Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 08:11 (GMT +7)
Những tượng đá ở lăng vua Trần Hiến Tông
Chủ nhật, 17/03/2024 | 07:54:04 [GMT +7] A A
Ngải Sơn lăng (hay còn gọi là Ngải lăng) là lăng mộ vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6 của triều đại nhà Trần. Lăng mộ tọa lạc nơi chân núi thuộc khu Ao Bèo, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, TX Đông Triều, cách Thái miếu nhà Trần khoảng 500m về phía Tây. Ngải Sơn lăng là nơi còn giữ được nhiều nhất các tượng đá trong số các đền, lăng mộ các vua Trần tại Đông Triều.
Trần Hiến Tông tên húy là Trần Vượng là vị hoàng đế thứ sáu của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh ngày 17/5 năm Kỷ Mùi (1319). Năm 10 tuổi, được vua cha Trần Minh Tông truyền ngôi, ở ngôi 13 năm, vua mất ngày 11/6 năm Tân Tỵ (1341), thọ 23 tuổi. Vua Trần Hiến Tông được sử sách ghi nhận là Người có “Tư chất tinh anh sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng ở ngôi không được lâu, chưa thấy làm được gì nhiều”. Ngày 16/8/1344, thi hài vua được an táng vào An Lăng, phủ Kiến Xương (Thái Bình).
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, năm 1381, để tránh nạn giặc Chiêm Thành vào cướp phá, khai quật mồ mả tổ tiên, triều đình Trần đang trị vì đã di chuyển thần tượng tiên tổ từ Thái Bình, Nam Định ngày nay về vùng đất An Sinh - Đông Triều để an táng và lập miếu điện thờ cúng lâu dài, trong đó có lăng Ngải Sơn. Năm 1962, Ngải Sơn lăng cùng với 13 điểm di tích nhà Trần đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia trong đợt xếp hạng đầu tiên và đến năm 2013 đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 1820, nhân vừa lên ngôi, vua Minh Mạng đã có tu sửa nhiều đền chùa trong nước, trong đó có các lăng mộ vua Trần ở Đông Triều. Lăng vua Trần Anh Tông và Trần Hiến Tông còn giữ được các bia đá ghi lại cuộc trùng tu dịp này.
Năm 2002, Công ty Than Mạo Khê đã phát tâm công đức, tu bổ, tôn tạo lại khu lăng mộ vua Trần Hiến Tông như hiện nay, hệ thống tượng quan hầu, thú đá, bia đá, các di vật cũng đã được sắp xếp trưng bày trong khuôn viên của lăng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, du khách xa gần.
Trong số các tượng đá tại lăng vua Trần Hiến Tông có 2 tượng quan hầu được tạc trong thế đứng chầu, cao hơn 1m, trang phục khăn đóng, áo thụng, hai tay nâng hộp tráp nhỏ. Các tượng con thú bằng đá có tượng ngựa, dê, hổ, chó, kích cỡ tương đương các con vật trưởng thành. Đáng chú ý, ngoài tượng hổ hai chân trước nhổm, đầu ngểnh như trong tư thế rình mồi còn các con vật còn lại đều được tạc trong tư thế nằm nghỉ hay ngủ, nét mặt hiền từ. Các con vật được tả có đủ mắt, mũi, tai, sừng nhưng không có chi tiết cầu kỳ về đường nét như lông mao vốn mang phong cách đặc trưng trong nghệ thuật điêu khắc thời Trần, do đó toát lên vẻ khoẻ khoắn.
Ngoài các tượng quan hầu, thú, Ngải Sơn lăng còn có 2 rùa đá đế bia, 1 bia đá và một chân đế cắm bia đá thời Trần.
Từ đặc trưng nghệ thuật tạo hình trên các di vật, đối chiếu với các tài liệu lịch sử, các nhà khoa học xác định các tượng quan hầu, thú, bia đá trên có thể được chế tác vào những năm 1344-1381 là thời điểm vua Trần Hiến Tông được an táng vào An Lăng (Thái Bình) hoặc khi di chuyển ra An Sinh - Đông Triều. Đáng tiếc là trải qua thời gian và nhất là tư tưởng “bài phong” một thời của một số người nên một số bia đá, thú đá, tượng quan hầu đã bị đập vỡ. May mắn là quá trình tôn tạo lăng, các di vật đã được phục hồi dù tính nguyên gốc không còn nhưng cũng đủ để du khách tham quan thấy được diện mạo của tượng.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()