Tất cả chuyên mục

Trong số các tác giả mỹ thuật ở Quảng Ninh sáng tác nhiều về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng được coi là một trong những người đi đầu tiên. Ông sinh năm 1931 ở Hải Dương, ra Quảng Ninh làm công nhân mỏ và gắn bó với hội hoạ từ rất sớm, với những bức tranh vẽ Bác Hồ. Ông kể, từ những năm 60 của thế kỷ trước, vào những dịp đại lễ, ông đều được giao thực hiện những bức tranh cỡ lớn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bức khổ rộng 10mx8m, trưng treo tại nơi diễn ra các lễ mít tinh, kỷ niệm ở trung tâm thị xã Hòn Gai lúc bấy giờ, hoặc tại các đơn vị sản xuất… Hồi đầu mới bắt tay vào vẽ Bác Hồ, hoạ sĩ thường vẫn phải “bám theo” những bức ảnh Bác để thể hiện chân dung Bác trong tranh thật chân xác, sinh động. Nhưng sau này, khi hình ảnh Bác đã ăn sâu trong tâm trí, hoạ sĩ có thể vẽ Bác bất cứ lúc nào… Trong số hàng loạt những bức tranh vẽ Bác Hồ, Nguyễn Hoàng thành công hơn cả với bức “Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh” và bức “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”. Riêng bức “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” đã vinh dự được trưng treo tại Triển lãm tranh Công nhân ở Ba Lan. Bức tranh này về sau bị thất lạc và Nguyễn Hoàng đã vẽ lại 2 phiên bản bức tranh này, hiện một bức treo tại Bảo tàng Quảng Ninh và một trưng treo tại Bảo tàng huyện Yên Hưng, vốn là quê ngoại của ông. Bây giờ, tuổi đã cao, sức yếu, Nguyễn Hoàng không còn miệt mài với hội hoạ như trước, nhưng những kỷ niệm cũng như những xúc cảm một thời cầm cọ thể hiện những bức tranh Bác Hồ thì vẫn còn nguyên vẹn trong ông...
![]() |
Tác phẩm “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh” của tác giả Đặng Đình Nguyễn. |
Thuộc lớp hoạ sĩ kế tiếp sáng tác về Bác Hồ, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê, sinh năm 1946, tại Hà Tĩnh, đã có hơn 40 năm gắn bó với Quảng Ninh và cũng có từng đó thời gian theo đuổi đề tài này. Như lời ông tâm sự, ngay từ khi 20 tuổi, còn ngồi trên ghế Trường Đại học Mỹ thuật (Khoa Điêu khắc), ông đã suy nghĩ và bắt tay thực hiện tượng chân dung Hồ Chủ tịch. Hồi đó, hai bức chân dung Bác Hồ (một cỡ nhỏ và một cỡ lớn) đã được nhà trường đánh giá cao, trong đó bức cỡ lớn hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong hơn 40 năm gắn bó với điêu khắc, gần 20 bức tượng chân dung Bác Hồ của ông đã nối tiếp nhau ra đời. Mỗi bức đều đã có đời sống riêng của mình, được trưng bày ở những vị trí khánh tiết trang trọng của các công ty, doanh nghiệp, nhà văn hoá... Trong số đó tiêu biểu nhất phải kể đến tác phẩm “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” mà ông hoàn thành vào năm 2007. Bức tượng này đã được Hội đồng Nghệ thuật của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cho xây dựng bộ mẫu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất trong toàn quốc...
![]() |
Tác phẩm “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” của tác giả Nguyễn Hoàng. |
Nối tiếp dòng cảm xúc sáng tác về hình ảnh Bác Hồ, ở Quảng Ninh những năm gần đây có thêm nhiều tác giả, tiêu biểu là nhóm hoạ sĩ của làng tranh Yên Hưng, như Vũ Tư Khang, Đặng Đình Nguyễn và Đào Thế Am v.v.. Trong số đó, Đặng Đình Nguyễn chuyên tâm với đề tài này hơn cả, từng được mệnh danh là “Hoạ sĩ vẽ tranh Bác Hồ”. Đặng Đình Nguyễn sinh năm 1956, đã có gần 40 năm gắn bó với hội hoạ. Từng thử sức mình ở nhiều đề tài và đã thành công ở thể loại tranh cổ động với nhiều giải thưởng uy tín. Những năm gần đây, Đặng Đình Nguyễn ấp ủ, dành nhiều tâm huyết để vẽ Bác Hồ và ông đã ghi được một số dấu ấn ở đề tài này. Có thể kể tên một số tác phẩm, như: Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng, Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc (Giải thưởng tại Cuộc vận động sáng tác quảng bá tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do tỉnh Quảng Ninh phát động năm 2009-2010); Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng (Tham gia triển lãm Khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2009 và vinh dự được chọn treo tại Triển lãm Mỹ thuật Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.). Năm 2010, bức tranh lụa Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh của Đặng Đình Nguyễn được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2006-2010 và được nhận Giải thưởng Văn Nghệ Hạ Long lần thứ 7 (2006-2011).
![]() |
Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê đang dựng tượng Bác Hồ. Ảnh: Quốc huấn |
Còn có nhiều nữa các hoạ sĩ, điêu khắc ở Quảng Ninh, dẫu nhiều hay ít, đã sáng tác tranh, tượng về Bác. Nhưng có thể nói, trong số đó, ba tác giả kể trên chính là những người kiên trì, dành nhiều tâm huyết theo đuổi hơn cả và đã để lại dấu ấn ở mảng đề tài này. Họ đã lao động sáng tạo bằng tâm huyết nghệ thuật và hơn tất cả, bằng tình yêu, niềm yêu kính vô hạn dành cho vị Cha già dân tộc.
Thanh Nga
Ý kiến (0)