Tất cả chuyên mục

Ngày 27/2/1955, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ ngành Y tế. Trong thư, Người căn dặn thầy thuốc: “Lương y phải như từ mẫu”. 70 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Y tế Quảng Ninh đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, trở thành một trong những địa phương có chất lượng y tế cao trong cả nước.
Tự hào những thầy thuốc Quảng Ninh
Bệnh viện Bãi Cháy là một trong 3 bệnh viện chuyên sâu của tỉnh. Đơn vị đã và đang không ngừng đổi mới, hiện đại hóa từ cơ sở vật chất đến trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ; tinh thần thái độ, chất lượng phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Tất cả những thành tích đó là công sức, trí tuệ của tập thể các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Bãi Cháy, trong đó có sự đóng góp không hề nhỏ của Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ CKII Lê Ngọc Dũng (Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy). Đặc biệt, bác sĩ Dũng là người đặt nền móng, phát triển mạnh mẽ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh sọ não tại Quảng Ninh. Với đôi “bàn tay vàng”, bác sĩ đã cứu sống hàng nghìn người bệnh mắc các bệnh lý về thần kinh sọ não. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do ông triển khai thực hiện được áp dụng hiệu quả tại đơn vị, như: Đo áp lực nội sọ trong theo dõi, điều trị chấn thương sọ não nặng, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, phẫu thuật nội soi ngực đốt hạch giao cảm, kỹ thuật đóng đinh nội tủy có chốt không mở ổ gãy trong điều trị gãy hai xương cẳng chân…
Suốt 34 năm cống hiến cho ngành Y, Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Dũng luôn là người thầy thuốc tiêu biểu về y đức và tài năng, với sự tận tâm, tận lực, luôn được người bệnh tôn trọng, biết ơn và trân quý. Đồng thời, bác sĩ Dũng cùng tập thể lãnh đạo bệnh viện quan tâm đào tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ y, bác sĩ học tập, nâng cao tay nghề, làm chủ nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó đưa vào triển khai ngay tại cơ sở phục vụ tốt nhất điều trị cho người bệnh. “Bệnh viện Bãi Cháy thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi, mỗi bệnh nhân trở thành người thân của tôi. Tình yêu nghề đã tiếp thêm cho tôi động lực để nỗ lực học tập, mạnh dạn đi đầu ứng dụng các kỹ thuật mới, nhằm làm giảm bớt đau đớn, chi phí, có thể cứu chữa mang lại sự sống cho bệnh nhân, đó là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Đối với tôi, mỗi sáng kiến, nghiên cứu khoa học của riêng mình được ứng dụng chỉ là thành công nhỏ mà việc có thể truyền lửa, lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học cho đồng nghiệp, cho thế hệ y, bác sĩ trẻ mới là thành công lớn. Vì vậy những năm gần đây, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã tích cực nghiên cứu nhiều đề tài khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được đánh giá với chất lượng cao và áp dụng hiệu quả trong khám chữa bệnh phục vụ nhân dân” - Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Dũng chia sẻ.
Ngày 27/11/2017, em bé đầu tiên ra đời nhờ ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Quảng Ninh. Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trở thành một trong 27 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc làm chủ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm thời điểm đó. Đến nay đã có hơn 2.700 cháu bé ra đời từ phương pháp hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện, mang đến cơ hội làm cha mẹ cho hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Để có ngày “lịch sử” ấy là sự hy sinh thầm lặng, cống hiến chưa bao giờ ngơi nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, trong đó không thể không nhắc đến Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Đỗ Duy Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Bác sĩ Long là người tiên phong đưa các kỹ thuật cao IVF và chẩn đoán di truyền vào điều trị vô sinh hiếm muộn tại Quảng Ninh.
Thầy thuốc ưu tú Đỗ Duy Long bộc bạch: “Được chứng kiến niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của mỗi gia đình khi đón con chào đời sau một hành trình nhiều vất vả luôn để lại những xúc động sâu sắc trong lòng tôi. Chẳng có gì quý hơn, khi sau cánh cổng bệnh viện, những gia đình, những bệnh nhân vẫn luôn nhận ra, thân mật chào hỏi, gửi lời cảm ơn, tình cảm chân thành đến với bác sĩ. Sự ghi nhận đó của người dân là lời nhắc nhở tôi không ngừng nỗ lực, tiếp tục cùng đồng nghiệp phát triển thật nhiều kỹ thuật mới để chăm sóc toàn diện sức khỏe bà mẹ và rẻ em trên địa bàn tỉnh. Tôi tin rằng với đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản, bệnh viện có thể tiếp nhận nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu ngang tầm Trung ương, phấn đấu trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I”.
“Sáng về y đức - giỏi về y thuật”, luôn miệt mài từng ngày cống hiến cho ngành Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đó là những nhận xét đầy tự hào của các đồng nghiệp khi nhắc về Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thầy thuốc ưu tú Phạm Việt Hùng được biết đến là bác sĩ ngoại khoa đa tài, với việc thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó, phức tạp cứu sống hàng nghìn người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Hùng hiện là bác sĩ duy nhất của tỉnh thực hiện được kỹ thuật mổ tim hở, với gần 200 ca mổ tim hở thành công, mang lại niềm hy vọng cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim mạch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, anh cũng là chuyên gia hàng đầu của tỉnh trong lĩnh vực phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, ung bướu và phẫu thuật mạch máu. Đặc biệt, bác sĩ Hùng còn là nhân tố quan trọng tham gia vào tiếp nhận kỹ thuật ghép thận, dự kiến triển khai tại bệnh viện trong quý II/2025.
