Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:50 (GMT +7)
Những trang viết từ cuộc sống
Thứ 7, 20/06/2015 | 09:45:52 [GMT +7] A A
Chính từ hiện thực cuộc sống, báo chí đã kịp thời phản ánh những thành tựu cũng như những khó khăn, hạn chế trong những chủ trương, chính sách đã ban hành… Từ đó, đề xuất, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho “ý Đảng, lòng dân” trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với nhà báo Hải Chinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, ông chia sẻ, mỗi lần đi thực tế, ông lại càng thêm yêu nghề và quý trọng những tác phẩm của mình. “Như lần được tòa soạn cử đi làm trang báo về Móng Cái. Cửa khẩu Móng Cái khi đó bắt đầu mở cửa đã thu cho ngân sách nhà nước rất lớn, có ngày cao nhất, cả thu hải quan và nội địa là 7 tỷ đồng. Nhưng tất cả nguồn thu đó đều nộp hết về ngân sách Trung ương mà không có trích lại cho địa phương. Trước thực tế đó, tôi đã thực hiện bài báo “Thử quên Móng Cái trong 2 năm”. Từ thực tế phản ánh của báo chí và cũng chung quan điểm với tỉnh, sau đó không lâu, Trung ương đã ra Nghị quyết số 675, với nội dung là để lại 50% thu từ cửa khẩu Móng Cái cho việc đầu tư, phát triển địa phương”.
Nhà báo Lê Hồng Nhung, Báo Quảng Ninh, đang tác nghiệp tại huyện Bình Liêu. Ảnh: HÙNG SƠN |
Còn với nhà báo trẻ Lê Hồng Nhung, Phó Phòng Điện tử, Báo Quảng Ninh, thì sau mỗi bài báo, sự ghi nhận, đánh giá của cơ sở càng làm động lực để chị có những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống. Tiêu biểu có thể kể đến là chuyên đề: “Đằng sau mùa sứa: Nguồn lợi khồng lồ- Bảo vệ nguồn lợi thế nào?” đã đoạt giải ba báo chí Quảng Ninh năm 2013. Nhà báo Hồng Nhung cho biết: “Đề tài này được lấy từ thực trạng người dân ồ ạt khai thác sứa để bán cho thị trường Trung Quốc. Họ vẫn gọi công việc đánh bắt sứa là “vớt vàng trên biển” vì nguồn lợi khổng lồ mỗi năm từ nghề này mang lại. Tuy nhiên, tôi đặt ra câu hỏi: Liệu có đúng là thứ lộc trời này sẽ chẳng bao giờ cạn kiệt, như cách nghĩ của ngư dân? Sau khi loạt bài đăng tải, các địa phương có nguồn lợi sứa lớn như Vân Đồn, Cô Tô đã có những buổi làm việc để bàn về công tác bảo đảm nguồn lợi thủy hải sản nói chung, sứa nói riêng. Là nhà báo, tôi thật sự cảm thấy vui và hạnh phúc khi thấy mình có thể đóng góp được một điều gì cho sự phát triển của các địa phương”.
Nhà báo Thu Giang, Phó Phòng Biên tập QTV3, Đài PT-TH tỉnh, có kỷ niệm đáng nhớ là loạt bài về việc chi trả lương hưu chưa khoa học của Bảo hiểm xã hội TP Hạ Long. Nhà báo Thu Giang kể: “Một ngày đi làm về, tôi thấy các ông bà ở xóm cứ xôn xao bàn tán. Họ có vẻ bức xúc về điều gì đó. Thì ra là việc hôm đó là ngày đầu tiên Bảo hiểm xã hội giao lương hưu về cho cán bộ phường xã chi trả, thay vì các nhân viên bảo hiểm trả như trước đây. Cả ngày các ông các bà về hưu ra nhà văn hóa phương xếp lốt mà vẫn chưa được lĩnh lương, ai cũng bực bộ. Chiều hôm ấy, chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa phường Hồng Hải. Một cảnh tượng xếp hàng đông hơn thời bao cấp... Không chỉ có phường Hồng Hải, tình trạng trên cũng xảy ra ở các phường Cao Thắng, Hà Lầm, Hồng Hà... Ngày lĩnh lương lẽ ra là một ngày vui, nhưng vô tình đã mang về cơn bực mình cho những người già vốn chỉ trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi. Phóng sự “Lĩnh lương hưu hay lĩnh sự bực mình” của tôi đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội. Một vài cơ quan báo chí khác cũng cho phóng viên vào cuộc để phản ánh. Chỉ trong một thời gian ngắn, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo nghiêm túc tới Bảo hiểm xã hội thành phố Hạ Long để khắc phục tình trạng trên.
Nhà báo “gánh” trên vai mình nhiệm vụ rất nặng nề, đó là cung cấp thông tin đúng sự thật. Cũng đồng nghĩa với việc nhà báo sẽ gặp những áp lực, nguy hiểm từ việc phanh phui những mặt trái của xã hội. Vì vậy, báo chí và những người làm báo cần phát huy bản lĩnh cách mạng, đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời đến toàn thể xã hội; giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu và nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Trong cuốn 50 năm Báo Quảng Ninh, nhà báo Bùi Thị Thùy Linh, Trưởng Phòng Xây dựng Đảng- Nội chính, Báo Quảng Ninh, đã kể về những lần “bị kiện” của mình. “Năm 2005, khi viết bài về những sai phạm trong quản lý đất đai ở xã Hoàng Tân, Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), tôi đã nhận được những cuộc điện thoại đe dọa của một số cá nhân. Thậm chí, có một lãnh đạo của huyện còn phản hồi tới lãnh đạo Báo là bài báo không đúng, sai sự thật… Hay năm 2008, sau khi viết bài “Công ty CN tàu thủy Sông Chanh – Nhiều vi phạm về pháp luật lao động”, không chỉ bị phản hồi về cơ quan, tôi còn bị lãnh đạo Công ty viết đơn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh… là tôi cố tình viết sai sự thật, rằng bài viết “vì tư thù cá nhân”, “làm ảnh hưởng đến hệ thống chính trị”… Trước những vụ việc này, nhà báo Thùy Linh đã bình tĩnh giải quyết và được tòa soạn, Hội Nhà báo tỉnh đứng ra bênh vực vì những bài viết của chị đều phản ánh đúng sự thật.
Còn rất nhiều nhà báo hàng ngày, hàng giờ đang tìm tòi từ thực tế cuộc sống để kịp thời phản ánh những thành tựu cũng như những khó khăn, hạn chế trong những chủ trương, chính sách đã ban hành. Từ đó đề xuất, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho “ý Đảng, lòng dân” trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()