Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:22 (GMT +7)
Những quyết sách mang hơi thở cuộc sống
Thứ 6, 01/12/2023 | 11:43:03 [GMT +7] A A
Trong tiến trình xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu mạnh, với vai trò, trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến, góp phần đưa ra các quyết sách với nhiều vấn đề sát sườn, mang đậm hơi thở cuộc sống. Qua đó góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho tỉnh, mang lại lợi ích thiết thực cho cử tri và nhân dân, nâng cao vị thế của Quảng Ninh trên hành trình phát triển, đổi mới.
Vì nguyện vọng của cử tri và nhân dân
Trong quá trình xây dựng và phát triển, việc mở rộng địa giới hành chính, không gian của TP Hạ Long đã được Đảng, Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo qua nhiều thời kỳ đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, đưa ra những chủ trương đúng đắn với tầm nhìn xa, lộ trình bài bản, từng bước chắc chắn. TP Hạ Long nhiều lần được điều chỉnh địa giới có liên quan đến huyện Hoành Bồ, như: Sáp nhập xã Thành Công, huyện Hoành Bồ vào TX Hòn Gai; sáp nhập xã Thành Công vào phường Hà Khẩu (TP Hạ Long); sáp nhập xã Việt Hưng, xã Đại Yên của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Thực hiện quy hoạch phát triển của Quảng Ninh, TP Hạ Long được xác định là tâm của của mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc trung ương cần có hạt nhân khởi động đủ tầm sức mạnh. Vì thế, đầu quý IV/2019, khi cả nước đang tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Quảng Ninh đã quyết định sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long để có không gian phát triển.
Câu chuyện mở rộng không gian phát triển, không đơn thuần chỉ là việc nhập 2 địa phương trở thành 1 địa phương có diện tích lớn hơn, mà còn đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề, khó khăn, vướng mắc. Việc sáp nhập phải đồng bộ, có lộ trình, cách làm phù hợp, thận trọng, làm đến đâu chắc chắn đến đó, không chủ quan, nóng vội, không cầu toàn, nhất là tôn trọng mọi ý kiến của cán bộ, cử tri và nhân dân 2 địa phương. Vì vậy, ngay trong tháng 10/2019, HĐND 33/33 phường, xã, thị trấn của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ cùng HĐND TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ tổ chức họp để thảo luận, cho ý kiến, biểu quyết thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. 100% đại biểu HĐND 2 địa phương đều nhất trí biểu quyết thông qua.
Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Hoành Bồ, cho biết: Sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long là một chủ trương lớn, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp khai thác, tận dụng, phát huy được những lợi thế của Hoành Bồ và Hạ Long để phát triển. Hoành Bồ có thêm nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước để cải thiện hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.
Phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương này. Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long được Đoàn đưa ra tại các buổi tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ từng bước triển khai kế hoạch, đảm bảo việc sáp nhập thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đúng quy định pháp luật, chặt chẽ, bài bản, khoa học. Đoàn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và Quảng Ninh để tham gia xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của TP Hạ Long.
Với những bước đi vững chắc, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cử tri và nhân dân, UBTV Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH (ngày 17/12/2019) "Về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh". Sau khi sáp nhập, TP Hạ Long trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh lớn nhất nước. Qua đó tạo không gian cho sự phát triển của thành phố xứng tầm đô thị du lịch biển đẳng cấp của cả nước, là mũi nhọn, cực tăng trưởng kinh tế, bước đột phát mới của tỉnh Quảng Ninh.
Khẳng định vai trò giám sát của cơ quan dân cử
Bằng tinh thần đổi mới, sự sáng tạo và hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã đề cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát. Đáng chú ý, các cuộc giám sát do ĐBQH và HĐND tỉnh tập trung vào những vấn đề lớn, nội dung nhạy cảm, giai đoạn thực hiện dài. Đây cũng là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Qua giám sát, các đại biểu đã phát hiện những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, những bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước và tỉnh. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm phát huy hiệu quả việc thực hiện chính sách trên địa bàn.
Tiêu biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19” từ ngày 12- 15/12/2022. Đoàn đã tổ chức làm việc và giám sát trực tiếp với UBND 4 địa phương, MTTQ tỉnh và 10 sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh. Tại các địa phương, Đoàn đã khảo sát trực tiếp tại 4 trung tâm y tế cấp huyện, 7 trạm y tế, 6 trường mầm non, tiểu học. Trên cơ sở giám sát thực tế, Đoàn đã tổng kết lại bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh trong việc quán triệt, chấp hành, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật; lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thi hành, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật…
Trên cơ sở kết quả giám sát cụ thể tại địa phương, kết quả tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ cơ sở, Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương: Xây dựng và ban hành Luật Y tế dự phòng; ban hành Nghị quyết làm cơ sở cho Chính phủ xây dựng; ban hành chiến lược quốc gia về bình thường mới, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm; bổ sung quy định chế độ phụ cấp ưu đãi tại các cơ sở y tế công lập. Đoàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác quản lý, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế cho công tác dự phòng, ưu tiên đầu tư nâng cấp các trạm đã xuống cấp, ban hành chế độ chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại các địa bàn khó khăn…
Ông Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch. Đây còn cầu nối để giúp đơn vị chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và đề xuất với Quốc hội và Chính phủ sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khắc phục hạn chế thực tế, như: Phương án quản lý đối với nguồn thuốc, vật tư, sinh phẩm dự trữ bảo đảm hàng hóa không bị hết hạn; xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh; đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập tại các địa phương…
Cùng với đó, Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh lựa chọn các vấn đề gây bức xúc và liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhân dân để tiến hành giám sát. Đồng thời thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và giám sát đến cùng.
Điển hình, từ 11/5-12/6/2023, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã khảo sát đột xuất tại 25 cơ sở giáo dục thuộc 5 địa phương; giám sát trực tiếp tại 7 địa phương, 25 xã, phường, thị trấn, 32 cơ sở mầm non tư thục; nghiên cứu báo cáo, tài liệu của các đơn vị và địa phương. Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện. Đoàn cũng kịp thời đóng góp ý với các địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở để khắc phục những tồn tại. Đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành trung ương ban hành các văn bản về tiêu chuẩn mầm non chất lượng cao, chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, quy định đặc thù về công tác y tế đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non tư thục. Đoàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nâng cao công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non tư thục, tạo điều kiện mở lớp đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt chuẩn, kiên quyết đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện, xử lý đối với những vi phạm về pháp luật lao động, xếp loại công tác y tế trường học.
Bà Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh, cho biết: Những năm qua, giáo dục đào tạo và giáo dục mầm non tư thục luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm lựa chọn trong chương trình giám sát năm 2023. Vấn đề này được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến thế hệ tương lai, an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Đây cũng là nội dung nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Việc “chạm” đến những vấn đề nóng không chỉ đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân lên niềm tin của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước, mà còn hoàn thành lời cam kết vì nhân dân xuất phát từ trái tim những người đại biểu dân cử.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()