Tất cả chuyên mục

Đối với những người không may mắn mất đi thị giác của mình, khi bóng tối trở thành “bạn đồng hành” trong suốt cuộc đời, tâm lý mặc cảm, tự ti, chán chường chắc chắn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tấm gương người khiếm thị biết vượt lên số phận, tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối...
“Ánh sáng” từ đôi bàn tay
Theo chân ông Trần Hữu Quảng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chúng tôi về TP Cẩm Phả thăm gia đình anh Hoàng Quang Hoà, Chủ tịch Hội Người mù TP Cẩm Phả. Cơ sở tẩm quất Quang Hoà do anh làm chủ, cũng chính là căn nhà của 3 anh chị em nằm trong một con ngõ nhỏ ở phường Cẩm Thuỷ. Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, số phận thật trớ trêu khi anh Hoà cùng một người chị gái và cô em út đã không nhìn thấy ánh sáng ngay từ khi ra đời... Nhớ lại những ngày còn thơ bé, anh Hoà vẫn không quên được nỗi buồn khi biết mình và chị gái bị mù bẩm sinh, sau đó là chứng kiến em gái út của mình cũng không nhìn thấy được ánh sáng. 3 anh chị em luôn gắn bó, thân thiết, sống với nhau bằng tất cả sự đùm bọc và yêu thương.
![]() |
Chị Hoàng Thị Tuyết (bên phải) cùng chị gái tẩm quất, bấm huyệt cho khách tại cơ sở dịch vụ của gia đình, phường Cẩm Thuỷ, TP Cẩm Phả. |
Năm 2000, anh chị em thống nhất cho anh Hoà đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt, tẩm quất cổ truyền do Hội Người mù Cẩm Phả tổ chức. Hoàn thành khoá học, có nghề trong tay, đi làm thuê cho cơ sở dịch vụ tẩm quất để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho chị và em gái. Đến năm 2003, anh mạnh dạn tách ra tự mở cơ sở tẩm quất riêng ở nhà mình, dạy lại nghề cho chị và em. Do không đủ vốn, anh đặt làm 1 tấm biển hiệu nhỏ và mua 2 chiếc giường để làm nghề. Nhờ sự cần cù, vượt khó và quan trọng nhất là sự đùm bọc, yêu thương nhau của 3 anh chị em, cơ sở của anh ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ, thu nhập dần ổn định, khấm khá hơn.
Cuối năm 2003, anh Hoà lập gia đình riêng. Thật may mắn khi 3 đứa con của vợ chồng anh Hoà lần lượt ra đời đều vẹn tròn, khoẻ mạnh. Đến năm 2005, anh Hoà xây được một căn nhà rộng rãi, khang trang, tiếp tục đầu tư thêm phòng, thêm giường để làm nghề. Em gái út của anh Hoà, chị Hoàng Thị Tuyết, sau đó được Hội Người mù TP Cẩm Phả cho đi học nâng cao tay nghề, hiện giờ đang là người phụ trách chính ở cơ sở dịch vụ của 3 anh chị em. May mắn cũng mỉm cười với chị khi năm 2012, chị sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, hoàn toàn khoẻ mạnh, đủ đầy. Giờ đây, có nghề trong tay, 3 anh chị em vẫn tiếp tục cố gắng, nỗ lực, nương tựa vào nhau, nuôi dạy các con, cháu ăn học.
“Rừng keo đẹp nhất thôn Bản Ngày”
Chia tay anh Hoàng Quang Hoà, chúng tôi rời TP Cẩm Phả để lên huyện Bình Liêu, đến thăm gia đình chị Sái Thị Lồng (thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại). Đến đầu thôn, hỏi đường vào nhà chị, ai cũng chỉ được ngay vì ngôi nhà mới được xây khang trang, to đẹp. Và đặc biệt nhất là trong các rừng keo của các hộ dân trong thôn thì rừng keo của vợ chồng chị Lồng là đẹp nhất.
![]() |
Vợ chồng chị Sái Thị Lồng (thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) cùng làm cỏ, chăm sóc rừng keo của gia đình. |
Chị Lồng vốn không phải mù bẩm sinh. Thị lực của chị bị mất đi từ hồi chị 15 tuổi. Ở tuổi thiếu nữ, việc đột ngột mất đi ánh sáng khiến chị rất buồn, đầy mặc cảm và tự ti trong cuộc sống. Nhưng số phận cũng không quá khắc nghiệt đối với chị khi năm 2004, chị đã được anh Dìu người cùng thôn hỏi cưới. Người trong thôn vẫn trêu vui anh chị thật vừa khéo “trời sinh một cặp” khi anh Dìu là người khuyết tật ở chân đã nên duyên với chị Lồng bị khiếm thị. Hai vợ chồng chị Lồng anh Dìu không vì những khiếm khuyết của bản thân mà nhụt chí. Vốn là người chăm làm, anh Dìu cùng chị Lồng ngày ngày chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, lo cho cuộc sống và đứa con của mình.
Năm 2014, vợ chồng chị Lồng nhận được nguồn vốn từ chương trình Hỗ trợ vật nuôi, cây trồng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn của Uỷ ban MTTQ tỉnh với số tiền 5 triệu đồng. Được sự định hướng, giúp sức của Hội Người mù huyện Bình Liêu, anh chị đã đầu tư trồng rừng keo và dong riềng. Đến năm 2015, từ chương trình hỗ trợ bò giống cho người nghèo và sự hỗ trợ của huyện, chị Lồng đã mạnh dạn phát triển thêm việc chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò của anh chị đã có gần chục con, còn rừng keo qua hơn 3 năm được chăm sóc bởi 2 đôi bàn tay cần cù, chịu khó đã phát triển và sinh trưởng tốt, được bà con đánh giá là rừng keo to đẹp nhất thôn. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, gia đình chị Lồng đã thoát diện hộ nghèo từ năm 2016.
Đỗ Minh
Ý kiến ()