Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 13:28 (GMT +7)
Những tấm bản đồ Quảng Ninh trong dinh Độc Lập
Thứ 7, 28/04/2018 | 08:41:01 [GMT +7] A A
Trong những ngày này, trên khắp cả nước diễn ra nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 – 2018). Trong đó, dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh) là một trong các điểm thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế. Đến tham quan dinh Độc Lập vào những ngày tháng tư lịch sử này, tôi đặc biệt chú ý đến những tấm bản đồ Quảng Ninh lưu giữ trong dinh.
Dinh Độc Lập nhìn từ phía trước |
Dinh Độc Lập có lịch sử hình thành lâu dài kể từ khi người Pháp xây dựng dinh năm 1868 cho đến ngày nay. Năm 1871, dinh được khánh thành và chính quyền thực dân Pháp gọi là dinh Norodom. Từ đó đến năm 1945, dinh là nơi ở của nhiều đời toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Tháng 9/1954, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, chính quyền Pháp trao trả dinh Norodom cho chính quyền Ngô Đình Diệm và dinh được đổi tên là dinh Độc Lập. Tháng 2/1962, quân đảo chính đã ném bom dinh Độc Lập làm hư hại một phần dinh. Không thể sửa chữa và khôi phục lại được nên Ngô Đình Diệm quyết định cho xây dựng lại dinh mới trên nền đất cũ. Dinh Độc Lập khởi công ngày 1/7/1962 đến ngày 31/10/1966 mới khánh thành. Thời gian thi công là 4 năm, bị gián đoạn 6 tháng do cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (tháng 11/1963).
Du khách tham quan phòng họp của Hội đồng An ninh quốc gia chính quyền Việt Nam Cộng hoà dưới tầng hầm của dinh |
Nằm trong khuôn viên rộng, dinh Độc Lập có chiều cao 26m. Mặt bằng của dinh rộng 4.500m2 với 3 tầng chính, 2 gác lửng, 1 sân thượng, 1 tầng nền và 1 tầng hầm. Toàn bộ diện tích các tầng của dinh khoảng 20.000m2 với gần 100 phòng. Mỗi tầng và mỗi phòng đều có kiến trúc, cũng như cách trang trí riêng phù hợp với mục đích sử dụng. Tháng 11/1976, dinh Độc Lập được đổi tên thành dinh (hay hội trường) Thống Nhất nhưng nhiều người vẫn quen gọi dinh Độc Lập hơn bởi sự kiện 30/4/1975.
Phòng làm việc của tướng Nguyễn Cao Kỳ, Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà vẫn được giữ nguyên |
Những năm qua, dinh Độc Lập vừa là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao của đất nước, của TP Hồ Chí Minh đồng thời cũng mở cửa để du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Các bài trí, vật dụng của chính quyền Sài Gòn trước đây được bảo tồn, giữ nguyên tối đa qua đó giúp du khách có cái nhìn cận hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Đến tham quan dinh Độc Lập, sau khi tham quan các phòng của 3 tầng chính, du khách sẽ được hướng dẫn thăm tổng hành dinh điều khiển chiến tranh nằm ngầm dưới lòng đất của chính quyền Sài Gòn trước đây. Đó là một khối hầm bê tông dày 0,6m, có thể chịu đựng được bom lớn và đạn pháo kích, hệ thống truyền tin mạnh, đáp ứng mục tiêu phòng thủ quân sự hiện đại nhất thời bấy giờ.
Một bảng thống kê lực lượng ta (chính quyền Sài Gòn gọi là lực lượng Việt cộng) treo dưới tầng hầm |
Trong các căn phòng dưới lòng đất của các cơ quan cục tác chiến, cục an ninh, tham mưu… của chính quyền Sài Gòn xưa có treo rất nhiều bản đồ, sa bàn, biểu đồ, thống kê. Có bản đồ thì mô tả các con đường (đường Hồ Chí Minh) của bộ đội ta (chính quyền Sài Gòn chú thích, gọi là cộng sản) gồm đường bộ, hệ thống cung cấp xăng dầu, điểm đóng quân, hướng tiến quân, khu vực phòng thủ của các sư đoàn chủ lực của ta. Lại có cả những biểu đồ thống kê số quân, số đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, pháo, thiết giáp… của ta.
