Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 14:24 (GMT +7)
Những tư liệu quý và hành trình phát triển của thành phố thủ phủ
Thứ 7, 25/11/2023 | 08:43:04 [GMT +7] A A
Từ nền tảng của TX Hòn Gai nhỏ bé, sau 30 năm xây dựng và phát triển, TP Hạ Long đã vươn mình trở thành đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc... Trong sự phát triển mạnh mẽ đó luôn song hành việc bảo tồn và kiến tạo sự phát triển - thứ giá trị cốt lõi luôn nằm sâu trong mỗi trái tim người Hạ Long.
Người lưu giữ những tư liệu quý
Tại lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, NSNA Đỗ Kha (85 tuổi) vẫn miệt mài nâng máy, chụp từng khoảnh khắc trong lễ kỷ niệm. Ông Kha cười, trao đổi với nhóm phóng viên trẻ tại sự kiện: Chụp thêm mấy bức để hoàn thiện cuốn sách ảnh "Biên niên sử bằng ảnh về TP Hạ Long tươi đẹp".
NSNA Đỗ Kha sinh ra và lớn lên ở TP Hạ Long. Tâm hồn nghệ sĩ thấm đẫm tiếng ru của gió, của sóng biển theo ông lớn lên, tình yêu quê hương đối với ông luôn cháy bỏng. Ông có thể nhịn ăn, dành tiền lương thuê thuyền ra vịnh, đi khắp các khu mỏ săn tìm những khoảnh khắc ít người có thể biết; lặn lội ngày đêm để có những bức ảnh đẹp, toát lên vẻ thần thái của núi và nước, của sương, nắng, mưa, mây khói và trăng trên Vịnh Hạ Long, hay những moong than, những khu phố cũ... Ông đã hoàn thành bộ ảnh và chọn được 160 tấm phim dương bản tâm đắc để tỉnh trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994), cùng nhiều cuốn sách ảnh đã là sản phẩm du lịch ấn tượng tặng bạn bè quốc tế những năm qua.
Nói về TP Hạ Long, NSNA Đỗ Kha luôn dành cho vùng đất này tình yêu thương cháy bỏng nhất. Đây cũng là lý do ông luôn tìm cách bấm máy bằng cả tấm lòng, lưu giữ từng khoảnh khắc đổi thay của quê hương mình. NSNA Đỗ Kha chia sẻ: Đô thị Hạ Long mới đã thay đổi rất nhiều, ngày càng hiện đại, đẹp, gây ấn tượng với mọi người. Nếu trước đây là phố than, phố “đen” thì nay đã chuyển “xanh”. Song những ký ức về nơi chốn, cái hồn của thành phố này vẫn tồn tại và hiện hữu trường tồn qua những bức ảnh. Núi Bài Thơ là linh hồn của thành phố, là biểu tượng của tinh thần Vùng mỏ với ngọn cờ đỏ luôn tung bay trên đỉnh núi; hòn Trống mái trường tồn cùng thời gian vẫn nườm nượp đón hàng triệu du khách tham quan mỗi năm… Do vậy, tôi vẫn tiếp tục chụp, lưu lại những đổi thay, những thứ đẹp nhất của quê hương mình.
TP Hạ Long trước đây là TX Hòn Gai chủ yếu toàn than, các tuyến đường chính lầy lội bụi than. Tiếng là phố mà như một công trường than, than ở ngay giữa lòng phố, bao quanh phố. Khi đó nhắc đến Hòn Gai, người ta chỉ biết đến than, hay phố “đen”.
Hòn Gai sở hữu một Vịnh Hạ Long tuyệt sắc, với vô vàn cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng. Có điều, để đến Hòn Gai từ phía Tây, tuyến đường độc đạo vẫn là QL18 nhỏ hẹp với 2 làn xe, chia cắt bởi phà Bãi Cháy, giao thông vô cùng khó khăn. Một ngày chỉ có vài chuyến xe đi ra tỉnh ngoài và nội tỉnh, nếu không xếp hàng từ sớm thì khó có thể mua được vé. Vì thế, du lịch và dịch vụ không có gì nổi bật ngoài bãi tắm Bãi Cháy. Đầu những năm 1990, mới xuất hiện vài chiếc tàu vỏ gỗ thô sơ đưa đón khách thăm vịnh từ Cảng Hòn Gai; hệ thống khách sạn, nơi lưu trú khá đơn điệu.
Trước yêu cầu phát triển của TX Hòn Gai trong thời kỳ mới, ngày 27/12/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 102-CP, thành lập TP Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh. Năm 1994 Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là giai đoạn Hạ Long có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhiều ý tưởng mới trong tháo gỡ điểm nghẽn, đổi mới mô hình tăng trưởng đã bắt đầu hình thành. TP Hạ Long bắt đầu tập trung cho phát triển dịch vụ, du lịch, mở rộng đô thị.
