Giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và Giải thưởng WIPO 2023 hồi cuối tháng 5 vinh danh 47 công trình khoa học tiêu biểu, dựa trên tính mới, sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế. Giải thưởng tập trung 6 lĩnh vực trọng điểm gồm cơ khí tự động hóa; vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Trong đó, lĩnh vực Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, nhiều đề tài được áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ cộng đồng và xã hội.
Công trình nghiên cứu thiết kế chế tạo và tích hợp các hệ thống quan trắc môi trường và cảnh báo ô nhiễm phóng xạ trên biển của Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Tiến Anh cùng các cộng sự tại Học viện Kỹ thuật quân sự đoạt giải ba. Hệ thống quan trắc được thiết kế kiểu mô-đun cho phép thay thế, bổ sung các loại cảm biến, các khối chức năng một cách linh hoạt, phát triển các giải thuật xử lý tín hiệu thông minh, truyền thông theo nhiều phương thức đảm bảo liên lạc hai chiều thông suốt theo thời gian thực. Sự kết hợp linh hoạt trong chế tạo hệ thống nguồn, hệ thống truyền thông đảm bảo cho các thiết bị hoạt động độc lập trong khoảng thời gian dài trên biển.
Hệ thống cho phép quan trắc liên tục các thông số về môi trường và ô nhiễm phóng xạ tại khu vực biển. Các sản phẩm của công trình là mắt xích quan trọng trong hoàn thiện mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ trên đất liền, trên không và trên biển của Quân đội đảm bảo sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sự cố phóng xạ hạt nhân trên biển, góp phần giảm thiểu các tác động tới môi trường biển và con người
Một công trình khác về chế tạo thiết bị nuôi và sản xuất chế phẩm từ giun làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của TS Lê Xuân Hảo cùng cộng sự Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (đoạt giải ba).
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ và chế tạo hệ thống thiết bị nuôi tự động và chế biến giun đầu tiên tại Việt Nam, với quy mô 4 tấn giun/2,5 tháng. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 2 mô hình nuôi giun 300 m2 và 200 m2 áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tự động. So sánh với mô hình cũ, thời gian nuôi giun giảm từ 3,5 tháng xuống 2,5 tháng. Đặc biệt máy chế biến thức ăn nuôi giun từ chất thải hữu cơ phát triển từ công trình này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế hồi tháng 1. Đây là hệ thống chuẩn bị thức ăn nuôi giun đầu tiên tại Việt Nam, được thiết kế phù hợp với hộ gia đình, trang trại, công ty, đồng thời có thể tách thành 2 mô-đun nuôi và chế biến riêng lẻ tùy nhu cầu.
Công trình khác thuộc về sản phẩm Giống lúa TBR225 kháng bạc lá, do ThS.KS Trần Mạnh Báo, Thái Bình Seed, làm chủ nhiệm giành giải khuyến khích. Nhóm tác giả đã nghiên cứu cải tiến giống lúa TBR225 có tính trạng kháng sâu bệnh mà vẫn giữ được các đặc tính năng suất cao và chất lượng cơm gạo.
Giống lúa TBR225 do Thái Bình Seed chọn tạo có gene kháng bạc lá và kế thừa được các đặc tính tốt của giống lúa TBR225 nên tính thích ứng rộng phù hợp sản xuất các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. TBR225 kháng bạc lá tăng thu nhập cho nông dân từ 4 - 6 triệu đồng/ha so với TBR225.
Giống lúa TBR225 kháng bạc lá ra đời đã tạo ra một hướng đi mới trong sản xuất lúa ở các vùng thâm canh. Hiện giống được khảo nghiệm và đưa vào sản xuất tại 28 tỉnh thành với diện tích khoảng 15.000 ha.
Giải thưởng Vifotec do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên từ năm 1995. Đến nay đã có gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.
Ý kiến ()