Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:30 (GMT +7)
Những người thầy thầm lặng
Chủ nhật, 19/11/2023 | 13:53:12 [GMT +7] A A
Nhắc tới thầy, cô giáo người ta nhớ tới hình ảnh những người thầy tận tâm, chuyên cần giảng dạy với phấn và bục giảng, nhưng còn có những người thầy không dùng phấn, thay vào đó phải lăn lộn, đổ mồ hôi và cả những hy sinh lặng lẽ vì thành công của học trò.
Cống hiến sức lực, kinh nghiệm
"Họ là những người thầy khá đặc biệt, đều trưởng thành từ các VĐV nên hơn ai hết, họ hiểu được VĐV. Họ không chỉ đồng cam cộng khổ với các học trò của mình mà đôi khi còn phải hy sinh hạnh phúc bản thân, vì thành công của các học trò" - HLV Đỗ Văn Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh chia sẻ.
Điều này phần nào đúng với HLV Ngô Văn Báo (SN 1988) HLV, trưởng bộ môn Bơi lặn (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh). Bên lề, giải bơi lặn vô địch các CLB Quốc gia tháng 8/2023 và Giải Vô địch quốc gia nhảy cầu đầu tháng 11/2023, Ngô Văn Báo đã trình làng những gương mặt trẻ đầy triển vọng, giành hàng chục HCV về cho Quảng Ninh.
Thế nhưng ít ai biết rằng để có thành công như hôm nay, HLV Ngô Văn Báo từng gắn bó với Quảng Ninh 10 năm nay khi thể thao dưới nước tỉnh nhà còn khó khăn, chưa thành công như hiện nay. Từng là VĐV tài năng của bơi lội Hải Phòng, Ngô Văn Báo theo nghiệp HLV rồi bén duyên với Quảng Ninh năm 2013. "Khi đó, do thiếu thốn cơ sở vật chất, thầy trò môn bơi phải tập luyện ở Bể bơi Cung văn hóa thiếu nhi, chịu nhiều khó khăn, nhiều khi phải tập luyện trong điều kiện không được tốt, ảnh hưởng bởi thời tiết nóng lạnh… Vì thế, có khi thầy trò phải đi tập huấn “tránh” nóng, lạnh đằng đẵng cả năm trời ở Đà Nẵng và các Trung tâm lớn”- anh Báo kể.
Cũng là HLV ở môn thể thao Olympic quan trọng, HLV Vũ Thị Linh (SN 1993) trưởng thành từ VĐV, từng gặt hái nhiều “vàng” cho tỉnh nhà ở các giải trong nước và quốc tế. Với đua thuyền, "bục giảng” của Linh là trường đua trên sông nước, là thuyền, là mái chèo ở Trung tâm Đua thuyền sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Bất kể thời tiết nắng mưa, nóng hay giá rét, Linh cũng cùng các học trò bơi thuyền từ sáng sớm tới chiều muộn, thậm chí không có ngày nghỉ khi sắp vào giải. “Ngoài sự vất vả môn thể thao nặng, có lẽ tuổi thanh xuân của em đã gắn với 2 từ: Xa nhà và sông nước. Xa nhà, nhớ gia đình, chỉ được về nhà vài lần/năm đã trở thành chuyện cơm bữa”- HLV Vũ Thị Linh chia sẻ.
Có lẽ vì thế mà cùng với HLV Đỗ Văn Hiệu, HLV Vũ Thị Linh đã góp sức rèn giũa lên một thế hệ VĐV tài năng, khẳng định thế mạnh của Đua thuyền nữ Quảng Ninh, như: Đinh Thị Trang, Lường Thị Dung, Trần Thị Đào, Lý Thị Thủy…
Không phải tiếp xúc với sông nước, rèn sức mạnh cơ bắp, HLV Phạm Thùy Trang (SN 1981) và Hoàng Ngọc Khánh (SN 1986) là những HLV đào tạo môn thể thao trí tuệ: cờ vua và cờ tướng. Mặc dù không phải là những môn thể thao phải vận động mạnh, tập luyện khối lượng lớn, nhưng HLV thường phải phân tích cách đánh, đường cờ để phát huy thế mạnh của từng VĐV, đòi hỏi các HLV phải xử lý một khối lượng thông tin lớn để truyền đạt cho học trò. Đặc biệt, trong trận đấu, học trò căng thẳng một, thì phía ngoài sân đấu, người thầy của họ cũng phải trải qua những giờ phút cân não không kém.
Hiện thể thao Quảng Ninh có khoảng 70 HLV công tác ở Trường TDTT và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Họ đã đem lại không ít thành công, có những học trò xuất sắc. Trong đó, có thể kể: Vũ Thị Hoa (Điền kinh), Nguyễn Anh Dũng (cờ vua), Đặng Thị Nhàn (Bắn cung), Nguyễn Thái Linh, Lâm Thị Hương (Pencak Silat)... Dù theo đặc thù nhưng mỗi môn thể thao lại có khó khăn, vất vả riêng, nhưng tất cả họ đang cống hiến sức lực, kinh nghiệm và nhiệt huyết cho thành công của VĐV.
Sát cánh, đồng hành cùng vận động viên
Sứ mệnh của những người thầy này là đào tạo cho tỉnh những tuyển thủ thể thao đỉnh cao đủ sức mang về những tấm huy chương qua những giải đấu. Tuy nhiên, dường như có những điều mọi người ít biết là trên bục vinh quang, xuất hiện trước truyền thông thường là những học trò, đằng sau sân khấu ấy, là những nỗ lực lớn, của cả một quá trình từ tìm kiếm mài giũa tới sự lo lắng tính toán của HLV. Đó là chưa kể tới không ít thiệt thòi của nghề HLV.
