Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 20:40 (GMT +7)
Những quái chiêu lừa đảo qua mạng
Thứ 2, 18/03/2024 | 08:34:27 [GMT +7] A A
Mặc dù được các phương tiện thông tin đại chúng, ngành chức năng, chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, cảnh báo, thế nhưng thời gian qua nhiều người dân vẫn “sập bẫy” lừa đảo công nghệ cao, lừa đảo qua mạng. Do khó khăn trong việc quản lý, xử lý nên hiện nay hình thức lừa đảo này vẫn có chiều hướng gia tăng, với muôn kiểu lừa khác nhau, thay đổi liên tục, đòi hỏi sự cảnh giác cao của người dân nếu không muốn mình là nạn nhân.
Mới đây, Công an TP Hạ Long đã phát đi thông báo đến các khu dân cư về một hình thức lừa đảo mới. Theo đó, hiện nay có người dân trên địa bàn đã nhận được bưu phẩm từ shipper, khi mở ra bên trong có phiếu cào trúng thưởng. Trên phiếu cào, khi cào ra có giải thưởng, để được nhận thưởng phải truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận thưởng, đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới rất nguy hiểm. Để tránh bị lộ lọt thông tin cá nhân và nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân nâng cao cảnh giác, không truy cập vào đường link trên mã QR và báo cáo kịp thời cho cơ quan công an gần nhất khi nhận được những bưu phẩm như trên. Công dân không nhận các bưu phẩm lạ không do mình đặt hàng, không nhận hộ bưu phẩm của người khác.
Cũng liên quan đến việc người dân bị lừa truy cập vào đường link rồi chiếm đoạt tài sản, vừa qua, kế toán của một công ty xây dựng nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên chi cục thuế, yêu cầu kết bạn Zalo để thông báo về việc hoàn thuế cho công ty và đề nghị bị hại truy cập vào một đường link lạ trên phần mềm điện thoại di động của mình để được hỗ trợ về thuế. Tưởng đó là nhân viên ngành thuế thật, người kế toán này đã làm theo và chỉ sau đó 10 phút số tiền của công ty trên 800 triệu đồng do bị hại quản lý đã bị rút hết khỏi tài khoản ngân hàng.
Còn đối với lĩnh vực ngân hàng, vừa qua xảy ra vụ việc nhóm thanh niên quen biết với nhau khi cùng làm việc tại một công ty dịch vụ tài chính và có được các file danh sách dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần. Khi nhóm này nghỉ việc đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của người sử dụng thẻ tín dụng bằng cách giả làm nhân viên ngân hàng gọi điện cho chủ thẻ đưa ra các thông tin gian dối có lợi cho chủ thẻ để lừa chủ thẻ cung cấp các thông của tin thẻ tín dụng đang sử dụng. Khi chủ thẻ đồng ý, nhóm yêu cầu chủ thẻ cung cấp số thẻ, mã bảo mật, hạn sử dụng thẻ, mã OTP từ tin nhắn của ngân hàng, sau đó sử dụng các thông tin này đặt mua các loại hàng hóa có giá trị lớn để chiếm đoạt.
Thời gian qua không chỉ lừa đảo qua mạng gia tăng, mà lửa đảo công nghệ cao cũng xuất hiện nhiều, trong đó có lừa đảo với công nghệ AI sử dụng gương mặt, giọng nói giả. Như mới đây, một người đàn ông đã chủ quan tin vào cuộc gọi của nhóm lừa đảo và bị lừa mất 20 triệu đồng. Nạn nhân nhận được cuộc gọi video call để vay tiền. Nhìn qua màn hình điện thoại thì đúng mặt người quen nhưng miệng mấp máy khiến ông nghĩ khả năng mạng bên ấy bị lag, gọi được vài giây thì ngắt. Lúc ấy cũng vội nên khi nhận được tin nhắn số tài khoản nên ông chuyển khoản tiền ngay.
Có thể thấy, lừa đảo qua mạng, lừa đảo công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng với “muôn hình vạn trạng”, vì vậy, ngành Công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để bảo vệ tiền trong tài khoản của mình, bên cạnh việc thận trọng trước những cuộc gọi, trao đổi liên quan đến tiền, đến tài chính, chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên tránh để lộ lọt các thông tin cá nhân, hình ảnh, dữ liệu sinh trắc học để tránh bị kẻ xấu lợi dụng khai thác.
Ngoài ra, đừng bấm vào bất kể các biểu tượng hiếu kỳ, đường link lạ quảng cáo, hiện trên mạng Facebook, Zalo…; không tiếp chuyện trên mạng hay qua điện thoại với 1 người không quen biết, không thực hiện yêu cầu kết bạn hay làm theo bất kể một việc gì khi những thông tin của người đó đưa ra chưa được kiểm chứng, đề phòng bị lừa đảo, phát tán mã độc vào thiết bị điện thoại di động. Không để mã OTP, mã truy cập vào tài khoản ngân hàng, mật khẩu điện thoại hay các loại mật khẩu khác trên máy điện thoại di động, vì khi đã bấm vào link lạ, đồng nghĩa với việc virut mã độc do đối tượng gửi đính kèm đường link đó đã vào được máy điện thoại di động của bạn, lúc đó điện thoại của bạn sẽ bị chiếm quyền sử dụng. Các đối tượng lừa đảo sẽ vào phần ảnh, ghi chú để tìm mật mã này, đọc các tin nhắn và các thông tin khác có trên máy điện thoại, từ đó mở được tài khoản ngân hàng và rút hết tiền của bạn chuyển sang tài khoản khác.
Lực lượng công an cũng đề nghị nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()