Tất cả chuyên mục

Bằng tình yêu, sự tâm huyết với nghề, họ đã và đang không ngừng nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí, đồng hành với tỉnh Quảng Ninh trên con đường xây dựng và phát triển...
“Mỗi nhà báo đều mong muốn phản ánh nhanh chóng, chính xác, đa chiều về mảnh đất, con người Quảng Ninh”
Đó là mong muốn của nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại khu vực Đông Bắc, sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất Quảng Ninh. Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Trước khi về với Quảng Ninh, anh từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh cho rằng, Quảng Ninh với nhiều ngành kinh tế sôi động, như: Than, điện, du lịch, dịch vụ, cửa khẩu, lại là một trong những tỉnh tiên phong trong cải cách hành chính, xây dựng thể chế, xây dựng chính quyền điện tử, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế..., đã tạo ra những đề tài hấp dẫn, sinh động để các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền. Thêm nữa, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, cởi mở với các nhà báo, coi đội ngũ phóng viên như những người đồng hành và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho họ tác nghiệp.
![]() |
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng trong một lần đi thực tế trên mỏ Cao Sơn (TP Cẩm Phả). |
Theo nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng thì áp lực lớn nhất đối với các phóng viên thường trú như anh ở địa bàn Quảng Ninh là phải làm sao để phản ánh nhanh chóng, chính xác, đa chiều, đa dạng các vấn đề về mảnh đất, con người Quảng Ninh đến với bạn đọc. Đây luôn là trăn trở, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của mỗi nhà báo. Vì vậy, sự phối hợp, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng như các cơ quan liên quan trong tỉnh chủ động cung cấp thông tin với báo chí đã tạo điều kiện cho phóng viên có những thông tin kịp thời, đa chiều, đầy đủ hơn. Những vấn đề báo chí nêu đều được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo trả lời báo chí và xử lý kịp thời.
Nhà báo trẻ “đa phương tiện”
Là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc đóng tại Quảng Ninh, so với các đồng nghiệp cùng là "dân thường trú", nhà báo Trần Thị Trường Giang (sinh năm 1991) ít hơn hẳn cả về tuổi đời cũng như tuổi nghề. Song chính từ lợi thế của tuổi trẻ, phóng viên Trường Giang luôn hăng hái, lăn lộn với nghề, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người làm báo lâu năm tại Quảng Ninh để tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng, mang dấu ấn của riêng mình.
![]() |
Phóng viên Trường Giang trong một lần tác nghiệp tại mỏ Mông Dương thuộc Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin. |
Phóng viên Trường Giang chia sẻ: Điều hay nhất khi làm phóng viên thường trú chính là tạo cho mình sự năng động, có thêm chuyên môn vững vàng trong quá trình tác nghiệp các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Tùy từng sự kiện, vấn đề, chúng tôi đều đặt mục tiêu sản xuất để sử dụng cho cả 4 loại hình. Chúng tôi vừa phỏng vấn thu thanh, thu hình, vừa chụp ảnh cho báo điện tử, báo in. Sau khi viết tin thì đọc dựng, thể hiện ngay tác phẩm của mình. Với những vụ việc nóng như thiên tai mưa bão, các vụ tai nạn, sự kiện quan trọng,... tôi có thể nối cầu phát thanh hoặc truyền hình, trực tiếp đưa tin từ hiện trường trên các bản tin của VOV. Hình ảnh được truyền ngay từ điện thoại về ban biên tập xử lý nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu thông tin kịp thời.
Mặc dù địa bàn của VOV Đông Bắc rất rộng từ Cao Bằng xuống tới Quảng Ninh, đa dạng từ nông thôn, thành thị, nhưng những địa bàn mà phóng viên Trường Giang thích đặt chân khám phá hơn cả là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Và điều này thì Quảng Ninh luôn có đủ. Những câu chuyện về nếp sinh hoạt, nét đẹp văn hóa hay cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao Bình Liêu, Ba Chẽ... hay của bà con đảo xa nơi Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái luôn là những đề tài có sức hấp dẫn, là chất liệu phong phú, thôi thúc cô phóng viên trẻ kể lại cho khán, thính giả với hình ảnh, âm thanh chân thực nhất.
