Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 17:55 (GMT +7)
Những tấm gương về sự tận tụy, lòng yêu nghề, yêu trẻ
Thứ 2, 08/04/2024 | 08:47:41 [GMT +7] A A
Chăm sóc, dạy dỗ trẻ em bình thường đã là công việc vất vả, với những trẻ không may mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ càng khó khăn gấp gội. Những giáo viên nuôi dạy trẻ tự kỷ không chỉ cần có chuyên môn giỏi, mà còn cần có tình thương, sự đồng cảm đối với các em, thắp lên niềm tin cho trẻ tự kỷ và gia đình các em.
Giúp trẻ khuyết tật, tự kỷ hòa nhập cộng đồng là một trong những mục tiêu của ngành Giáo dục trong những năm gần đây. Những lớp học vừa có trẻ bình thường vừa có trẻ khuyết tật là hình ảnh dễ thấy tại nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh. Đây là cách gần nhất, dễ nhất để trẻ khuyết tật, tự kỷ sớm hòa nhập, đồng thời cũng là cách để giáo dục ý thức sẻ chia, đồng cảm cho học sinh nhà trường. Tuy nhiên, để giảng dạy ở những lớp học này, đòi hỏi giáo viên bên cạnh trình độ chuyên môn cần có tình thương và các biện pháp tâm lý để tạo hiệu quả cao trong lớp học.
Cô giáo Phạm Thị Thảo, Trường Tiểu học Đông Mai (TX Quảng Yên) đã nhiều năm gắn bó với trẻ khuyết tật, tự kỷ. Những ngày đầu giúp học sinh khuyết tật làm quen nền nếp với cô Thảo là công việc vô cùng khó khăn, bởi các em đều chưa biết tự vệ sinh cá nhân, tiếp thu rất chậm. Cô Thảo vừa nhẫn nại chăm sóc, rèn giũa học sinh khuyết tật, vừa kiên trì giải thích với các bậc phụ huynh để tìm sự đồng cảm và sẻ chia. Cô còn hướng dẫn phụ huynh một số kỹ năng giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng nơi sinh sống. Sự tận tâm của cô Phạm Thị Thảo đã tạo dựng tình yêu thương sâu sắc mà học sinh khuyết tật dành cho cô, nhiều học sinh dù đã theo học ở các lớp lớn hơn, nhưng hễ có việc lại chạy đi tìm cô Thảo để nhờ giúp đỡ.
Một trong những giáo viên trẻ khởi nghiệp thành công trên con đường hỗ trợ trẻ tự kỷ là cô giáo Bùi Kiều Chinh. Cô đã đoạt giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp năm 2018 với Đề án giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.
Cô giáo Chinh học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 6/2009 cô thành lập Nhóm lớp mầm non tư thục Ánh Sao. Đến năm 2010 cô nhận thêm trẻ ở nhiều dạng tật: Tự kỷ, khiếm thính, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ… Đến nay cơ sở trở thành Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) là địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình có trẻ tự kỷ.
Trung tâm có thể đáp ứng dạy 60 trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ từ 20 tháng đến 18 tuổi học theo nhóm hoặc 1-1 (1 giáo viên dạy 1 học sinh). Cô giáo Chinh tâm niệm, bằng những kiến thức của mình chia sẻ những khó khăn vất vả của những bậc cha, mẹ có con bị mắc hội chứng tự kỷ.
Cùng với rất nhiều các cơ sở tư nhân hỗ trợ và dạy trẻ tự kỷ, Cơ sở Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Sở LĐ-TB&XH) là một trong những đơn vị công lập có tổ chức dạy các kỹ năng cho trẻ tự kỷ và câm điếc. Đến với những lớp học dành cho trẻ tự kỷ, khiếm thính của Trung tâm cảm nhận rõ sự khác biệt của những học sinh nơi đây. Mỗi lớp học có khoảng 15 học sinh, được gửi vào đây để học chương trình chuyên biệt. Không thể biểu đạt bằng lời, nhưng những cử chỉ, ánh mắt của các em khiến cho người khác hiểu được suy nghĩ của mình. Đó là nhờ sự dày công, tâm huyết của những giáo viên nơi đây.
Công tác giáo dục trẻ khuyết tật, tự kỷ được tỉnh rất quan tâm. Cùng với những chính sách của tỉnh và ngành Giáo dục, có rất nhiều giáo viên đã không ngại khó khăn, tự nguyện học hỏi chuyên môn, kỹ năng để dạy dỗ trẻ khuyết tật, tự kỷ, đem lại sự tự tin, góp phần làm giảm đi những thiệt thòi, mất mát mà các em không may gặp phải. Các thầy cô xứng đáng là những tấm gương về sự tận tụy, lòng yêu nghề, yêu trẻ, giúp lan tỏa tình yêu thương trong cuộc sống.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()