Anh Lê Anh Tuấn (huyện Vân Đồn) xúc động bày tỏ: “Xin cảm ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đó có bác sĩ Hùng đã hồi sinh trái tim của tôi. Cách đây 20 năm, tôi đã từng từng mổ tim để thay van hai lá, van động mạch chủ tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội). Với lần mổ tim thứ 2, ca bệnh của tôi được xác định rất khó. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu thông tin và được các bác sĩ tư vấn, giải thích thì tôi đã lựa chọn mổ ngay tại tỉnh, giảm chi phí điều trị. Hồi tỉnh sau phẫu thuật, thấy các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe hồi phục nhanh, tôi vô cùng xúc động và biết ơn”.
Ngành Y tế Quảng Ninh luôn tự hào có đội ngũ thầy thuốc tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh và đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, phát triển nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh. Từ năm 1995 đến nay, toàn ngành đã có 8 bác sĩ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 163 bác sĩ, điều dưỡng được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Những danh hiệu cao quý ấy không chỉ là niềm tự hào, là sự ghi nhận đối với mỗi y, bác sĩ trên hành trình thực hiện sứ mệnh thiêng liêng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn là niềm vinh dự to lớn, khẳng định thương hiệu, vị thế của ngành Y tế Quảng Ninh.
Hành trình 70 năm thi đua làm theo lời Bác
Năm 2025 đánh dấu 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, đây là một chặng đường dài đầy tự hào của ngành Y tế cả nước nói chung và ngành Y tế Quảng Ninh nói riêng. Trong suốt bảy thập kỷ qua, đội ngũ y, bác sĩ Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngành Y tế tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ thời kháng chiến gian khổ đến giai đoạn xây dựng và đổi mới đất nước; đội ngũ thầy thuốc luôn tiên phong trên tuyến đầu, đối mặt với những dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai và chiến tranh. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tinh thần “Lương y như từ mẫu” càng được thể hiện rõ nét, khi hàng nghìn thầy thuốc sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, dồn sức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hay mới đây trong cơn bão số 3 (Yagi), toàn ngành đã huy động tối đa nhân lực đảm bảo tốt công tác sơ cấp cứu tiếp nhận điều trị và xử lý hơn 2.000 bệnh nhân bị tổn thương do bão.
Trong quá trình phát triển, ngành Y tế tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, tạo nguồn lực để đổi mới và hiện đại hóa lĩnh vực y tế. Một loạt các công trình bệnh viện lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng, gồm: Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với tổng mức đầu tư lên tới 1.509 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục đầu tư 4.875 tỷ đồng xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2; cải tạo, xây mới Trung tâm Y tế TP Đông Triều và đầu tư xây dựng mở rộng Bệnh viện Bãi Cháy. Hiện mạng lưới y tế rộng khắp, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở với 30 bệnh viện tuyến tỉnh và TTYT tuyến huyện; 171 trạm y tế tuyến xã. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thuộc UBND tỉnh quản lý. Toàn tỉnh có trên 600 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân; trong đó có 3 bệnh viện tư nhân chất lượng cao là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long vận hành theo chuẩn mực quốc tế JCI của Hoa Kỳ, Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga và Bệnh viện Mắt Hà Nội - Hạ Long.
Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều bước tiến vượt bậc với sự phát triển của y học hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giúp người dân được tiếp cận với những phương pháp điều trị tiên tiến. Từ năm 2020 đến nay, đội ngũ thầy thuốc toàn ngành đã nỗ lực thi đua sáng tạo, nghiên cứu, triển khai thành công 13 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và trên 2.000 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Qua đó đã ứng dụng hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh, nổi bật như các kỹ thuật phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch, điều trị đột quỵ, hồi sức, điện quang can thiệp, phẫu thuật thần kinh - cột sống, nuôi sống trẻ sinh non nhẹ cân… Hiện, các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh đã triển khai được 50% kỹ thuật tuyến Trung ương. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành nhằm giúp người dân yên tâm điều trị ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến. Đến nay, tỷ lệ chuyển tuyến của Quảng Ninh chỉ còn 3,57%, thấp nhất trong các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Toàn ngành đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Đạt 57,7 giường bệnh/vạn dân (toàn quốc đạt 32,5 giường bệnh/vạn dân); 17 bác sĩ/vạn dân (toàn quốc đạt 14 bác sĩ/vạn dân); 7 dược sĩ đại học/vạn dân (toàn quốc đạt 3,08 dược sĩ đại học/vạn dân); 25 điều dưỡng/vạn dân (toàn quốc đạt 18 điều dưỡng/vạn dân). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,56% (mục tiêu toàn quốc là 94,1%). Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt 100% (chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Y tế năm 2024 tính đạt 90%). Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cơ bản được kiểm soát, bao gồm HIV/AIDS và các bệnh không lây nhiễm khác.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; tập trung nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Công tác đào tạo, phát triển, thu hút nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực với các nước có nền y học hiện đại trong khu vực và trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tiếp tục thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý, cung cấp dịch vụ, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân.
Ý kiến (0)