Nhà báo Tạ Ngoãn và cái duyên với những giải thưởng báo chí
Bắt đầu công tác tại Phòng Biên tập Phát thanh, Đài PT-TH tỉnh Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh) từ năm 2009, với lòng đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề, nhà báo Tạ Ngoãn đã khẳng định được mình với nhiều giải thưởng báo chí đáng nể: Giải Vàng Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2012; Giải Bạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2014, năm 2016 và năm 2018; Giải nhất Giải Báo chí Quảng Ninh năm 2013, năm 2016; Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2016. Với những thành tích nổi bật trong công tác, năm 2017, nhà báo Tạ Ngoãn vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.
Gần 10 năm theo nghề, các đồng nghiệp vẫn thường nhắc về nhà báo Tạ Ngoãn là người có duyên với những giải thưởng lớn. Nhưng để có được cái duyên ấy là cả sự nỗ lực, phấn đấu, lao động nghiêm túc và đam mê với nghề của nhà báo trẻ. Với lối viết nhẹ nhàng, tinh tế và sâu sắc, chị Tạ Ngoãn luôn cố gắng thể hiện tác phẩm thật gần gũi, dễ hiểu.
![]() |
Nhà báo Tạ Ngoãn trong một lần tác nghiệp tại Hàn Quốc. |
Nhà báo Tạ Ngoãn chia sẻ: “Với thể loại phát thanh, thính giả không thể nhìn bằng hình ảnh, hay đọc mà chỉ nghe thông tin từ phát thanh viên. Do đó, những bài viết của tôi luôn cố gắng đi đến những nơi xa xôi nhất, khó khăn nhất để thông tin, phản ánh sinh động, đầy đủ và chân thực về những con người và vùng đất. Từ đó, góp phần mang đến cho thính giả những hình dung cụ thể về các lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội, nhân lên tình yêu thương, gắn kết và sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng xã hội”.
Mặc dù hiện tại đã chuyển sang một vị trí công tác mới tại Trung tâm Truyền thông tỉnh, không gắn bó trực tiếp với việc sản xuất các tác phẩm báo chí, song tin tưởng với tình yêu nghề, nhà báo Tạ Ngoãn sẽ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng, tạo sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng.
“Người dân sẽ đón nhận khi ta có tác phẩm tốt, thiết thực với đời sống của họ”
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hoa hiện là Phó Phòng Biên tập Phát thanh, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh. Chị có một bề dày thành tích với nhiều giải thưởng quốc gia về báo chí các năm 2012, 2016, 2017, 2018.
Một câu chuyện đầy xúc động và xen lẫn tự hào với Hoa đến tận bây giờ, đó là câu chuyện về một người đàn ông ở phường Việt Hưng, TP Hạ Long được người dân khu phố yêu mến gọi là “ông Tám chèo”. Ông đam mê với việc gìn giữ các làn điệu chèo, khi nghỉ công tác, ông đã thành lập hẳn một đội chèo của khu phố, tự bỏ tiền đầu tư các loại nhạc cụ, trang phục rồi tập hợp những người yêu chèo để truyền dạy. Đội chèo này cũng đã đi biểu diễn phục vụ tự nguyện trong nhiều chương trình, hoạt động của khu phố và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trên địa bàn...
