Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:15 (GMT +7)
Những “Nông dân Việt Nam xuất sắc” của Quảng Ninh
Thứ 3, 04/10/2022 | 09:03:20 [GMT +7] A A
Họ là nông dân tiêu biểu, gắn bó hằng ngày với cây, con, đồng đất quê hương, không chỉ để làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn mang trong mình khao khát biến “đất cằn nở hoa”, khoác áo mới cho vùng nông thôn Quảng Ninh.
Làm giàu từ 12ha cây dược liệu
Bắt tay khởi nghiệp khi tuổi đời đã cận kề 50, nhưng ông Phạm Việt Trung (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) chưa bao giờ cảm thấy nản lòng với hành trình đó, dù đã gặp không ít những thất bại. Giờ đây, sau hơn 10 năm gây dựng sự nghiệp, ông Trung đã là ông chủ của hơn 12ha trồng, chế biến dược liệu tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa. Tại đây trồng nhiều loại dược liệu quý, có giá trị cao như ba kích, giảo cổ lam, hoài sơn, xấu hổ, ngải mọi, đương quy… mỗi năm đưa ra thị trường 7 triệu sản phẩm, thu lãi hàng tỷ đồng.
Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc do ông Trung điều hành cũng đang tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/tháng cho hơn 20 lao động địa phương, cùng hàng chục lao động thời vụ. Mới đây, ông Trung là một trong 2 nông dân Quảng Ninh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, người nông dân trồng dược liệu ở Cẩm Phả chia sẻ: Việc phát triển cây dược liệu ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ cây giống, đến nguồn gen chuẩn. Thời gian đó, tôi chỉ trồng dược liệu và bán nguyên liệu thô cho các công ty dược. Tuy nhiên, dược liệu làm ra không thể cạnh tranh với dược liệu do người dân thu hái từ rừng và dược liệu Trung Quốc, do giá rẻ hơn rất nhiều.
Không nản lòng, ông Trung tìm được hướng đi khác khi bắt tay tham gia thực hiện dự án ứng dụng KHCN vào trồng và chế biến cây dược liệu tại Quảng Ninh do Bộ KH&CN chủ trì và đã thành công trong việc trồng, nhân giống cây giảo cổ lam. Thành công từ loại cây này đã tiếp thêm tự tin cho ông Trung để mở rộng vùng trồng với những cây dược liệu khác như ba kích, hoài sơn, đương quy, mâm xôi, cối xay...
Nhờ thực hiện khép kín từ khâu cấy giống, nuôi trồng, tới chế biến, các sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đều đạt chất lượng cao, được khách hàng phản hồi tốt. Đến thời điểm hiện tại, công ty đang sản xuất 40 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP được đề cử 5 sao. Đáng chú ý, trà Giảo cổ lam Đông Bắc là một trong 27 nông sản tiêu biểu năm 2021 của Quảng Ninh. Ngoài ra, công ty còn sản xuất hơn 20 sản phẩm độc quyền cho một số doanh nghiệp trong nước.
"Làm nông nghiệp rất vất vả do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thời tiết. Trước đây, có năm cháy rừng, công ty thiệt hại mấy ha dược liệu. Còn hiện tại, chúng tôi có thể khắc phục được do đã hoàn thiện quy trình sản xuất dược liệu khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống, đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền hiện đại" - ông Trung cho hay.
Năm 2020, công ty đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, phòng R&D, phòng Lab, nhà sấy quy mô lớn... với diện tích 500m2 để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất hàng hóa. Các thiết bị, máy móc, nhà xưởng cũng được đầu tư quy mô, hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất, cũng như hoạt động nghiên cứu, kiểm định.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, "Nông dân Việt Nam xuất sắc" Phạm Việt Trung cho bết: Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm, trước mắt là tại thị trường Lào và Myanmar. Đồng thời, tiến công vào lĩnh vực mới, chế biến dược liệu làm thuốc trị bệnh cho thủy sản. Từ giờ đến năm 2025, công ty sẽ xây dựng vườn trồng và bảo tồn cây dược liệu vùng Đông Bắc tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả. Mục tiêu của tôi sẽ không dừng lại, không chỉ vì đam mê với cây trồng dược liệu, mà còn vì sức khỏe cộng đồng, vì ước muốn làm giàu cho quê hương Quảng Ninh.