Trong sự phát triển đó, NSNA Đỗ Kha với vai trò là người ghi lại những thay đổi, với mong muốn lưu giữ tinh thần nơi chốn, cảnh đẹp quê hương mình bằng việc không ngừng chụp bất cứ lúc nào có thể, cảnh sắc về quê hương đều hiện trong ảnh, trong từng góc ông bấm máy. Để đến nay, khó ai có được gia tài đồ sộ, sở hữu hàng nghìn bức ảnh về Hòn Gai xưa và Hạ Long nay như ông.
Giá trị bền vững của thành phố thủ phủ
Ngồi trong ngôi nhà riêng trên đường Lê Thánh Tông, NSNA Đỗ Kha hồi tưởng: Khu vực này từng là tuyến đường sôi động, gắn vào ký ức của người dân TX Hòn Gai trước đây. Khi cầu Bãi Cháy được xây dựng, bến phà Bãi Cháy ngừng hoạt động đã biến cả một khu vực trung tâm cũ, từ phà Bãi Cháy đến rạp Bạch Đằng, dọc đường Lê Thánh Tông dài khoảng 1,5km không còn là trung tâm do không phải là đường kết nối giao thông chính của đô thị.
Các không gian như: Bến phà, rạp Hạ Long, SVĐ Hòn Gai, Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật, Bách hóa tổng hợp và các tuyến phố thương mại nhộn nhịp trước đây trở nên vắng lặng, phần vì đã chuyển đổi chức năng, phần vì thiếu sức hút. Tuy nhiên, thành phố lại được mở rộng hơn rất nhiều, những khu vực như Cao Xanh, Hà Khánh, Hà Lầm vốn vắng vẻ, thì nay xuất hiện nhiều nhà cao tầng, đô thị sầm uất, hạ tầng bài bản, đường xá rộng rãi toát lên vẻ hiện đại và phát triển, nhân dân được hưởng hạnh phúc.
Khi lên thành phố, mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền TP Hạ Long đã bám sát các mục tiêu đề ra, quyết tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch mới, điển hình. Sự phát triển chuyển đổi kinh tế từ “nâu" sang "xanh” đã tạo nên những biến đổi không gian lớn. Các chức năng liên quan đến khai thác mỏ như kho than, nhà máy sàng tuyển than, cảng than đã được di chuyển vào năm 1998. Lần đầu tiên trong lịch sử, khu vực trung tâm TP Hạ Long thoát khỏi cảnh bụi bặm than đen, thành phố trẻ như được "khoác lên mình tấm áo mới" với gam màu tươi sáng.
Sở hữu kỳ quan, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận, năm 2007 Carnaval Hạ Long lần đầu được tổ chức, sự kiện kích cầu du lịch quan trọng đánh dấu bước ngoặt phát triển du lịch của TP Hạ Long khi ưu tiên phát triển ngành “công nghiệp không khói”, đưa Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới với đa dạng các loại hình dịch vụ phát triển theo năm tháng.
Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng này, hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, các tuyến quốc lộ được mở rộng, nâng cấp, tạo ra các cửa ngõ mới. Trên vịnh, sự phát triển của đội tàu du lịch hùng hậu, chuyên nghiệp nhất cả nước với 500 tàu du lịch được sơn trắng vào năm 2012; 354 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở 7 làng chài được di dời lên sinh sống tại khu tái định cư vào năm 2014 trong mục tiêu ổn định cuộc sống cho ngư dân và giảm áp lực về môi trường trên vịnh đã đem đến cái nhìn mới về du lịch Hạ Long.
Đặc biệt, 10 năm gần đây, sau khi chính thức trở thành đô thị loại I vào năm 2013 và thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy đã mở ra định hướng chiến lược, tạo động lực, nguồn lực để TP Hạ Long phát triển nhanh, bền vững. Thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên hai con số, cao hơn so với bình quân chung toàn tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tỷ lệ đô thị hóa đứng đầu toàn tỉnh với nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến địa bàn, tạo động lực mới trong phát triển du lịch, dịch vụ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, hài hòa với phát triển kinh tế. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm.
Dấu ấn quan trọng trong chặng đường phát triển của thành phố là thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 (ngày 17/12/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 18-NQ/TU (ngày 2/10/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ.
Đây là quyết định có tính lịch sử và đột phá, mang lại cơ hội mới để TP Hạ Long phát triển, đáp ứng mọi yêu cầu về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu mà tỉnh đang tập trung thực hiện. Hạ Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích, về số đơn vị hành chính trực thuộc, nhân lên sức mạnh tổng hợp của ý Đảng - lòng dân.
Đời sống kinh tế - xã hội của TP Hạ Long đã hội tụ đủ các loại hình văn hóa: Văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hóa đa sắc, thống nhất trong đa dạng. Con người nơi đây cũng hội tụ từ nhiều vùng miền, có khí chất phóng khoáng, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm… tạo nên "bức tranh đa sắc màu" trong sự phát triển du lịch, tạo tiền đề trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện. Với những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển đúng đắn, TP Hạ Long đang ngày một vươn xa trên chặng đường phát triển.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()