Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:29 (GMT +7)
Những người góp phần vào thành công của cuộc bầu cử
Thứ 6, 21/05/2021 | 07:27:46 [GMT +7] A A
Thực tế tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, đội ngũ các cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã và đang tham gia rất tích cực, trách nhiệm cao trong triển khai các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động; phản ánh tình hình nhân dân và tham gia giải quyết các vấn đề tại địa phương; đẩy mạnh các hoạt động thi đua sôi nổi, thiết thực để chào mừng ngày hội lớn của toàn dân.
Vai trò của những cán bộ cơ sở
Thôn Khe Tiên (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) những ngày này được trang hoàng rực rỡ. Từ nhà văn hóa thôn cho tới các tuyến đường, ngõ phố đều được trang trí cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu để chào mừng ngày toàn dân đi bầu cử đang đến rất gần.
Tiếng loa phát thanh của khu dân cư chốc chốc lại vang lên một bài hát vui tươi về ngày hội non sông, hoặc một bản thông báo ngắn để giúp nhân dân trong thôn nắm rõ về thời gian, quy định về lá phiếu cử tri.
Tại nhà văn hóa thôn, nơi được chọn làm phòng bỏ phiếu, các bảng niêm yết công khai danh sách cử tri, tiểu sử các ứng cử viên, nội quy, thể lệ bầu cử... để đảm bảo thuận tiện cho người dân tra cứu.
Ông Nguyễn Duy Pha, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Khe Tiên, cho biết: “Suốt 3 tháng gần đây, nội dung tuyên truyền về bầu cử luôn được lồng ghép trong mọi cuộc họp dân, sinh hoạt chi bộ của thôn. Chúng tôi là cán bộ thôn thì phải nắm chắc thông tin trước, rồi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng, sẵn sàng đi từng ngõ, gõ từng nhà để giải thích cho nhân dân nếu có điều chưa hiểu rõ... Như vậy, đảm bảo cho toàn thôn đều nắm được đầy đủ các chỉ đạo, quy định của cấp trên, thông tin liên quan đến bầu cử. Nhất là nâng cao nhận thức cho mọi cử tri về quyền và nghĩa vụ của mình, gắn với ý nghĩa của ngày hội toàn dân này”.
Khi Tổ bầu cử số 1, thôn Khe Tiên được thành lập, ông Pha là thành viên của tổ, cũng đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong mọi nhiệm vụ. Cụ thể bằng việc tham gia đầy đủ các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử mà Ủy ban Bầu cử huyện, xã tổ chức; vừa chủ động nghiên cứu các tài liệu pháp luật, tài liệu tuyên truyền liên quan đến quyền hạn, nghĩa vụ của Tổ bầu cử.
Nhờ đó, ông đã góp phần giúp cho các công tác của Tổ bầu cử số 1 được triển khai rất khoa học, hiệu quả. Việc rà soát tình hình số lượng cử tri, phát thẻ cử tri, chuẩn bị cơ sở vật chất tại điểm bỏ phiếu... đều được đảm bảo đúng thời gian quy định.
Nhiệm vụ của từng thành viên của tổ phải đảm nhiệm trong và sau ngày bầu cử cũng đã được phân công rõ. Trong thôn cũng chưa ghi nhận kiến nghị, khiếu nại gì liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử.
Còn tại xã Quảng An của huyện Đầm Hà, đặc thù tại xã miền núi này là có tới 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Hoa...). Do đó, công tác tuyên truyền về bầu cử cũng được chú trọng triển khai bằng những hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình dân cư, địa lý để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cụ thể như việc tranh thủ tiếng nói uy tín của các già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền miệng; thành lập các tổ công tác “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm tình hình dân cư, làm nhiệm vụ tuyên truyền cả ngoài giờ hành chính; tổ chức tuyên truyền lưu động với mật độ dày hơn về các thôn, bản cách xa trung tâm...
Là công chức văn hóa - thông tin của xã Quảng An, anh Phạm Văn Thịnh đã tiến hành biên dịch các tài liệu tuyên truyền bầu cử sang một bản tiếng Dao, để phát hằng ngày trên hệ thống truyền thanh của xã, song song với bản chính bằng tiếng phổ thông.
Bài tuyên truyền đó cũng đã được phát trên những chuyến xe máy gắn loa tuyên truyền lưu động mà chính anh Thịnh cầm lái, len lỏi qua những đường mòn, cầu treo, đến tận những bản xa xôi nhất trong xã.
Đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khi những cuộc họp dân, những buổi tuyên truyền trực tiếp phải tạm dừng để đảm bảo an toàn, thì tiếng loa dõng dạc, thông tin súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ đó quả thực đã là kênh rất hiệu quả để giúp các thông tin về bầu cử được phổ biến rộng rãi tới người dân trong vùng.