Bản đồ khu Hồng Quảng treo tại phòng tác chiến Cục An ninh chính quyền Sài Gòn tại tầng hầm dinh Độc Lập |
Đáng chú ý, tại phòng tác chiến của Cục An ninh của chính quyền Sài Gòn xưa có 2 tấm bản đồ về khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Trên 2 tấm bản đồ này thể hiện chi tiết hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, núi, sông, những nơi nào trồng lúa, nơi nào là rừng… Trong bản đồ khu Hồng Quảng, có nơi còn dẫn tên địa danh tiếng Pháp, như hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long chú là Ile des Merveilles, hang Sửng Sốt là Ile de la Surprie, vịnh Hạ Long là Baile D,Along, Hà Tu là Hatou, Hòn Gai là Hon Gay, Bãi Cháy là Va Chai…
Không có năm xuất bản bản đồ nhưng căn cứ vào tên địa danh, có thể tấm bản đồ này đã được người Pháp lập và chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng. Đáng kể là địa danh Va Chai vốn đã được thể hiện nhiều trên các bản đồ thời Pháp. Phải chăng Va Chai chính là vạ chài – nơi các dân chài vẫn tụ họp sinh hoạt, sửa chữa thuyền bè? Để rồi sau bị gọi chệch đi thành Vạ Cháy rồi Bãi Cháy?
Bản đồ tỉnh Hải Ninh |
Phần bản đồ tỉnh Hải Ninh được trình bày khổ dọc, bao gồm một phần Cẩm Phả, đảo Kế Bào, quần đảo Vân Hải, Cô Tô và các huyện miền Đông. Tương tự bản đồ khu Hồng Quảng, bên cạnh tên tiếng Việt, nhiều địa danh bản đồ tỉnh Hải Ninh cũng chú tiếng Pháp như đảo Cái Bầu là Ile de Ke Bao, đảo Trà Bản là Ile de la Table, đảo Cái Chiên là Ile du Château Renaud, Móng Cái là Mon Cay… Trên bản đồ cũng thể hiện rõ rừng, núi, biển, khu vực canh tác lúa…
Mục đích sử dụng các tấm bản đồ trên của chính quyền Sài Gòn là gì? Chắc hẳn không ngoài các cơ quan an ninh, tác chiến của họ nghiên cứu để tìm cách đánh phá, nhất là những năm leo thang ném bom phá hoại miền Bắc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Quảng Ninh đã nhiều lần ngăn chặn, bắt sống các toán biệt kích của Mỹ - nguỵ xâm nhập dọc các địa phương ven biển từ Yên Hưng đến Móng Cái. Trước khi xâm nhập, hẳn các toán biệt kích này đã nghiên cứu kỹ bản đồ Hải Ninh, khu Hồng Quảng.
Lịch sử đã sang trang và thời gian dần lùi xa nhưng những tấm bản đồ trong dinh Độc Lập kể trên chắc chắn vẫn là những tư liệu quý cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về các địa danh Quảng Ninh xưa.
Đáng nói nữa, phần nhiều các tỉnh miền Bắc được thể hiện trên các bản đồ chung, hai tấm bản đồ khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh là một trong số ít tỉnh được các cơ quan an ninh, tham mưu tác chiến của chính quyền Sài Gòn “đặc tả” riêng. Phải chăng, Quảng Ninh ngày ấy có gì đặc biệt đối với họ?
- Dinh Độc Lập trước kia còn có tên gọi là dinh Norodom, từ tháng 11-1976 được mang tên dinh Thống Nhất.
- Dinh Độc Lập hiện ở số 106, Nguyễn Du, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Khuôn viên của dinh hiện nay có diện tích 18ha.
- Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 77A- VHQĐ ngày 25-6-1976.
- Ngày 12-8-2009 Dinh được tôn vinh là Di tích quốc gia đặc biệt.
|
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()