![]() |
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hoa (đứng thứ 2 từ bên phải) cùng các đồng nghiệp xem xét lại tác phẩm lần cuối trước khi phát sóng. |
Bài phát thanh của Hoa sau đó nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các đồng nghiệp và đã được nhận giải Bạc tại Liên hoan Phát thanh Truyền hình tỉnh 2007. Sau khi tác phẩm phát sóng, Hoa đã thu âm và gửi tặng “ông Tám chèo” một băng cát sét để làm kỷ niệm. Thế rồi khoảng vài tháng sau, qua một người bạn của ông, Hoa biết được tin “ông Tám chèo” đã mất. Hóa ra, ông đã bị bệnh nặng từ lâu và tìm kiếm niềm an ủi qua những làn điệu chèo. Người bạn này cũng cho biết, vật được ông nâng niu, trân trọng nhất trong những ngày chịu đau đớn vì bệnh tật là băng cát sét với câu chuyện viết về mình. Mỗi khi có người trong đội chèo đến thăm, ông lại mở băng cát sét cho họ nghe. Đó cũng là niềm an ủi để ông vơi bớt những đau đớn vì bệnh tật dày vò.
Câu chuyện về ông khiến Hoa nhớ mãi, cô thổ lộ: “Đối với người làm báo, có lẽ hạnh phúc đôi khi chỉ cần như thế, khi được mọi người nâng niu trân trọng “đứa con tinh thần” của mình”. Hiện nay phát thanh đang chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt với nhiều loại hình báo chí khác, nhưng như thế cũng cho thấy, đâu phải người dân thờ ơ với báo phát thanh, mà khi ta có tác phẩm tốt, thiết thực với đời sống của họ thì họ đều đón nhận một cách nhiệt tình".
La Lành, cô phóng viên nhỏ, nghị lực lớn
Phóng viên La Thị Lành (sinh năm 1990) đã đến với nghề báo bằng tình yêu và đam mê do cha truyền lại. Năm 2008, học hết lớp 12, La Lành thi đỗ vào Khoa Báo chí (Trường CĐ Phát thanh truyền hình 1) rồi hoàn thành liên thông ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2013.
Câu chuyện đến với nghề của La Lành khá gập ghềnh. Trước khi vào Trung tâm TT-VH huyện (trước là Đài TT-TH Bình Liêu) công tác, La Lành vừa làm không lương, vừa cộng tác tích cực với báo, đài tỉnh; Báo Dân tộc và Miền núi để “nuôi” ước mơ học Đại học; thậm chí có giai đoạn chị đã đi làm cắt tóc 2 năm.
![]() |
Phóng viên La Lành tác nghiệp tại bản Khe O, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. |
Với bài báo đầu tiên được đăng “Pắc Liềng mơ lắm 1 cây cầu” phản ánh khó khăn đi lại ở chính thôn quê ngoại, sau một thời gian, thôn này đã được xây dựng cây cầu vững chắc, phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện cho bà con. "Lần đầu được đăng báo, giúp được người dân, tôi hạnh phúc lắm và lấy đó làm động lực để viết tiếp những bài báo khác” - La Lành tâm sự.
Điều nhiều người cảm nhận ở cô phóng viên nhỏ người Tày là sự nhiệt tình, trách nhiệm, dấn thân, đưa tới độc giả người xem các thông tin thời sự về huyện. Đó là những câu chuyện, kỷ niệm khi tác nghiệp khiến Lành còn nhớ mãi khi đi quay phòng chống lũ dữ ở Khe Và (Tình Húc), đi bản xa Sam Quang, Phiêng Sáp (xã Đồng Tâm) đường trơn trượt, ngã mấy lần trong lúc đang mang bầu...
Là phóng viên hợp đồng với đồng lương ít ỏi, công việc làm báo khá vất vả lại phải nuôi con nhỏ, kinh tế gia đình eo hẹp nhưng với lòng yêu nghề, La Lành vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. “Dù bao khó khăn như thế, vẫn yêu nghề, trách nhiệm với công việc, chắc chỉ có La Lành” - nhận xét này của một đồng nghiệp về cô phóng viên người Tày La Lành khiến chúng tôi rất tâm đắc.
Nguyễn Dung - Phạm Học - Công Thành - Tạ Quân
[links()]
Ý kiến ()