Đối với nhiều HLV, một trong những mối lo lắng lớn là phải tìm kiếm được những VĐV đặc biệt với những môn thể thao mới, khắc nghiệt. Với chuyện này, HLV Ngô Văn Báo cũng là người thấm thía nhất. "Ngày nay, nhiều gia đình ở thành thị thường đánh giá cao thể thao, chưa muốn con mình đi theo chuyên nghiệp. Việc tuyển VĐV bơi lặn, đặc biệt môn thể thao mới như nhảy cầu thì vô cùng khó khăn. Thậm chí nhiều nơi còn chưa biết về chúng. Vì thế, nhiều khi chúng tôi phải lặn lội về vùng miền núi, ở những nơi không ngờ tới như: Kỳ Thượng (TP Hạ Long), Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu... thậm chí về các vùng quê nghèo, khó tỉnh ngoài" - HLV Ngô Văn Báo chia sẻ.
Có lẽ vì cũng vì điều này mà HLV môn cờ Phạm Thùy Trang, Hoàng Ngọc Khánh thường rất hay tham gia làm trọng tài hoặc tới tham quan các giải thi đấu phong trào, từ to tới nhỏ, ở các địa phương. “Bởi rất có thể từ những giải phong trào vậy, chúng tôi phát hiện ra nhiều tài năng lớn. Có khi chỉ cần một lời giới thiệu của các cộng tác viên địa phương là chúng tôi tới ngay để tìm hiểu”- HLV Phạm Thùy Trang chia sẻ.
Ngoài quá trình tìm kiếm, rèn giũa tài năng, để giành "vàng" về cho VĐV còn vô vàn khó khăn mà ít người biết tới. Bởi trong sân đấu học trò căng thẳng một, thì phía ngoài sân đấu, người thầy của họ cũng phải trải qua những giờ phút cân não không kém. "Khi các tuyển thủ thi đấu, không phải chỉ các em căng thẳng đầu óc mà các HLV cũng phải quan sát, vắt óc suy nghĩ các chiến thuật để làm sao sau mỗi nước đi, mỗi ván đấu, có thể rút kinh nghiệm ngay cho ván sau. Trước giải đấu, nhiều khi chúng tôi phải phân tích dữ liệu của đối thủ từ những giải đấu trước để học trò rút kinh nghiệm, tìm nước đi đối phó. Nhiều khi xong mỗi giải đấu, cả thầy và trò đều mệt, không thiết ăn uống" - HLV cờ tướng Hoàng Ngọc Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi yếu tố chuyên môn được hoàn thành thì sự vất vả của HLV đôi khi lại đến từ những góc độ khác. Nhiều khi vì những lý do khách quan, các huấn luyện viên cũng đành gồng mình chịu đựng. Nhiều người cho rằng, nghề HLV sướng được đi nhiều nơi, được thi đấu các giải quốc tế ở nước ngoài.
HLV Nguyễn Thái Linh (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) từng tâm sự: Những lần thi đấu ở nước ngoài, không hẳn cứ được xuất ngoại thi đấu là sướng đâu. Đấu ở những nước có điều kiện sinh hoạt tốt, Ban tổ chức giải chu đáo còn đỡ. Còn có nhiều nước do kinh tế có hạn, trình độ tổ chức còn hạn chế, thì các đoàn tuyển rất vất vả. Chỗ ăn ngủ không tốt, địa điểm thi đấu xa nơi đoàn nghỉ; thức ăn không hợp khẩu vị...
HLV ngoài nỗi lo chuyên môn còn, kiêm thêm cả vai chăm sóc viên kiêm "bảo mẫu", chăm sóc viên. Tuyển thủ ăn không hợp khẩu vị, ảnh hưởng sức khỏe, thể lực cũng phải lo lắng. Tuyển thủ thi đấu xa nhà, lệch múi giờ, không ngủ được... HLV cũng đau đầu không kém. Đó là chuyện thường tình.
Với nghề HLV cũng có những thiệt thòi, những câu chuyện khó nói khi họ phải đi xa thường xuyên, xao nhãng việc nhà. Ví như trong đợt dịch Covid - 19, phải việc cách ly các tuyển thủ để phòng tránh dịch, các bộ môn đã thực hiện "cấm trại" các VĐV. Điều này đồng nghĩa với việc có số lượng các huấn luyện viên phải "cấm trại" cùng các học trò để hàng ngày chỉ đạo việc tập luyện. Nhiều huấn luyện viên nhà chỉ cách Trung tâm hơn cây số mà cả tháng chưa được về nhà, chỉ biết lên mạng online hoặc điện thoại để liên lạc với gia đình...
"Trong mười mấy năm thi đấu, thời gian tôi ở trại tập huấn, gắn với sông nước nhiều hơn ở nhà. Một năm có đôi dịp được về thăm nhà, thăm bố mẹ. Có những năm do dịch bệnh mà cả thầy và trò phải cấm trại thậm chí ở lại ăn Tết với nhau, ai cũng dưng dưng vì...nhớ nhà" - HLV Đua thuyền Vũ Thị Linh kể.
Có lẽ, vì quen với sự vất vả nắng mưa, gió rét của đua thuyền mà Linh và các học trò có thêm quyết tâm. Và có lẽ gắn bó với đất Thủy Nguyên nhiều hơn quê nhà Quảng Ninh mà Linh cũng đã lập gia đình trên đất Thủy Nguyên, điều mà nhiều người trong gia đình cũng... không cảm thấy ngạc nhiên!
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()