Ăn nên làm ra nhờ giống gà bản địa
Nói đến ông chủ trại gà nổi tiếng tại Đầm Hà người ta sẽ nhắc ngay đến cái tên Nguyễn Văn Tuyền, (SN 1988) Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền. Không chỉ là chủ của cơ ngơi chăn nuôi lớn ở vùng, anh Tuyền còn được biết đến là người tiên phong trong phục tráng gà bản Đầm Hà - một sản vật nổi tiếng của Đầm Hà và một số địa phương khu vực miền Đông Quảng Ninh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nhờ phương pháp này, giống gà quý của địa phương đã phát huy giá trị, trở thành sản phẩm OCOP nổi tiếng, làm giàu cho nhiều nông hộ trên địa bàn.
Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tuyền cho biết: Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của gà bản Đầm Hà, năm 2013 vợ chồng tôi bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi gà bản thương phẩm trên diện tích ban đầu là 100m2 với 1.000 con gà. Nhờ chịu khó tìm tòi kinh nghiệm chăn nuôi trên sách báo và học hỏi một số trang trại thực tế nên trong 2 năm 2013, 2014 mô hình chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù vậy trong quá trình chăn nuôi, tôi nhận ra việc chăn thả tự nhiên khiến con giống bị lai tạp, không thuần chủng, do đó ảnh hưởng đến chất lượng gà thành phẩm.
Trăn trở với việc bảo tồn nguồn gen gà quý ấy, năm 2015, anh Tuyền cùng vợ mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng trang trại phát triển mô hình sản xuất gà giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để có được gà giống bố, mẹ thuần chủng, chất lượng, anh Tuyền đã lặn lội lên tận Quảng Lâm, Quảng An là những xã vùng cao của huyện Đầm Hà, rồi vào các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số thu gom. Sau đó là quá trình mày mò, lấy giống, thụ tinh nhân tạo cho. Dù đã có kinh nghiệm về chăn nuôi, nhưng tỷ lệ thất bại những ngày đầu rất cao, nhất là trong quá trình ấp trứng.
“Ban đầu, chỉ khoảng 50-60% trứng từ thụ tinh nhân tạo ấp nở thành công, dẫn đến việc nhân giống gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 4 năm, trải qua nhiều lần rút kinh nghiệm, điều chỉnh quy trình tôi mới có thể làm chủ được việc nhân giống, từ đó cung cấp gà giống cho bà con chăn nuôi. Đến nay, tôi có thể tự tin với tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo đạt trên 90%” - anh Tuyền chia sẻ.
Đến nay, trang trại gà của gia đình anh Tuyền đã mở rộng quy mô sản xuất và thành lập HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền. Hằng năm HTX cung cấp 15-30 vạn con giống, 22 tấn gà thương phẩm cho thị trường, tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng. Giống gà của HTX Tuyền Hiền không chỉ cung cấp cho Đầm Hà, Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ... mà còn mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên...
Hiện HTX Tuyền Hiền cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà để chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ tham gia liên kết đạt trên 5,8 tỷ đồng.
Với những đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp địa phương, anh Tuyền cũng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.
“Mong muốn của tôi là tiếp tục đưa thương hiệu gà bản Đầm Hà đến với nhiều người hơn nữa. Thêm một người biết đến gà bản Đầm Hà là thêm một lần khẳng định giá trị của sản vật quê hương, đây cũng chính là cách thức để quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Đầm Hà, đến với Quảng Ninh. Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" tiếp thêm cho tôi động lực để đến với những dự định dài hơi hơn trên hành trình gắn bó với giống gà bản Đầm Hà. Sắp tới, HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào trong quá trình chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng" - anh Tuyền chia sẻ thêm.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()