năm với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng áp dụng cho cả kênh quầy và online; VPBank niêm yết dải lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 9,1-9,3%/năm với tiền gửi tại quầy và 9,2-9,4%/năm với kênh online.
Ở biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, hiện hầu hết nhà băng vẫn đưa ra mức lãi huy động kịch trần 6%/năm Ngân hàng Nhà nước cho phép, kể cả nhóm ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, số ít ngân hàng lại niêm yết lãi suất các kỳ hạn này thấp hơn.
Trong đó, CBBank hiện là ngân hàng trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 tháng thấp nhất thị trường, chỉ dao động trong khoảng 3,8-3,9%/năm với tiền gửi tại quầy và 3,9-3,95%/năm trên kênh online. Hay SeABank, ngân hàng này chỉ đưa ra mức lãi suất 5,7%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này với cả kênh quầy và online.
Tương tự, TPBank, OCB đều là những ngân hàng không đưa ra mức lãi suất kịch trần 6%/năm cho các kỳ hạn tương tự.
Khác với tiền gửi kỳ hạn dài (12 tháng trở lên), các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-5 tháng bị giới hạn bởi trần lãi suất huy động của NHNN. Bên cạnh đó, do cơ cấu sử dụng vốn của các ngân hàng thường mang tính chất dài hạn, nên các khoản huy động ngắn hạn không được ưu tiên lãi suất như các kỳ hạn dài.
Đây là lý do nhiều ngân hàng nhỏ với nhu cầu vốn cao, đưa ra mức lãi suất rất cao ở kỳ hạn dài nhưng chỉ trả lãi suất rất thấp với các kỳ hạn ngắn.
Lãi suất cho vay chưa giảm nhiềuTại báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần gần nhất (20-24/2), các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI nhận định mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay niêm yết tại nhiều ngân hàng đã có xu hướng giảm nhẹ thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhìn chung các mức lãi suất này vẫn cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường với doanh nghiệp sản xuất thông thường vẫn đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm
SSI Research
Ở chiều huy động, lãi suất niêm yết cao nhất dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại cổ phần là 9,5%/năm, giảm 0,5-1 điểm % so với cao điểm cuối năm 2022 và 7,4%/năm tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Trong khi đó, lãi suất niêm yết dành cho khối khách hàng tổ chức chưa có nhiều sự thay đổi, dao động trong khoảng 6,5-8,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.
Ở chiều cho vay, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, phổ biến giảm 1-2%/năm như Agribank, BIDV, MBBank, OCB, VietinBank, HDBank…
Tuy nhiên, SSI cho rằng các gói cho vay này mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ, với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số nhóm ngành cụ thể. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường với doanh nghiệp sản xuất thông thường vẫn đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm thêm, tạo dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()