Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:56 (GMT +7)
Những "sáng tạo vàng” vì sức khỏe nhân dân
Thứ 4, 14/02/2024 | 10:02:17 [GMT +7] A A
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 vừa công bố 79 công trình, giải pháp tiêu biểu, trong đó có 3/5 công trình của tỉnh Quảng Ninh thuộc ngành Y tế. Cả 3 công trình được ứng dụng không chỉ đạt hiệu quả cao trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân, mà còn mang lại niềm tin, hy vọng cho người bệnh.
Hơn 5 năm qua có hàng nghìn trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được dùng sữa mẹ hoàn toàn ngay sau sinh, giúp phòng ngừa được các bệnh lý liên quan nhiễm khuẩn, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh. Từ năm 2019 Bệnh viện đã xây dựng “Ngân hàng sữa mẹ” - là ngân hàng sữa mẹ thứ 3 trong nước và đầu tiên của miền Bắc.
Sữa do các sản phụ hiến tặng cho “Ngân hàng sữa mẹ” được xét nghiệm, thanh trùng và bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và chất lượng. Nguồn sữa này sẽ cung cấp miễn phí cho các bé sơ sinh chưa được tiếp cận sữa mẹ đẻ, đảm bảo cho các bé không phải dùng sữa công thức hoặc sữa các bà mẹ khác chưa qua xét nghiệm, thanh trùng. Trước khi có “Ngân hàng sữa mẹ”, tỷ lệ trẻ sử dụng sữa mẹ hoàn toàn tại Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là 1%; sau khi có “Ngân hàng sữa mẹ”, tỷ lệ này là 100%. Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Trưởng Khoa Sơ sinh, phụ trách “Ngân hàng sữa mẹ”, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: Sữa mẹ thanh trùng tốt hơn nhiều sữa công thức, đặc biệt giúp rút ngắn thời gian điều trị của trẻ mắc các bệnh về đường ruột, nhiễm khuẩn. Với trẻ đẻ non trước đây có thể điều trị kéo dài cả tháng, nhưng hiện tại nhờ ăn sữa mẹ tiệt trùng, ngày thứ nhất, thứ hai, bé đã dung nạp được. Từ thực tế đó, ngày càng có nhiều bà mẹ hiểu được giá trị và tự nguyện hiến tặng sữa.
“Ngân hàng sữa mẹ” được các y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh phát triển thành công trình “Ứng dụng, phát triển mô hình Ngân hàng sữa mẹ” lan tỏa giúp nâng cao chất lượng, thể chất toàn diện cho thế hệ người Quảng Ninh từ khi sinh ra. Với hiệu quả trong thực tiễn và lan toả giá trị nhân văn “Mẹ sinh ra 1 bé nhưng mẹ có thể làm mẹ của nhiều em bé”, công trình đã đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (2020-2021), được ghi vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Ung thư hay phải nằm trong phòng hồi sức tích cực khiến cho người bệnh không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn suy sụp về tinh thần, thậm chí có thể mất đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Là những người đồng hành, theo sát bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng những giải pháp tốt nhất để cứu chữa người bệnh. Hai công trình vừa được ghi trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 là: “Ứng dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể ECMO trong hỗ trợ tim và/hoặc phổi cho các bệnh nhân nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị hồi sức khác” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; “Kỹ thuật nút mạch kết hợp phá khối u bằng vi sóng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan” của Bệnh viện Bãi Cháy. Hai công trình này cũng đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (2020-2021).
Kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể ECMO là một kỹ thuật cao, mới và phức tạp nhất cho đến thời điểm hiện nay của chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Từ năm 2018 Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị y tế đầu tiên trong tỉnh triển khai, áp dụng thành công kỹ thuật này với kết quả điều trị tương đối khả quan. Hai năm đầu thực hiện (2018-2020) đã cải thiện các chỉ số, nâng cao cơ hội sống với 66,7% bệnh nhân phục hồi xuất viện. Đặc biệt, trong 1 tháng đã có 3 bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn nguy kịch được cứu sống ngoạn mục nhờ hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, đó là điều mà rất ít bệnh viện tuyến tỉnh làm được. Nhiều năm nay, ECMO đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân suy hô hấp và suy tuần hoàn nặng trên địa bàn tỉnh.
Phương pháp can thiệp điều trị khối u, ung thư tối thiểu như nút mạch, đốt u bằng công nghệ vi sóng... được ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển và một số bệnh viện tuyến trung ương của nước ta, nhiều năm nay đã được Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện thường quy. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Bãi Cháy điều trị thành công cho khoảng 40 bệnh nhân bằng phương pháp này. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn có giá trị tương đương với phẫu thuật, tính an toàn, hiệu quả cao, bảo tồn gan, hỗ trợ kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống và hy vọng khỏi bệnh cho các bệnh nhân ung thư gan tại tỉnh.
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()