Gặp anh Thịnh sau một ngày làm nhiệm vụ tuyên truyền lưu động như vậy, chúng tôi được nghe anh tâm sự: “Quả thực khối lượng công việc trước thềm bầu cử có nhiều hơn so với ngày thường. Nhưng tôi xác định rằng, chính mình làm tốt phần việc, nhiệm vụ được giao, thì chính là góp phần nhỏ bé vào thành công của ngày hội bầu cử - ngày hội lớn của toàn dân. Mong rằng tiếng loa tuyên truyền mỗi ngày của tôi có phát huy được hiệu quả, giúp đông đảo cử tri trong xã nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử, từ đó càng thêm háo hức, nghiêm túc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong ngày 23/5”.
Câu chuyện của ông Pha, anh Thịnh cũng là đại diện cho hàng nghìn những bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, cán bộ cơ sở trong toàn tỉnh đang tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm vào công tác chuẩn bị cho bầu cử hiện nay.
Thực sự là ngày hội của toàn dân
Thiết thực tham gia công tác bầu cử, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hướng mạnh về cơ sở. Mục tiêu là đảm bảo cho cuộc bầu cử được tổ chức đúng quy định, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh là cơ quan tham gia phần lớn các bước quan trọng của cuộc bầu cử, đã phát động thi đua trong toàn hệ thống Mặt trận của tỉnh để phát huy tốt nhất vai trò của tổ chức mình.
Các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở chính là đội ngũ trực tiếp đảm nhận các phần việc theo quy định, bao gồm chủ trì tổ chức các bước quy trình để lựa chọn, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử; phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm với người ứng cử, lập danh sách chính thức sau 3 lần hiệp thương...
Cùng với đó, Mặt trận cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các chức sắc tôn giáo, lực lượng người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc để nhằm đa dạng hóa các hoạt động và hình thức tuyên truyền về công tác bầu cử khắp các địa phương trong toàn tỉnh.
Qua đó đã góp phần quan trọng để tạo nên kênh thông tin chính xác, giúp các tín đồ, phật tử, đồng bào có đạo thuận tiện tìm hiểu đầy đủ, kịp thời về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, về Luật Bầu cử, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nhất là về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Từ đó nhằm đảm bảo mọi cử tri từ các dân tộc, tôn giáo đều có thể tham gia đầy đủ các hội nghị cử tri, thẳng thắn đóng góp ý kiến xây dựng với các đại biểu được giới thiệu ứng cử, thực hiện đầy đủ quyền bầu cử.
Các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cũng đã phát huy vai trò của tổ chức mình hướng về cuộc bầu cử bằng loạt các hoạt động thiết thực, tạo nên không khí phấn khởi từ mỗi địa bàn cơ sở, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
Như việc các cấp Hội LHPN tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, vị trí, vai trò, những đóng góp của phụ nữ trong xã hội; vận động hội viên cơ sở gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực, tự giác tham gia bầu cử và trực tiếp đi bầu cử; biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân là hội viên phụ nữ có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử...
Trong suốt quá trình này, từ mỗi chi hội cũng liên tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội...
Hay như trong tổ chức Đoàn thanh niên, nội dung thi đua hướng về ngày hội bầu cử là “Mỗi cán bộ, ĐVTN là những tuyên truyền viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, phục vụ bầu cử tại địa phương”.
Công tác tuyên truyền cũng mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ, như: Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; ứng dụng hiệu quả truyên truyền trên nền tảng internet; thực hiện các công trình xung kích vì cộng đồng, từ thiện nhân đạo, ra quân dọn dẹp môi trường...
Trong những ngày nước rút đến ngày bầu cử, tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp lại đặt thêm yêu cầu nhiệm vụ nặng nề hơn cho cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh đã được quán triệt ngay đến cấp cơ sở, đó là không được lơ là, không chủ quan mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang; cần bình tĩnh, chủ động đưa ra nhiều phương án ứng phó với từng tình huống xảy ra.
Theo đó, đội ngũ hoạt động trực tiếp ở khu dân cư vừa triển khai nhiệm vụ bầu cử, vừa tiếp tục là nòng cốt để củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình cộng đồng tự quản phòng, chống dịch. Ủy ban Bầu cử các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng phương án, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức diễn tập cho các thành viên tổ bầu cử để sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ chung.
Bên cạnh hoạt động của các tổ chức bầu cử theo luật định, thì đội ngũ cán bộ ở mỗi thôn bản, khu phố, cho đến từng đoàn viên, hội viên của MTTQ và các tổ chức, đoàn thể, cũng đang hằng ngày tham gia hiệu quả vào công tác bầu cử tại nơi cư trú. Để qua đó, toàn dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()